Việt Nam đăng cai SEA Games sớm: Hà Nội xung phong

02:04, 07/04/2016

Tổng cục Thể dục Thể thao đang lấy ý kiến góp ý của các địa phương cho đề án đăng cai tổ chức SEA Games 31 sớm.

Tổng cục Thể dục Thể thao đang lấy ý kiến góp ý của các địa phương cho đề án đăng cai tổ chức SEA Games 31 sớm.

Đại diện một lãnh đạo Tổng Cục thể dục thể thao (Bộ Văn hóa) cho biết, đơn vị này đang xây dựng đề án xin đăng cai tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31. Hiện, Cục  đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ các địa phương để chuẩn bị phương án trình Chính phủ phê duyệt.

Vị lãnh đạo cũng bác bỏ thông tin cho rằng, sẽ chọn Hà Nội là nơi tổ chức sự kiện này.

"Nguyện vọng xin được đăng cai tổ chức sự kiện là ý kiến từ phía Hà Nội, Tổng cục sẽ ghi nhận như ý kiến góp ý của Hà Nội và làm cơ sở báo cáo Chính phủ" - vị lãnh đạo khẳng định.

Ông nhấn mạnh, "đề án vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, do đó, còn rất nhiều thay đổi, chưa có gì cụ thể, chưa thể quyết định sẽ lựa chọn địa phương nào làm địa điểm tổ chức".

Sân vận động Mỹ Đình
Sân vận động Mỹ Đình

Được biết, năm 2003, lần đầu tiên VN là chủ nhà của SEA Games 22 diễn ra tại Hà Nội. Theo trình tự, lẽ ra SEA Games 32 năm 2023 mới đến lượt Việt Nam đăng cai nhưng do Ủy ban Olympic Campuchia đã xin phép cho Campuchia được đăng cai SEA Games vào năm 2023 do chưa đủ điều kiện tiềm lực xây dựng cơ sở hạ tầng, nên Việt Nam sẽ đăng cai sự kiện này sớm hơn dự kiến.

Đánh giá về mục đích và tầm quan trọng của sự kiện trên, vị lãnh đạo Cục thể dục, thể thao Việt Nam gọi đó vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm cũng vừa là nghĩa vụ mà Việt Nam phải thực hiện.

"Do Việt Nam đã tham gia vào Cộng đồng ASEAN; Việt Nam cũng đã tham gia vào Hội đồng thể thao Đông Nam Á. Việt Nam đã đi tham dự đại hội ở nhiều quốc gia thì đến lượt Việt Nam phải là chủ nhà của đại hội theo hiến chương của SEAGF.

Việc tổ chức SEA Games có ý nghĩa lớn trong việc phát triển cơ sở vật chất thể thao và hạ tầng xã hội, động viên phong trào thể thao phát triển và góp phần đào tạo thêm VĐV cho thể thao Việt Nam", vị lãnh đạo giấu tên cho biết.

Về kinh phí, ông cho hay, nguồn kinh phí sử dụng chủ yếu là nguồn ngân sách nhà nước.

 "Vì đây là sự kiện thể thao quốc gia, lại là trách nhiệm, nghĩa vụ đến lượt phải thực hiện, do đó, kinh phí chủ yếu sẽ lấy từ nguồn ngân sách Trung ương. Các nước khác khi tổ chức cũng đều lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, ví dụ, Singapore, còn bỏ ra hơn 1 tỷ USD để tổ chức sự kiện trên. Việt Nam, không đầu tư nhiều như Singapore thì sẽ tổ chức ở mức độ thấp hơn", ông cho biết thêm.

Vấn đề quan trọng, theo ông nói ở đây không đơn giản chỉ là giá trị bằng tiền mà cái thu được sau khi đứng ra tổ chức sự kiện sẽ là rất lớn. Chủ yếu là những giá trị về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Những giá trị không thể đo đếm được.

Quan trọng hơn, ông nói rằng tổ chức SEA Games  không đơn giản chỉ là vì lợi ích, hình ảnh mà còn vì trách nhiệm, nghĩa vụ của Việt Nam  với các nước trong khu vực.

Vì vậy, ông cho biết, phương án cuối cùng sẽ do Chính phủ quyết định. Trong trường hợp xem xét nếu không đủ điều kiện về kinh phí, hạ tầng, Việt Nam vẫn có quyền nói từ chối, ông nói.

 Hà Nội nhận

Trước thông tin cho rằng, UBND TP Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Tổng cục TDTT về việc xác nhận đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á năm 2021.

Ông Nguyễn Khắc Lợi – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cho biết, đó cũng mới chỉ là chủ trương.

"Đây giống như hình thức đi trước, đón đầu của Hà Nội. Hà Nội đang đặt giả thiết, nếu Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31, Hà Nội rất sẵn sàng đứng ra tổ chức. Về phía sở cũng rất sẵn sàng về cả lực lượng, tâm lý chuẩn bị cho sự kiện", ông Lợi nói.

Thực tế, câu chuyện Việt Nam đăng cai SEA Games 31 đã được bàn tới từ hơn một năm trước với chi phí dự kiến là 100 triệu USD (hơn 2.000 tỷ đồng)

Theo Đất Việt

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh