Ngày 6/1, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), Thái tử Jordan, Ali Bin Al Hussein tuyên bố ông sẽ ra tranh cử chức Chủ tịch FIFA, tổ chức vốn đang lún sâu vào các vụ bê bối.
Thái tữ Jordan Ali Bin Al Hussein. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Ngày 6/1, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), Thái tử Jordan, Ali Bin Al Hussein tuyên bố ông sẽ ra tranh cử chức Chủ tịch FIFA, tổ chức vốn đang lún sâu vào các vụ bê bối.
Thái tử 39 tuổi của Jordan sẽ trở thành đối thủ của Chủ tịch đương nhiệm Sepp Blatter, người cũng đã tuyên bố tiếp tục tranh cử ở tuổi 79. Cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch FIFA sẽ diễn ra vào ngày 29/9 năm nay tại Zurich (Thụy Sĩ).
Trong một tuyên bố, Thái tử Hussein cho biết: "Đây không phải là một quyết định dễ dàng. Điều này được đưa ra sau khi được xem xét thận trọng và có nhiều cuộc thảo luận với những đồng nghiệp rất được kính trọng của FIFA trong vài tháng qua."
Tuy nhiên, ông không tiết lộ 5 trong số 209 liên đoàn thành viên của FIFA sẽ đề cử ông cho chức chủ tịch, mà theo yêu cầu là phải có trước thời hạn chót vào ngày 29/1 tới.
Mặc dù nhận được sự ủng hộ của châu Âu, trong đó có Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) Michel Platini, nhưng ông Hussein chưa chắc nhận được phần lớn sự ủng hộ tại châu Á, nơi ông Sheik Salman Bin Ibrahim Al Khalifa, người Bahrain, đang giữ chức Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC). Ông này từng công khai khẳng định sẽ ủng hộ Chủ tịch Blatter.
Thái tử Hussein là Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Jordan từ năm 1999 và sau đó một năm, ông là người sáng lập Liên đoàn bóng đá Tây Á. Tại FIFA, ông đã thành công khi đứng đầu chiến dịch đòi dỡ bỏ lệnh cấm các nữ cầu thủ Hồi giáo phải mang khăn trùm đầu trong các trận thi đấu.
Trong thời gian 17 năm dưới sự lãnh đạo của ông Blatter, FIFA từng dính phải nhiều vụ bê bối hối lộ, đổi tiền lấy phiếu bầu và gian lận vé trong các kỳ World Cup.
Hình ảnh của tổ chức này cũng đã bị hoen ố thêm vào tháng trước khi Trưởng ban Đạo đức FIFA Michael Garcia từ chức sau khi FIFA từ chối công bố đầy đủ hồ sơ điều tra của ông liên quan đến vấn đề tham nhũng trong quá trình trao quyền đăng cai World Cup cho Nga và Qatar.
Theo quy định, bầu cử chức Chủ tịch FIFA sẽ là bỏ phiếu kín và trong vòng bỏ phiếu lần đầu tiên, ứng cử viên muốn chiến thắng cần phải nhận được ít nhất hai phần ba số phiếu bầu của các liên đoàn thành viên./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin