Những người Pháp không thể nào quên được cú va chạm và cả trận thua khủng khiếp ấy theo cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực. Tiêu cực vì quá ám ảnh. Còn tích cực là vì trận thua đó, mà Pháp đã vô địch EURO.
Pha bóng khiến Patrick Battiston nằm cáng. (Nguồn: starmedia.com) |
Những người Pháp không thể nào quên được cú va chạm và cả trận thua khủng khiếp ấy theo cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực. Tiêu cực vì quá ám ảnh. Còn tích cực là vì trận thua đó, mà Pháp đã vô địch EURO.
“Tôi tưởng anh ấy đã chết”
Michel Platini vẫn còn nhớ như in pha va chạm khủng khiếp ấy. Patrick Battiston, trung vệ vừa vào sân thay người của Pháp bất ngờ lao lên đón đường tỉa bóng xuống khoảng trống giữa hai trung vệ đội Đức, thủ môn Harald “Toni” Schumacher không còn cách nào khác phải lao ra cản phá. Khoảnh khắc sau đó được ghi nhận như là một trong những điểm đen của lịch sử các kỳ World Cup.
Khuôn mặt của Battiston dính trọn trọng lượng của cả người Schumacher với lực cực mạnh, trung vệ người Pháp bắn xuống đất như một cái xác, tay trái giơ lên yếu ớt trước khi lịm dần. Schumacher không bị dù chỉ thẻ vàng sau pha bóng đó, thủ thành to lớn người Đức đứng dậy, nhai kẹo cao su, đợi Battiston bất tỉnh được khiêng cáng ra khỏi sân và thực hiện tình huống phát bóng lên.
Battiston không chết như những gì Platini tưởng tượng. Trung vệ người Pháp bị mất ba chiếc răng, tổn thương cột sống. Báo chí Pháp sau đó gọi Schumacher là “tên đồ tể Seville."
Vô số người Pháp dọa giết thủ thành này. Nguyên thủ hai quốc gia Đức và Pháp từng phải tổ chức họp báo để hòa giải những mâu thuẫn. Bản thân Schumacher từng sang Pháp ngay trước đám cưới Battiston một ngày để xin lỗi nhưng không thành công, có quá nhiều người Pháp đợi sẵn ở cửa để “xử” thủ thành người Đức. Sau này Battiston đã chấp nhận lời xin lỗi của Schumacher nhưng cũng khẳng định “không muốn gặp lại anh ta”.
Đó là khía cạnh tiêu cực. Phía bên kia, người Pháp phải cảm ơn người Đức vì trận thua tức tưởi ấy.
Mở đường cho EURO 1984
Bỏ ngoài scandal Schumacher-Battiston, trận bán kết Espana 1982 giữa Đức-Pháp vẫn được coi như một trong những trận cầu kinh điển nhất trong lịch sử các kỳ World Cup. Đức đã vươn lên dẫn trước Pháp bằng bàn thắng của Pierre Littbarski ngay phút thứ 17. Michel Platini sau đó gỡ hòa cho Pháp trên chấm phạt đền. Kết thúc 90 phút, hai đội hòa nhau 1-1. Và 30 phút hiệp phụ chứng kiến kịch bản khó tin nhất kể từ sau trận đấu thế kỷ giữa Đức-Italy tại bán kết Mexico 1970.
Marius Tresor và Alain Giresse ghi liền hai bàn đưa Pháp dẫn 3-1 trước khi trận đấu bước sang phút thứ 100. Đức chịu thua cuộc? Không. Karl Heinz Rummenigge và Klaus Fischer gỡ hòa 2-2 cho nhà đương kim vô địch EURO chỉ trong 6 phút, buộc người Pháp bước vào loạt đấu súng cân não. Pháp dĩ nhiên thua cuộc trong sở trường tuyệt đối của người Đức.
EURO 1984, giải đấu được tổ chức trên chính đất Pháp sau đó đã chứng kiến một kịch bản gần như tương tự trận bán kết Đức-Pháp tại Espana 82. Chỉ khác, lần này Pháp đã thắng. Đối thủ khi đó là Bồ Đào Nha. Platini, người nếm trải mọi cảm xúc trong trận chiến tại Seville năm nào chính là người kết thúc màn rượt đuổi tỉ số nghẹt thở với bàn thắng vào phút thứ 119. Michel Platini sau này thừa nhận trận thua khó tin trước người Đức tại Espana 82 đã giúp Les Blues trưởng thành lên gấp nhiều lần, mà chức vô địch EURO 1984 chính là quả ngọt.
34 năm sau trận chiến tại Seville, Pháp lại gặp Đức tại bán kết một giải đấu lớn. Và những người hâm mộ dĩ nhiên có quyền chờ đợi một kịch bản kinh điển nữa.
Theo VIETNAM+
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin