Đội bóng "tay lái nghịch"

04:01, 30/01/2017

Đó là đội bóng chuyền Xổ số kiến thiết Vĩnh Long! Đội bóng từng đăng quang ngôi vô địch Việt Nam vào năm 1996. Điều độc đáo nhất là trong danh sách thi đấu của đội bóng này, có đến 7 tuyển thủ sử dụng "tay lái nghịch" (tay trái), nên khi bước vào thi đấu, nhiều đối thủ rất khó chống đỡ.

Đó là đội bóng chuyền Xổ số kiến thiết Vĩnh Long! Đội bóng từng đăng quang ngôi vô địch Việt Nam vào năm 1996. Điều độc đáo nhất là trong danh sách thi đấu của đội bóng này, có đến 7 tuyển thủ sử dụng “tay lái nghịch” (tay trái), nên khi bước vào thi đấu, nhiều đối thủ rất khó chống đỡ.

Những cái tên: Trần Văn Sơn, Nguyễn Văn Thân, Nguyễn Xuân Thiều, Trần Anh Kiệt cùng chuyền hai Tống Phát Đạt là 5/6 cầu thủ “tay lái nghịch” thi đấu trong đội hình chính thức. Còn 2 cầu thủ dự bị: Lê Văn Phú, Nguyễn Hoàng Tuấn cũng thi đấu với ưu thế thuận tay trái.

Đội bóng chuyền Xổ số kiến thiết Vĩnh Long vô địch quốc gia 1996.
Đội bóng chuyền Xổ số kiến thiết Vĩnh Long vô địch quốc gia 1996.

Trong lịch sử hệ thống giải bóng chuyền nam cao nhất ở Việt Nam là đội mạnh và vô địch quốc gia như hiện nay, các ngôi vô địch thường tập trung ở 3 khu vực với các đội bóng đại diện như: Thể Công, Bưu điện Hà Nội... (miền Bắc), Sanest Khánh Hòa, Đức Long Gia Lai (miền Trung- Tây Nguyên) và Seaprodex, Dệt Thành Công, Công nhân Hóa chất, Quân đoàn 4, Công an TP Hồ Chí Minh... (miền Nam- nhưng đa số cũng chỉ là các đội bóng của TP Hồ Chí Minh).

Trong khi đó ở ĐBSCL dù có nhiều đội bóng, như Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Quân khu 9… nhưng để có thể giành ngôi vô địch thì chỉ có đội bóng nam Xổ số kiến thiết Vĩnh Long.

Với đội hình thi đấu chính thức thường xuyên có đến 5/6 cầu thủ “tay lái nghịch” như vậy, khi họ vào sân đã gây bất ngờ không nhỏ cho các đối thủ.

Điều lạ là tất cả cầu thủ này đều gốc Vĩnh Long, do thời đó ít có đội bóng nào thuê mướn hay chuyển nhượng cầu thủ từ nơi khác đến để tăng cường như bây giờ. 

Trần Văn Sơn- cầu thủ xuất sắc Giải vô địch quốc gia 1996.
Trần Văn Sơn- cầu thủ xuất sắc Giải vô địch quốc gia 1996.

Có thuận trong nghịch, do hầu hết thuận tay trái nên các cầu thủ thường tập trung tấn công ở vị trí số 2, gây rất nhiều khó khăn trong phòng thủ của đối phương, dù lúc đó các đội đều rất lừng lẫy như: Thể Công, Công an TP Hồ Chí Minh, Dệt Thành Công, Quân đoàn 4,...

HLV Trương Hữu Vinh- cựu tuyển thủ Dệt Thành Công và hiện là HLV phó đương kim vô địch Maseco TP Hồ Chí Minh- kể lại: “Thời điểm đó, đội Xổ số kiến thiết Vĩnh Long thi đấu rất hay với những cầu thủ tay trái nên rất khó phòng thủ. Đặc biệt là chủ công Trần Văn Sơn thi đấu khá toàn diện, tấn công ở vị trí số 4, nhảy phát bóng rất uy lực, mạnh mẽ...”.

Trong khi đó, HLV Lê Hồng Hảo- cựu cầu thủ Trường Năng khiếu nghiệp vụ TP Hồ Chí Minh và đội Seaprodex TP Hồ Chí Minh, hiện là HLV trưởng đội Công an TP Hồ Chí Minh- cũng nhớ lại: “Trước đó, Vĩnh Long không phải là đối thủ của Seaprodex chúng tôi, nhưng thời điểm năm 1996 họ thi đấu rất tốt.

Không chỉ có Trần Văn Sơn, mà còn bộ đôi khác là Nguyễn Văn Thân và Trần Anh Kiệt thi đấu cũng rất hay”.

Tại mùa giải Vô địch quốc gia 1996, đội Xổ số kiến thiết Vĩnh Long đăng quang ngôi vô địch và cầu thủ Trần Văn Sơn cũng đoạt luôn danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất.

Năm vừa qua (2016)- đúng 20 năm sau, cựu tuyển thủ quốc gia Trần Văn Sơn cũng có kỷ niệm đáng nhớ khi được đất nước chùa Tháp- mời sang làm HLV trưởng cho đội bóng Cảnh sát Hoàng gia Campuchia. Đội bóng này vừa giành chức vô địch quốc gia và vô địch Cúp quốc gia Campuchia 2016.

Nhắc lại chuyện xưa, ai cũng cho rằng đây chỉ là sự tình cờ, vì các nhà chuyên môn của bóng chuyền Vĩnh Long thời đó đâu có chủ trương chỉ tuyển chọn cầu thủ “tay lái nghịch” nhưng bất ngờ là nhiều cầu thủ thuận tay trái đã gia nhập đội năng khiếu TDTT tỉnh và không lâu sau, đội trẻ Vĩnh Long đã giành chức vô địch 1993.

Nhờ vậy, đã tạo nên 1 đội bóng “độc nhất vô nhị” của làng bóng chuyền Việt Nam với hàng loạt cầu thủ thi đấu tay trái và đã làm nên chuyện… phải, với chiếc Cúp vô địch quốc gia năm 1996.

Bài, ảnh: TUYẾT SƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh