Bài học từ mô hình đội tuyển Đức vô địch World Cup 2014 sẽ là kim chỉ nam cho hoạt động trẻ hóa đội tuyển Olympic Việt Nam trước thềm vòng loại giải U23 châu Á và SEA Games 28 năm 2015.
Bài học từ mô hình đội tuyển Đức vô địch World Cup 2014 sẽ là kim chỉ nam cho hoạt động trẻ hóa đội tuyển Olympic Việt Nam trước thềm vòng loại giải U23 châu Á và SEA Games 28 năm 2015.
Định hướng của VFF là trẻ hóa triệt để nhằm hướng tới những cái đích dài hạn. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
Trong thời gian gần đây, dư luận đã dành sự quan tâm đặc biệt cho bản danh sách triệu tập đội hình Olympic Việt Nam chuẩn bị cho chiến dịch vòng loại giải U23 châu Á. Hiện tại, có hai hướng tranh luận chủ yếu.
Hướng thứ nhất đòi hỏi tập trung những cầu thủ U22 giỏi nhất nhằm hướng tới mục tiêu thành tích cao. Hướng thứ hai đòi đôn lên thật nhiều cầu thủ trẻ ở độ tuổi 19, 20 nhằm hướng tới các mục tiêu dài hạn hơn.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Liên đoàn bóng đá Việt Nam Trần Quốc Tuấn chia sẻ: “Trẻ hóa đội tuyển quốc gia là định hướng chung. Định hướng là đội tuyển phải có sự tích lũy, phải duy trì được thành tích trong một thời gian dài. Chúng ta có những bài học phải suy nghĩ.”
“Năm 2009, Malaysia vô địch SEA Games. Năm 2010, chính đội hình SEA Games ấy vô địch AFF Cup. Năm 2011, họ lại vô địch SEA Games. Tuyển Đức có nhiều cầu thủ tham dự từ 2006 sau khi vô địch giải U21 châu Âu. Đến năm 2014 vừa rồi, họ mới vô địch thế giới. Tức là sự chuẩn bị phải mang tính chất dài hơi.”
Cách chuẩn bị dài hơi ấy cũng là xu thế của bóng đá Đông Nam Á thời gian qua, ông Trần Quốc Tuấn phân tích: “Ở đa phần các nước Đông Nam Á, thế hệ cầu thủ trẻ cũng chiếm thành phần rất lớn. Đó là Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, thậm chí là Indonesia. Vừa rồi, Nhật Bản đá vòng loại Asian Cup thua Saudi Arabia. Những cầu thủ đá phạt đền hỏng toàn siêu sao. Thời gian họ ở đội tuyển quá lâu, họ đã đoạt hết mọi danh hiệu. Khi xem, chúng ta cảm thấy họ cần sự thay thế trẻ sớm. Đương nhiên, sự kế thừa phải được thực hiện sớm bởi không phải cái gì cũng đến một cái là đạt được ngay. Chúng ta phải có thời gian tích lũy kinh nghiệm.”
Trước đó, trong nhiều cuộc trao đổi với báo giới, VFF cũng thể hiện quan điểm muốn đôn lứa U19 Việt Nam lên làm nòng cốt đội Olympic Việt Nam chuẩn bị cho các giải đấu lớn trong năm 2016 tới. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng phải thuộc về huấn luyện viên trưởng Toshiya Miura.
Lý do khiến VFF phải nỗ lực trẻ hóa độ tuổi của U22 Việt Nam (hay Olympic Việt Nam) là bởi đội tuyển này sẽ hướng tới cái đích rất xa là giành vé đến vòng chung kết Olympic Rio 2016.
Trước đấy, cách làm tương tự cũng từng được bóng đá Việt Nam áp dụng cho lứa U19 Việt Nam. Năm 2013, lứa cầu thủ này được triệu tập với thành phần lớn là các cầu thủ 17 tuổi. Mục tiêu của họ là giành vé tới vòng chung kết World Cup U20 năm 2015. Nhưng tham vọng ấy đã không thành hiện thực khi Công Phượng và các đồng đội bị loại ở vòng bảng giải U19 châu Á 2014./.
Theo Vietnam+
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin