Các nhà đài đang lạc hậu với thời cuộc

09:01, 10/01/2016

Mỗi ba năm một lần, cuộc tranh cãi về bản quyền truyền hình Giải ngoại hạng Anh (EPL) lại nóng lên với sự tham gia của nhiều nhà đài, những đơn vị đã được sinh ra như nấm sau mưa ở một giai đoạn ngắn mà nhà nhà nghĩ rằng bóng đá Anh và cả châ Âu là lẽ sống của cả hệ thống...

Mỗi ba năm một lần, cuộc tranh cãi về bản quyền truyền hình Giải ngoại hạng Anh (EPL) lại nóng lên với sự tham gia của nhiều nhà đài, những đơn vị đã được sinh ra như nấm sau mưa ở một giai đoạn ngắn mà nhà nhà nghĩ rằng bóng đá Anh và cả châ Âu là lẽ sống của cả hệ thống...

Giai đoạn 2016 - 2019, bản quyền EPL chắc chắn sẽ không rẻ hơn giai đoạn 2013 - 2016. Đó là một cảnh báo từ trước đây ba năm khi K+ tiếp tục trở thành cái gai trong mắt một vài nhà đài cạnh tranh khác.

Ở lần đấu thầu này, Bộ Thông tin - truyền thông chỉ đạo Hiệp hội Truyền hình trả tiền VN (VNPayTV): không mua bản quyền EPL độc quyền; không mua với giá cao hơn niên khóa trước đó 20%... Chỉ đạo đó cho thấy cơ quan quản lý nhà nước cũng nhận thức được việc chắc chắn không có chuyện đối tác sẽ không tăng giá. Từ đây, VNPayTV đứng ra lập ban đàm phán với MP&Silva - đối tác nắm giữ bản quyền EPL.

Ngoài truyền hình truyên thống vẩn còn con đường khác để người hâm mộ theo dõi bóng đá Anh. Ảnh: Guardian
Ngoài truyền hình truyên thống vẩn còn con đường khác để người hâm mộ theo dõi bóng đá Anh. Ảnh: Guardian

Tuy nhiên, MP&Silva đã không quá mặn mà với đề xuất gặp gỡ đàm phán của VNPayTV. Họ vẫn giữ nguyên cách vận hành cũ và đầy lợi thế của mình là các đơn vị muốn mua thì bỏ thầu bí mật. Họ sẽ chỉ công bố đơn vị thắng thầu với mức giá bỏ thầu cao nhất. Còn rạn nứt giữa các đơn vị truyền hình thì quá rõ. Trong khi 10 kênh truyền hình trả tiền cùng ký cam kết không mua bằng mọi giá, không mua độc quyền, không mua cao hơn giá kỳ trước 20% thì K+ không chấp thuận cam kết ấy.

K+ có lý riêng của họ. Quyền điều hành thực tế ở K+ hiện nay đang là một câu chuyện khá phức tạp mà chúng ta không thể phủ nhận sức nặng trong các quyết định của người Pháp, cụ thể là Canal Plus Oversea. Họ không muốn bước vào một cuộc chơi “kiểu VN” khi họ đã phải bỏ vốn đầu tư ra quá nhiều. Nhưng bản thân K+ cũng không còn được sức mạnh như những ngày đầu mới ra mắt. Việc họ rút dần các giải đấu khác, từ quan trọng như Champions League cho tới không quan trọng như Serie A... cho thấy họ muốn cố thủ với hai sản phẩm có tính cạnh tranh cao là EPL và La Liga.

Tình hình ngày một nóng lên khi VNPayTV quyết tâm mọi giá để có được bản quyền EPL, trong khi K+ đang đứng ở ngoài liên minh ấy cũng đầy tham vọng không thể để mất EPL. Với tất cả các kênh truyền hình ấy, mất EPL là mất tất cả và có EPL là có được một nội dung đảm bảo doanh thu cũng như uy tín nhà đài ít nhất trong ba năm tới. Song, cuộc quyết đấu ấy sẽ dẫn tới đâu khi chính Canal Plus cũng không tiếp tục với EPL ở thị trường Pháp và thực chất bóng đá nói chung hay EPL nói riêng có là lẽ sống của ngành truyền hình giải trí VN?

Câu trả lời: tất cả các nhà đài đều đang say đòn trong một cuộc chơi mà họ trở nên lạc hậu với thời cuộc. Thời đại của truyền hình truyền thống đã ở vào hồi cáo chung và ngành truyền hình VN nếu không thay đổi sẽ lâm vào cảnh bế tắc kéo dài. Ngay cả EPL cũng đang chuyển hướng và chắc chắn ở giai đoạn 2019 - 2022, chúng ta sẽ được chứng kiến một cuộc thay đổi mang tính cách mạng của tường thuật bóng đá trực tiếp trên toàn cầu.

Thật vậy, đầu tháng 1-2016, Netflix (tập đoàn kinh doanh nội dung số của Mỹ) chính thức mở cửa ở VN trong chiến dịch mở rộng toàn cầu của mình và cho người dùng mới đăng ký thành viên được miễn phí thuê bao tháng đầu tiên. Nếu tiếp tục đăng ký, mỗi tháng sau đó một thuê bao sẽ phải trả khoảng 250.000 đồng cho một tài khoản sử dụng được bốn màn hình cùng lúc.

Dù chỉ là một kênh xem phim trực tuyến đơn thuần nhưng cách ra mắt của Netflix ở VN khá lớp lang. Sáu tháng trước khi chính thức tuyên bố mở cửa ở VN, một loạt web cho xem phim trực tuyến tại VN đã phải rút các nội dung chưa có bản quyền để tránh bị Netflix kiện. Cách dọn đường khoa học, lặng lẽ nhưng hiệu quả đó cho thấy truyền hình Internet, giải trí trên các kênh OTT đã bắt đầu phát triển khá mạnh ở VN.

Khá nhiều kênh truyền hình ở VN cũng bắt đầu muốn đưa các nội dung phát sóng của mình lên mạng nhằm tiếp cận người xem rộng hơn nữa. Bóng đá cũng không nằm ngoài cuộc chơi lớn đó. Bản quyền EPL đã và sẽ còn tiếp tục được khai thác ở VN dưới dạng nội dung kỹ thuật số trực tuyến trên mạng. Và với những trận cầu dưới định dạng đó, người dùng chỉ cần đầu tư một thiết bị nhỏ trị giá hơn 100 USD (Apple TV) là đủ để thưởng thức bóng đá một cách sắc nét.

Thậm chí, nhiều người hâm mộ bóng đá chuyên cập nhật công nghệ thông tin đã từ lâu không cần quan tâm đến chuyện nhà đài nào đang nắm bản quyền giải đấu nào nữa rồi. Điều họ quan tâm duy nhất chỉ là bao giờ thì có những đơn vị kinh doanh nội dung số cung cấp đủ cho họ tất cả các trận đấu của các giải đấu quan trọng mà thôi. Dễ hiểu, chi phí thuê bao cho những kênh nội dung số như vậy không quá đắt so với thuê bao truyền hình.

Bởi thế, khi truyền thông gióng giả lên rằng có khả năng người xem VN có nguy cơ không được xem EPL nữa cũng không quá nhiều khán giả cảm thấy lo lắng. Khi Internet đã gần gũi với họ như cơm ăn hằng ngày, họ biết bóng đá vẫn là thứ có thể được tiếp cận một cách không quá khó khăn. Hơn nữa, với đà phát triển này, chắc chắn chỉ trong năm 2016 hoặc muộn hơn là 2017, truyền hình Internet sẽ trở nên phổ biến ở VN với đầy đủ từ thể thao cho tới giải trí.

Trong lúc ấy, không hiểu VNPayTV vẫn còn quanh quẩn với cuộc chiến cổ điển của mình để làm gì và vẫn coi bóng đá là lẽ sống để làm gì khi mà bản thân họ không làm chủ được nội dung họ phát sóng. Lấy một nội dung mà mình không có quyền làm chủ nó để làm vũ khí chiến lược, đó không phải là bài toán kinh doanh thông minh và cuối cùng chỉ đẩy tới việc đổ lỗi cho nhau là thủ phạm để đối tác “làm giá”, trong khi chính đối tác luôn là người chủ động trong các cuộc tăng giá của mình.

Nguồn: http://thethao.tuoitre.vn/tin/20160110/cac-nha-dai-dang-lac-hau-voi-thoi-cuoc/1035592.html

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh