Những thất bại qua từng mùa giải là bài học xương máu cho bóng đá khu vực ĐBSCL. Qua đó cho thấy, rất và rất cần sự liên kết giữa các địa phương trong việc khởi đầu từ nguồn đào tạo bóng đá trẻ, thường xuyên tạo sân chơi hấp dẫn và tạo điều kiện thi đấu cọ xát phù hợp cho các cầu thủ trẻ.
Những thất bại qua từng mùa giải là bài học xương máu cho bóng đá khu vực ĐBSCL. Qua đó cho thấy, rất và rất cần sự liên kết giữa các địa phương trong việc khởi đầu từ nguồn đào tạo bóng đá trẻ, thường xuyên tạo sân chơi hấp dẫn và tạo điều kiện thi đấu cọ xát phù hợp cho các cầu thủ trẻ.
Mặt khác, khi bóng đá của địa phương mạnh thì nhà tài trợ mới mong gắn liền thương hiệu của họ vào đội bóng đó.
Bóng đá Vĩnh Long hiện có tài năng trẻ nhưng đang thi đấu ở Giải Hạng nhì quốc gia. |
Đào đạo cầu thủ trẻ
Ở khu vực ĐBSCL, nếu đánh giá đội bóng tốt nhất, thì không ai khác hơn Đồng Tháp. Đây là địa phương có hệ thống đào tạo trẻ rất tốt. Từ các lứa U.11 đến U.21, từ các CLB bán tập trung đến đội bóng tập trung tại Đồng Tháp đã cho thấy họ có tiềm năng tốt nhất, không phải lao đao về lực lượng.
Qua các giải trẻ toàn quốc, Đồng Tháp liên tục bước lên bục vinh quang nhận HC. Thậm chí, Đồng Tháp còn thừa quân lính, ngoài đội bóng dự Giải Hạng nhất quốc gia, nhiều đội bóng đá còn “vay mượn” quân của Đồng Tháp, như: Tây Ninh, Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Nai.
Kế tiếp chính là đội Long An. Từ khá lâu, Đồng Tâm Long An là “chỗ dựa” an tâm về các lớp kế thừa để không bị “vỡ trận” mỗi mùa giải và hiện tại Long An có 2 đội bóng ở Giải Hạng nhất, Hạng nhì quốc gia.
Trong khi đó, Cần Thơ được phân bổ số tiền mà các địa phương khác nằm mơ cũng chưa có được là 4,3 tỷ đồng/mùa bóng 2018, nhằm xây dựng đội ngũ bóng đá trẻ, từ nguồn tài trợ của Công ty TNHH 1TV XSKT Cần Thơ.
Còn nhiều địa phương khác không có nhà tài trợ, chủ yếu dựa vào kinh phí được Nhà nước cấp, rất hạn chế về trang thiết bị hay cơ sở vật chất không đầy đủ nên buộc lòng chỉ làm cái gì mình có và tâm huyết cho sự nghiệp bóng đá trẻ của địa phương.
Ông Nhan Thiện Nhân- Giám đốc Trung tâm Bóng đá An Giang- chia sẻ: “Kinh phí cho bóng đá các tỉnh ĐBSCL không đủ, chưa có doanh nghiệp gánh đội bóng. Theo tôi, các tỉnh nên củng cố hệ thống đào tạo trẻ, lùi lại để chơi Giải Hạng nhất.
Vài năm nữa, khi đào tạo trẻ đạt chất lượng, có lực lượng của mình, có nhà tài trợ mạnh thì hãy chơi V-League”. Hiện nay, An Giang có hệ thống đào tạo trẻ được xây dựng từ năm 2010 đến nay với 5 tuyến đội U.13- 21. Mùa bóng 2018, đội An Giang đá Hạng nhì bằng lứa U.21 và đoạt suất thăng Hạng nhất quốc gia 2019.
Dự kiến, sẽ bổ sung thêm một số cầu thủ gốc An Giang về đá giải năm sau. Lứa cầu thủ này đá Hạng nhất vài năm để có đủ kinh nghiệm trận mạc và khi có điều kiện, có doanh nghiệp tài trợ, An Giang mới có thể lên V-League.
Thương hiệu và tài trợ
Hiện nay thế hệ cầu thủ bóng đá trẻ được đầu tư khá tốt, nếu tính sau Đồng Tháp, Long An, An Giang thì đáng tiếc là tại Vĩnh Long, 2 ê kíp U.18 và U.15 đang trui luyện khá tốt và thường xuyên tăng cường cho các địa phương khác thi đấu như: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang tại các giải trẻ toàn quốc, nhưng vẫn còn ở Giải Hạng nhì quốc gia.
Còn các địa phương khác như: Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre lại hụt hẫng lực lượng, nên luôn phải thi đấu với trên 70% quân số là của các địa phương khác.
Ngay cả đội XSKT Cần Thơ với kinh phí 50 tỷ đồng cho mùa giải 2018, thì số cầu thủ quê ở Cần Thơ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cũng mùa bóng 2018, các nhà tài trợ đã bỏ vào 2,7 tỷ đồng cho Bến Tre; 2 tỷ đồng cho Tiền Giang- nhưng cả 2 đội bóng này thi đấu không thành công. Trong khi Đồng Tháp với 10 tỷ đồng- an phận cho vị trí thứ ba Giải Hạng nhất.
Mới đây (giữa tháng 10), 2 nhà cầm quân của Long An- Vĩnh Long định “bắt tay” nhau trong việc chuyển đổi quân lính của các lớp bóng đá trẻ, để cùng thường xuyên tập huấn, thi đấu nhằm tìm ra những “viên ngọc thô” cho CLB bóng đá của mình qua các giải đấu để trở lại V-League trong thời gian tới.
Năm 2018, Bến Tre được tài trợ 2,7 tỷ đồng, nhưng thi đấu không thành công ở Giải Hạng nhì quốc gia. |
Nếu mùa giải năm 2015, bóng đá ĐBSCL đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ khi có 3 đội cùng tham gia V-League là: Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An và có nhiều thành viên góp mặt vào ĐT quốc gia, đội Olympic Việt Nam; thì mùa giải 2019 lại đánh dấu cột mốc đáng buồn khi không còn đại diện nào của khu vực, cùng với đó là không có cầu thủ ĐBSCL góp mặt ở ĐT quốc gia. Nhiều địa phương đang duy trì các giải mang tính phong trào, thi đấu ở Giải Hạng nhì hay Hạng ba mà thôi, như Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang.
Không chỉ thiếu tiềm lực về tài chính, mà quan trọng là còn thiếu nhân lực làm bóng đá trong thời gian qua đang khiến bóng đá ĐBSCL thua thiệt. Điều đầu tiên là có ai đứng ra làm đầu tàu, cho các toa xe cùng thẳng tiến?
Bài, ảnh: DƯƠNG THU
Các tin liên quan |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin