Giải thưởng Quả bóng vàng (QBV) Việt Nam nhằm tôn vinh những cá nhân xuất sắc nhất của bóng đá Việt và không có gì bất ngờ khi đa số chủ nhân của giải thưởng đều để lại những dấu ấn đặc biệt trong lịch sử bóng đá nước nhà ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Giải thưởng Quả bóng vàng (QBV) Việt Nam nhằm tôn vinh những cá nhân xuất sắc nhất của bóng đá Việt và không có gì bất ngờ khi đa số chủ nhân của giải thưởng đều để lại những dấu ấn đặc biệt trong lịch sử bóng đá nước nhà ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Đoàn Thị Kim Chi nhận giải thưởng QBV nữ lần thứ tư. Ảnh: NGUYỄN NHÂN |
Rời sân cỏ, thành công… huấn luyện
Cho đến nay, vẫn chưa ai vượt qua được Đoàn Thị Kim Chi với 4 lần đăng quang tại giải thưởng QBV, chưa kể một lần cô đoạt QBB. Rời nghiệp cầu thủ, Đoàn Thị Kim Chi lại tạo dấu ấn với chức vô địch quốc gia cùng đội bóng đá nữ TPHCM trong vai trò HLV. Cho đến nay, đã có 3 QBV Việt Nam chuyển sang làm công tác huấn luyện, ngoài Kim Chi, còn có Văn Thị Thanh và Lưu Ngọc Mai đều đạt thành công nhất định.
Tuy không bằng số lần đoạt QBV như đồng nghiệp nữ Kim Chi, nhưng có thể nói, Lê Huỳnh Đức là một tượng đài khó vượt qua của giải thưởng. Ngoài 3 lần được tôn vinh ở danh hiệu cao nhất, cựu tiền đạo này đang giữ kỷ lục với 3 lần đoạt QBB, 2 lần vô địch quốc gia trên vai trò HLV trưởng, từng là Vua phá lưới Việt Nam và là cầu thủ có số lần khoác áo tuyển quốc gia nhiều nhất.
Một điều đặc biệt khác để làm nên “kỷ lục gia” Lê Huỳnh Đức, đó là dưới sự dẫn dắt của anh, CLB SHB Đà Nẵng đã có một QBV Việt Nam khác: tiền vệ Huỳnh Quốc Anh, người được Huỳnh Đức tạo cơ hội để trở lại sân cỏ sau thời gian nhận án treo giò vì liên quan đến vụ bán độ tại SEA Games 2005.
Trong số 10 cầu thủ từng có mặt trong tốp 3 của giải thưởng từ năm 1995-2002, tức thế hệ vàng đầu tiên của bóng đá Việt Nam sau ngày Thống nhất thì đến 8 người đang làm HLV. Cùng với Lê Huỳnh Đức, HLV Nguyễn Hữu Thắng cũng đã từng đưa SLNA vô địch V-League.
Tài không đợi tuổi
Trong khi đó, Lê Công Vinh lại là một “kỷ lục gia” khác khi anh là người duy nhất đoạt mọi danh hiệu dành cho cầu thủ nam: Ngoài 3 QBV, 1 QBV, 2 QBĐ, Công Vinh còn đoạt giải cầu thủ trẻ xuất sắc nhất, là QBV từng vô địch quốc gia ở 2 CLB khác nhau và là chân sút số 1 của lịch sử V-League.
Hiện nay, dư luận đang tranh cãi khá nhiều về việc tiền đạo trẻ Công Phượng không có tên trong danh sách đề cử QBV Việt Nam 2015. Trên thực tế, sự vắng mặt của Công Phượng trong danh sách đề cử không phải vì tuổi tác mà vì những hạn chế của anh trong màu áo đội tuyển quốc gia. Khi đoạt QBV lần đầu tiên năm 2004, Lê Công Vinh mới 19 tuổi và là cầu thủ trẻ nhất từng đoạt danh hiệu.
Nhưng đó cũng là năm mà anh đoạt cú đúp QBV - Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất. Yếu tố giúp Công Vinh đăng quang khi còn khá trẻ đó là vì anh chơi xuất sắc tại Tiger Cup 2004 trong màu áo đội tuyển quốc gia (ghi nhiều bàn nhất cho Việt Nam tại giải này).
Thành công ấy cũng không phải tình cờ vì trước đó, Công Vinh đã là tuyển thủ của U.23 tại SEA Games 2003 cũng như làm đội trưởng của đội U.19 Việt Nam dự VCK châu Á, Đông Nam Á khi chỉ mới 17 tuổi. Đó là chưa nói, khi mới 18 tuổi, Công Vinh đã là thành viên của SLNA…
Cầu thủ trẻ nhất từng đoạt một danh hiệu tại giải thưởng QBV Việt Nam là Phạm Văn Quyến, anh thắng giải cầu thủ trẻ xuất sắc nhất lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2000 khi mới 16 tuổi. Hai năm sau, Văn Quyến đã là thành viên của SLNA vô địch quốc gia 2 năm liên tiếp và là cầu thủ trẻ nhất lịch sử ghi bàn cho đội tuyển quốc gia tại Tiger Cup 2002 khi mới 18 tuổi. Đấy là những thống kê mà cho đến nay, tiền đạo trẻ Công Phượng vẫn chưa thể vượt qua.
Theo http://www.sggp.org.vn/thethao/vleague/2015/12/406164/
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin