ĐT U.23 Việt Nam chúng ta vừa có chiến thắng lịch sử trước ĐT U.23 Syria. Niềm vui, hạnh phúc, tự hào về màu cờ sắc áo đã có đầy trên khắp các phương tiện thông tin trong và cả ngoài nước. Bỏ qua các lỗi lầm, tranh chấp, chơi không đẹp...
ĐT U.23 Việt Nam chúng ta vừa có chiến thắng lịch sử trước ĐT U.23 Syria. Niềm vui, hạnh phúc, tự hào về màu cờ sắc áo đã có đầy trên khắp các phương tiện thông tin trong và cả ngoài nước. Bỏ qua các lỗi lầm, tranh chấp, chơi không đẹp... tôi xin chia sẻ một góc lặng khác về đối thủ Syria trên sân bóng hay đúng hơn là về đất nước đau thương của họ.
Syria là một đất nước đã từng hòa bình, yên ấm và yêu chuộng hòa bình. Năm 1978, chính Syria là một trong số quốc gia hiếm hoi bỏ phiếu phản đối lệnh cấm vận của Trung Quốc và Mỹ nhằm vào Việt Nam. Một người anh em, đồng chí thực sự của dân tộc Việt Nam ta.
Là một quốc gia giàu truyền thống, văn hóa, lịch sử. Năm 2010, Syria còn thu hút lượng khách du lịch còn nhiều hơn Australia (8,5 triệu so với 5,8 triệu khách).
Thế mà, năm 2011, nền hòa bình bỗng dưng tan biến. Chiến tranh, loạn lạc, bạo động triền miên. Cả một quốc gia rơi vào điêu tàn, đổ nát y như Việt Nam mình trong thời chiến vậy. Hơn 2 triệu dân Syria đã chết hoặc bị thương.
Trong đó có đến 24.000 trẻ em bị nạn. Năm 2017, hơn 5,5 triệu dân Syria trở thành người tị nạn chính trị (nhiều nhất trên thế giới).
Ai theo dõi tin tức quốc tế có thể sẽ bắt gặp những hình ảnh cậu bé Syria được cứu sống từ đống đổ nát sau đợt bom oanh tạc. Gương mặt bé hoang mang và có lẽ đang tự hỏi: "Chuyện gì đang xảy ra thế này".
Hay hình ảnh đau lòng hơn là 1 cậu bé khác chết trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhì Kỳ trong những nỗ lực vượt biên tìm nơi tị nạn chính trị.
Ở cái tuổi thần tiên mà đáng lẽ các em được học hành, yêu thương thì các em phải gánh chịu đau thương, mất mát chỉ vì lòng tham và tội ác của chiến tranh.
Và đó là lý do 11 cầu thủ Syria đều khoác trên mình chiếc áo đấu chỉ với một cái tên SYRIA. Như một lời khẳng định và tuyên bố với thế giới về một sự tồn tại của đất nước họ. Kiêu hãnh và đau thương.
Bình luận viên Quang Huy tối qua phát biểu: "Họ (Syria) từng có một đất nước xinh đẹp, những công trình vĩ đại được thế giới xem là di sản, cho đến khi cuộc “nội chiến” kéo tới đã phá đi tất cả".
Nếu các cầu thủ U23 Việt Nam chúng ta được thi đấu, tập luyện cùng nhau để gắn chất keo kết dính nhờ tài HLV Park. Thì các cầu thủ Syria phải đi lang bạt khắp thế giới để tị nạn chính trị. Họ không có nhiều cơ hội thi đấu cùng nhau. Họ là một tập thể rời rạc khi xét về mặt tập luyện.
Tối qua ở VN khắp nơi ngập tràn màu cờ sắc áo đỏ đi bão. Tại đâu đó ở Tây Á, có lẽ người dân Syria đã chiêm ngưỡng trận đấu kịch tích ấy bên cạnh một đống hoang tàn.
Tháng 6/2017, tuyển nữ Syria thua tuyển nữ Việt Nam 11-0. Sau trận đấu, họ thừa nhận là không thể đánh bại chúng ta nhưng vẫn tham gia trận bóng vì muốn chứng tỏ với thế giới “Syria vẫn còn sống”.
Tháng 8/2018, tuyển nam Syria thua tuyển nam Việt Nam 1-0. Họ đã nỗ lực với tất cả khả năng và điều kiện có thể nhưng vẫn gục ngã trước một U.23 Việt Nam của lịch sử.
Dẫu biết rằng vẫn có những bất công, thiên vị hay những hành động không đẹp từ đội bạn (và trọng tài người Iran), chúng ta vẫn chiến thắng oanh liệt. Cho nên mong bạn và tất cả chúng ta hãy vị tha và bỏ qua những lỗi lầm đó. Bóng đá là một môn thể thao “vua”.
Hãy tận hưởng niềm vui, vẻ đẹp và cả những mặt chưa đẹp đi kèm. Nhưng đừng vì thế mà vội công kích, để cơn sân hận cuốn đi thân tâm bình yên của mình.
Chúc mừng chiến thắng của Việt Nam. Và nguyện chúc an lành đến Syria!
Những người tị nạn Syria từ khắp nơi trên thế giới đã và đang học hỏi, rèn luyện để trở thành người tài phụng sự lại cho đất nước của họ. Không riêng bóng đá, theo thống kê, có 18/100 người dân Syria ở Mỹ có trình độ học vấn nhiều hơn 11/100 dân Mỹ. Tuy xa quê hương nhưng lòng vẫn luôn nỗ lực để hướng về đất mẹ. Thật đẹp biết bao! |
Phạm Hoàng Nguyên (TP Hồ Chí Minh)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin