Người đưa phong trào võ thuật cổ truyền Long Hồ lớn mạnh

07:02, 24/02/2016

Lặng lẽ gầy dựng phong trào võ thuật ở vùng quê từ xã Hòa Tịnh (Mang Thít) rồi sang huyện Long Hồ, đôi vợ chồng Nguyễn Thị Hồng Thanh (SN 1974)- Đinh Văn Lớn (SN 1970) đã cùng gắn bó đưa môn võ cổ truyền thành thế mạnh của huyện Long Hồ hơn chục năm qua.

Lặng lẽ gầy dựng phong trào võ thuật ở vùng quê từ xã Hòa Tịnh (Mang Thít) rồi sang huyện Long Hồ, đôi vợ chồng Nguyễn Thị Hồng Thanh (SN 1974)- Đinh Văn Lớn (SN 1970) đã cùng gắn bó đưa môn võ cổ truyền thành thế mạnh của huyện Long Hồ hơn chục năm qua.

Anh Đinh Văn Lớn (cầm mi-crô) đang điều hành giải đấu huyện Long Hồ mở rộng dịp Tết Bính Thân 2016.
Anh Đinh Văn Lớn (cầm mi-crô) đang điều hành giải đấu huyện Long Hồ mở rộng dịp Tết Bính Thân 2016.

Ông truyền- con cháu nối

Anh Đinh Văn Lớn được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống võ cổ truyền. Ông nội là Nguyễn Văn Lâm, quê Tây Ninh- làm thuốc và luyện võ từ những năm đầu thập niên 30 (thế kỷ XX) và góp phần đưa môn võ thuật này phát triển.

Một người con của ông- Đinh Văn Hảo (SN 1946)- đã thành công trong việc nối nghiệp cha. Rồi tiếp nối con đường của cha và ông, anh Đinh Văn Lớn lại trở thành võ sư.

Sau đó, anh Lớn cùng chị Hồng Thanh trở thành cặp đôi ăn ý, cùng sánh vai nhau trên con đường võ thuật và còn làm rạng danh Vĩnh Long trên đấu trường khu vực ĐBSCL và toàn quốc.

5 năm nơi quê nhà (từ năm 1998), vợ chồng anh Lớn đã mở nhiều lớp võ cổ truyền, nhưng lớp học thường chỉ có vài em, nhiều lắm 15 em.

Song vì yêu nghề, họ vẫn luôn gắn bó với võ cổ truyền, xem đây là “nguồn năng lượng sống”. Để rồi, qua nhiều năm, đến nay môn võ cổ truyền ở Long Hồ hiện được phát triển khá mạnh. Các lớp học luôn có 120- 150 học viên.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thanh đang làm trọng tài giám định tại giải đấu huyện Long Hồ mở rộng 2016.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thanh đang làm trọng tài giám định tại giải đấu huyện Long Hồ mở rộng 2016.

Đặc biệt, từ năm 2009, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cho phép tổ chức thi đấu đối kháng trên sàn đài và tổ chức các giải vô địch quốc gia (VĐQG), giải trẻ cấp khu vực và toàn quốc. Từ đó, các học trò của anh đã có dịp “thử lửa” trên các đấu trường này.

Năm 2009, ở Giải VĐQG, Vĩnh Long có chiếc HCĐ đầu tiên khi vợ chồng anh Lớn dẫn dắt các học trò thành công. Năm 2010, Vĩnh Long có thêm chiếc HCĐ tại giải Trẻ QG và tại Đại hội TDTT ĐBSCL. Từ năm 2009 đến nay, võ cổ truyền Vĩnh Long đều gặt hái những thành công lớn.

Tại Giải võ cổ truyền Đại hội TDTT ĐBSCL, Vĩnh Long đã giành được số HC:

Năm 2009: 1 HCB, 4 HCĐ.

Năm 2011: 2 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ.

Năm 2013: 3 HCV, 3 HCB, 6 HCĐ.

Năm 2015: 4 HCV, 5 HCB, 5 HCĐ.

Trong khi Giải Lân Sư Rồng tỉnh 2016, Long Hồ giành 2 giải nhất (Lân và Sư).

 

Hết lòng với võ thuật

Võ sư Huỳnh Thành Công- Trưởng Bộ môn võ thuật (Trung tâm TDTT- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Môn võ cổ truyền của tỉnh Vĩnh Long thành công được như hôm nay chính là nhờ sự tận tụy hết lòng của anh Lớn cùng chị Hồng Thanh.

Rất ít ai có niềm đam mê võ thuật như họ và đã giúp cho giới trẻ có sân chơi lý tưởng. Việc đào tạo, tập luyện cho các võ sinh cũng rất tốt. Vợ chồng anh chị luôn tình nguyện tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ hoặc lớp đào tạo trọng tài do Liên đoàn hoặc Tổng cục TDTT tổ chức”.

Ông Nguyễn Anh Khoa- Trưởng Phòng VHTT Long Hồ chia sẻ:

“Vợ chồng anh Lớn là hạt nhân tiêu biểu của phong trào võ thuật huyện. Từ CLB của anh, nhiều võ sinh đã trưởng thành và đóng góp rất lớn cho phong trào võ thuật không chỉ tại huyện nhà, mà còn của tỉnh. Vợ chồng anh Lớn còn gắn kết với môn Lân Sư Rồng và cờ người.

Vì vậy huyện luôn tạo điều kiện tối đa để CLB Võ cổ truyền và Lân Sư Rồng luyện tập, thi đấu. Tới đây, chúng tôi đang đề nghị đầu tư bộ Rồng trị giá gần 40 triệu đồng để huyện có đủ bộ Lân Sư Rồng thi đấu trong thời gian tới”.

Khi nói về những việc làm của mình, võ sư Đinh Văn Lớn chỉ khiêm tốn nhận là người truyền cảm hứng cho những bạn trẻ đam mê võ thuật:

“Thời xưa, mình tập luyện trong điều kiện khó khăn nên cũng có những hạn chế nhất định. Còn bây giờ, mọi thứ tốt hơn nhiều nên tôi luôn cố gắng tìm những dụng cụ hỗ trợ tốt nhất để các em có cơ hội luyện tập bài bản.

Tin rằng với kinh nghiệm của mình, tôi sẽ truyền cho các em sự nhiệt huyết và niềm đam mê võ thuật, võ đạo. Đó không chỉ là các thế võ, các bài quyền mà trên hết là đạo đức, lối sống của người học võ, luyện võ để sau này, dù làm gì các em cũng sẽ trưởng thành hơn khi bước vào đời”.

 

CLB Võ cổ truyền và Lân Sư Rồng Long Hồ đã đào tạo hàng ngàn võ sinh, trong đó có 3 võ sư, 14 HLV, 5 trọng tài cấp quốc gia. Gần đây nhất có thể kể đến những cái tên như Huỳnh Xuân Mai, Trần Thị Thu Hà, Đinh Thúy Linh, Lê Việt Cường,… tham gia các giải võ cổ truyền của tỉnh, khu vực và toàn quốc- đã mang về nhiều chiếc HC quý giá.

 

Bài, ảnh: DƯƠNG THU

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh