Việc tổ chức vòng chung kết giải Vô địch bóng đá châu Âu năm nay (EURO 2016 ) đang mang lại cho Pháp những cơ hội mới trên nhiều lĩnh vực. Đây được xem là "cú hích" cho nền kinh tế nước này.
Các cổ động viên đội tuyển Bắc Ireland tại sân vận động Allianz Riviera tại thành phố Nice ngày 12/6. (Nguồn: EPA/TTXVN) |
Việc tổ chức vòng chung kết giải Vô địch bóng đá châu Âu năm nay (EURO 2016 ) đang mang lại cho Pháp những cơ hội mới trên nhiều lĩnh vực. Đây được xem là "cú hích" cho nền kinh tế nước này.
Với hơn 1,5 triệu du khách nước ngoài đến Pháp xem bóng đá, Chính phủ Pháp kỳ vọng EURO 2016 sẽ đem lại tăng trưởng, tạo nhiều công ăn việc làm, tạo động lực cho nền kinh tế nước chủ nhà.
Theo nghiên cứu do Trung tâm Luật và Kinh tế thể thao (CDES) thực hiện, EURO 2016 sẽ đem về gần 1,3 tỷ euro cho kinh tế Pháp. Khoản tiền này có được nhờ mức chi tiêu của các "yếu tố nước ngoài," tức du khách ngoại quốc và kể cả các quan chức của UEFA.
Bên cạnh đó, còn phải kể đến các khoản chi tiêu của giới hâm mộ Pháp khi họ tới xem các trận đấu ngay trên đất Pháp. Trung bình, mỗi cổ động viên sẽ chi đến 337 euro trong dịp EURO 2016.
Các hệ thống kinh doanh khách sạn sẽ được hưởng lợi lớn tại EURO 2016. Chẳng hạn tại thành phố Nice, nơi tổ chức đến 4 trận đấu, Chủ tịch Nghiệp đoàn quản lý khách sạn, Denis Cippolini khẳng định chỉ có 10% các phòng khách sạn có thể bị bỏ trống trong hai tháng Sáu và Bảy năm 2016.
Còn tại thành phố Lille, nơi diễn ra đến 6 trận tranh hùng, Chủ tịch Hiệp hội khách sạn trong vùng, Gérard Poorter cho biết hiện các khách sạn tại đây đã kín chỗ, kể cả những ngày cuối tuần.
Không chỉ có ngành khách sạn, các nhà hàng, hay công ty chuyên tổ chức các sự kiện cũng đang làm việc gần như cả ngày lẫn đêm.
Phó Chủ tịch Tập đoàn Provence Côtes d’Azur Events trúng thầu dịch vụ cung cấp đồ ăn cho 4 trận đấu tại Nice, khẳng định dịch vụ ăn uống sẽ thu lãi lớn với EURO 2016, riêng tập đoàn này đã huy động tới 14.000 nhân viên phục vụ.
Provence Côtes d’Azur Events cũng cộng tác với nhiều cơ sở trồng trọt, chăn nuôi trong vùng, để bảo đảm mua được rau quả, thịt cá tươi, đồng thời tạo rất nhiều công việc làm cho người lao động ở đây.
Một đối tác quan trọng của tất cả các sự kiện thể thao lớn là các hãng quảng cáo. Theo Tập đoàn quảng cáo Publicis, chỉ riêng với EURO 2016, doanh thu trong ngành tăng 4%. 900 triệu euro được đầu tư thêm vào thị trường quảng cáo tại châu Âu.
EURO 2016 cũng là dịp để các nhà quảng cáo thí nghiệm nhiều mô hình quảng cáo mới. Ý thức được điều này, các đài truyền hình cũng mạnh tay tăng giá mỗi đoạn phim quảng cáo giữa hai hiệp đấu. Chẳng hạn, để xuất hiện trên chương trình của đài tư nhân TF1 trong 30 giây cần phải trả 225.000 euro.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng hay trùng tu các sân vận động cũng đã mang lại "cơ hội vàng" cho các hãng xây dựng tại Pháp.
Bên cạnh những yếu tố thuần túy kinh tế, EURO 2016 còn là dịp để cả thế giới chú ý đến Pháp. Người dân từ nhiều nước trên thế giới sẽ thấy rằng ngoài Paris, tháp Eiffel, hay đại lộ Champs Elysées thì thành phố Lille ở miền Bắc, Toulouse ở Tây Nam và nhiều thành phố khác như Nice, Marseille … cũng là những địa điểm du lịch thú vị.
Teho TTXVN/VIETNAM+
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin