U23 Việt Nam: Sau kỷ lục là áp lực

08:09, 18/09/2018

Chỉ trong vòng 8 tháng của năm 2018, HLV Park Hang Seo đã cùng U23 Việt Nam thiết lập nên 2 cột mốc lịch sử cho bóng đá Việt Nam, khi thầy trò HLV người Hàn Quốc vào tới chung kết giải U23 châu Á và lọt vào bán kết ASIAD 2018.

Chỉ trong vòng 8 tháng của năm 2018, HLV Park Hang Seo đã cùng U23 Việt Nam thiết lập nên 2 cột mốc lịch sử cho bóng đá Việt Nam, khi thầy trò HLV người Hàn Quốc vào tới chung kết giải U23 châu Á và lọt vào bán kết ASIAD 2018.

Kể từ ngày bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại với sân chơi quốc tế, chúng ta chưa từng giành được những thành tích ấn tượng như vậy ở đấu trường châu lục, và chỉ nhìn vào sự khác biệt về thái độ mà các đội bóng châu Á đối xử với U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á và ASIAD 2018 là có thể hiểu được đội bóng của HLV Park Hang Seo đã khiến các đối thủ phải nể trọng như thế nào.

AFF Cup 2018 vẫn là sân chơi đầy khó khăn với thầy trò HLV Park Hang Seo. Ảnh: Hoàng Linh
AFF Cup 2018 vẫn là sân chơi đầy khó khăn với thầy trò HLV Park Hang Seo. Ảnh: Hoàng Linh

Tại giải U23 châu Á năm 2018, U23 Australia từng cất tới 8 trên tổng số 11 cầu thủ chính thức trong trận gặp U23 Việt Nam, để rồi phải thua trong đau đớn, còn ở ASIAD 2018 thì kịch bản này đã không hề xảy ra, khi tất cả các đội bóng đối thủ của U23 Việt Nam đều có sự chuẩn bị rất cẩn thận.

Điều này cho thấy những thành tích mà U23 Việt Nam giành được ở 2 giải châu lục liên tiếp đã giúp hình ảnh bóng đá Việt Nam được nâng cấp rõ rệt.

Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là bóng đá Việt Nam đã ở một đẳng cấp khác so với các đội bóng trong khu vực, và màn trình diễn của thầy trò HLV Park Hang Seo tại AFF Cup 2018 tới đây sẽ chính là câu trả lời thuyết phục nhất.

Sở dĩ nói thế là bởi giữa cấp độ ĐTQG với U23 vẫn là một khoảng cách rõ rệt, và không có gì bảo đảm rằng các cầu thủ U23 khi chuyển lên ĐTQG thi đấu cũng sẽ có được phong độ ấn tượng và hiệu quả như ở cấp độ U23.

Cách đây 15 năm, bóng đá Việt Nam cũng từng có một thế hệ U23 tài năng là nòng cốt của ĐTQG như hiện tại. Đấy là thế hệ của Văn Quyến, Quốc Vượng, Minh Phương, một thế hệ mà ngay cả một chân sút cự phách như Công Vinh cũng không có vị trí chính thức mà chỉ có thể vào sân từ ghế dự bị.

ĐTQG với dàn cầu thủ U23 làm bộ khung chính thức khi ấy từng đánh bại ĐTQG Hàn Quốc, lúc đó đang là đệ tứ anh hào thế giới sau khi lọt vào tới bán kết World Cup 2002, cũng như vào tới chung kết SEA Games 22 năm 2003, nhưng cuối cùng ở Tiger Cup 2004 thì chúng ta lại bị loại ngay sau vòng bảng, và 2 năm sau đó, chúng ta tiếp tục không thành công ở AFF Cup 2006.

Nói vậy để thấy sự khác biệt rất lớn giữa 2 cấp độ ĐTQG với U23, và nếu ai đó nghĩ rằng U23 Việt Nam sẽ không phải lo ngại bất cứ đối thủ nào ở khu vực sau khi đã liên tục lọt vào vòng 4 đội mạnh nhất châu lục chỉ trong 9 tháng thì rõ ràng là rất chủ quan và sai lầm.

Đấy còn chưa kể tới việc phần lớn các cầu thủ chủ chốt của U23 Việt Nam hiện tại như Duy Mạnh, Xuân Trường, Đức Huy... đều đã "nhẵn mặt" với các đối thủ trong khu vực từ cách đây những... 5 năm, khi họ còn thi đấu ở lứa tuổi U19, còn số tuyển thủ thế hệ sau như Quang Hải, Tiến Dũng, Đức Chinh cũng chẳng phải là những cái tên lạ lẫm.

Vì thế, áp lực dành cho thầy trò HLV Park Hang Seo ở AFF Cup 2018 sắp tới sẽ là rất lớn, bởi sau những thành tích lịch sử tại giải U23 châu Á cũng như ASIAD 2018, có lẽ khó có CĐV nào lại hài lòng với việc đội bóng chỉ vượt qua vòng bảng.

Ở sân chơi bị xem là "vùng trũng" như AFF Cup 2018, việc ĐTQG không thể góp mặt ở trận chung kết chắc chắn sẽ bị coi là thất bại, và không may nếu điều này xảy ra thì ánh hào quang tại giải U23 châu Á hay ASIAD có lẽ cũng không giúp gì được nhiều cho thầy trò HLV Park Hang Seo.

Có lẽ đấy cũng là một trong những lý do khiến cho VFF đến nay vẫn im lặng trước những thông tin cho rằng HLV Park Hang Seo muốn được gia hạn hợp đồng, và chắc chắn kết quả thi đấu của ĐTQG tại AFF Cup 2018 sẽ hé mở rất nhiều điều về tương lai của ông Park với bóng đá Việt Nam.

Theo Thể thao Văn hóa

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh