Thể thao Việt Nam sẽ bước vào năm 2016 với những kỳ vọng mới đặt ở Olympic Rio 2016 và AFF Cup tổ chức vào cuối năm.
Công Phượng (số 10), Tuấn Anh (số 8) và Xuân Trường (số 6) là ba tài năng trẻ của Hoàng Anh Gia Lai ra nước ngoài thi đấu trong năm 2016. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+) |
Thể thao Việt Nam sẽ bước vào năm 2016 với những kỳ vọng mới đặt ở Olympic Rio 2016 và AFF Cup tổ chức vào cuối năm.
1. Đoàn Việt Nam có huy chương ở Olympic Rio
Olympic Rio 2016 là sự kiện lớn nhất trong năm của thể thao thế giới và cũng là giải đấu lớn nhất của thể thao Việt Nam. Trong lịch sử, thể thao Việt Nam mới hai lần giành huy chương bạc Olympic vào các năm 2000 và 2008 (Trần Hiếu Ngân môn Taekwondo và Hoàng Anh Tuấn cử tạ).
Chia sẻ về cơ hội của Việt Nam trước thềm Olympic 2016, Nguyên trưởng đoàn thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh nói: “Tôi nghĩ khả năng chúng ta giành huy chương còn khó khăn hơn tại Olympic 2012.Chúng ta chỉ có thể trông chờ ở cử tạ hay bắn súng. Thể dục dụng cụ và bơi lội, kể cả nếu Ánh Viên có tiến bộ, cũng khó giành được huy chương.”
Hướng tới Olympic Rio, thể thao Việt Nam sẽ có khoảng 10 suất tham dự tập trung chủ yếu ở bốn môn cử tạ, bắn súng, thể dục dụng cụ, bơi lội và điền kinh. Bắn súng với Hoàng Xuân Vinh và cử tạ với Thạch Kim Tuấn là hai hy vọng giành chương lớn nhất. Ở chiều ngược lại, Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ) đang dính chấn thương, điền kinh và bơi lội Việt Nam đều có rất ít cơ hội dù Nguyễn Thị Huyền và Ánh Viên đã chắc suất tới Brazil.
2. Chinh phục AFF Cup 2016
Thất bại ở AFF Cup 2014 kéo dài chuỗi năm trắng tay của tuyển Việt Nam ở sân chơi khu vực lên con số 6. AFF Cup 2016 là cơ hội để Công Vinh và các đồng đội tìm kiếm thành công tiếp theo.
Lịch sử AFF Cup mới ghi nhận 3 lần bóng đá Việt Nam có mặt ở chung kết vào các năm 1998 và 2008. Trong ba kỳ AFF Cup gần nhất, tuyển Việt Nam đều không qua nổi bán kết. Với kinh nghiệm của Công Vinh, Thành Lương cùng sự trưởng thành của lứa U23 Việt Nam của Công Phượng, Tuấn Anh, Duy Mạnh, tuyển Việt Nam được kỳ vọng sẽ thể hiện một bộ mặt khác tại giải đấu vào tháng 12 tới.
Thuyền trưởng tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2016 cũng sẽ là một huấn luyện viên khác không phải Toshiya Miura.
3. Chờ đón thành công của “Hàng Việt Nam xuất khẩu”
Năm 2016 cũng đánh dấu một cột mốc đặc biệt với bóng đá Việt Nam khi hàng loạt tài năng trẻ của Hoàng Anh Gia Lai được “xuất khẩu”. Nguyễn Công Phượng gia nhập Mito Hollyhock (Nhật Bản), Nguyễn Tuấn Anh đến Yokohama (Nhật Bản) còn Lương Xuân Trường về Incheon United. Ngoài bộ ba này, Nguyễn Phong Hồng Duy và Nguyễn Văn Toàn là những cái tên có thể sẽ tiếp tục lên đường ra nước ngoài đầu quân.
Việc ba cầu thủ trẻ Việt Nam đổ bộ hai giải vô địch quốc gia lớn nhất châu Á tạo kỳ vọng lớn cho bóng đá Việt. Thành công của họ (nếu có) sẽ là lời khẳng định cho năng lực của cầu thủ Việt có thể cạnh tranh tại những giải đấu hàng đầu châu lục.
Trước đó, bóng đá Việt Nam từng chứng kiến những lần “xuất ngoại” của Lê Huỳnh Đức và Lê Công Vinh trong quá khứ. Nhưng chưa khi nào, số lượng cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu lại nhiều như bây giờ. “Xuất ngoại” cũng là xu hướng phát triển tất yếu của các nền bóng đá nếu muốn vươn tới đẳng cấp thể giới. Bóng đá Nhật Bản và Hàn Quốc cũng chỉ tiệm cận đẳng cấp thế giới khi cầu thủ của họ bắt đầu tiến ra châu Âu thi đấu.
4. Chinh phục đẳng cấp thế giới
Năm 2016, nhiều môn thế mạnh đặc thù của thể thao Việt Nam sẽ hướng tới các mục tiêu tầm thế giới. Đội tuyển Futsal lĩnh ấn tiên phong tại vòng chung kết giải Futsal châu Á 2016 tại Uzbekistan. Đúng ngày mồng 4 Tết, Futsal Việt Nam sẽ ra quân gặp đối thủ Đài Loan. Mục tiêu của Futsal Việt Nam ở giải đấu này là lọt vào tốp 5 - tương đương một suất dự World Cup Futsal 2016 tại Colombia.
Cùng với Futsal nam, tuyển nữ cũng hướng tới mục tiêu thế giới. Giải đấu tại Nhật Bản sắp tới là lần đầu tiên tuyển nữ Việt Nam lọt vào vòng loại thứ ba Olympic khu vực châu Á.
Ngoài hai đội tuyển trên, Ánh Viên (bơi lội) sẽ tham dự các chặng tiếp theo của Cúp thế giới, Lý Hoàng Nam sẽ trở lại Wimbledon để bảo vệ thành tích vô địch đôi nam trẻ.
5. Các tài năng trẻ tiếp tục xuất hiện
Ngoài thành công của Ánh Viên và Lý Hoàng Nam, năm 2015 ghi dấu sự xuất hiện của những tài năng trẻ trên nhiều lĩnh vực. Kình ngư 14 Nguyễn Diệp Phương Trâm trở thành vận động viên trẻ nhất của đoàn Việt Nam dự SEA Games 28. Cô cũng giành 7 Huy chương Vàng giải bơi vô địch quốc gia, phá kỷ lục của chính đàn chị Ánh Viên.
Nguyễn Thị Oanh (điền kinh), Nguyễn Lê Cẩm Hiền (cờ vua), Đỗ Duy Mạnh (bóng đá), Lâm Quang Nhật (bơi lội)... cũng là những ngôi sao trẻ được phát hiện trong năm 2015 vừa qua. Thành công của họ khẳng định sự đúng đắn của đề án đầu tư trọng điểm cho các môn Olympic - hướng đi dài hạn của thể thao Việt Nam./.
Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/5-ky-vong-lon-lao-cua-the-thao-viet-nam-trong-nam-2016/369823.vnp
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin