Giới làm nghề bóng chuyền Quân đội đang căng thẳng khi đón nhận thông tin nếu các đội bóng nam và nữ (ngoại trừ Thể Công và Thông tin LVPostbank) không tiến tới xã hội hóa toàn diện, sẽ phải tạm dừng cuộc chơi kể từ năm 2016…
Giới làm nghề bóng chuyền Quân đội đang căng thẳng khi đón nhận thông tin nếu các đội bóng nam và nữ (ngoại trừ Thể Công và Thông tin LVPostbank) không tiến tới xã hội hóa toàn diện, sẽ phải tạm dừng cuộc chơi kể từ năm 2016…
Nếu không xã hội hóa thì nguy cơ dừng cuộc chơi của bóng chuyền Quân đội là rất lớn. Ảnh: Dũng Phương
Phải tự chủ tài chính
Theo tìm hiểu, ngành thể thao Quân đội đang hướng tới các đội bóng chuyền thuộc ngành Quân đội sẽ phải tự chủ về tài chính, không có bao cấp. Thể thao Quân đội dự kiến sẽ chỉ bao cấp cho 2 đội bóng chủ lực là nam Thể Công và nữ Bộ Tư lệnh Thông tin (hiện tại đội bóng này đang mang thương hiệu Thông tin Lienvietpostbank).
Ngoài hai đội bóng trên, hiện bây giờ, bóng chuyền ngành Quân đội đang có nhiều đội bóng là Quân khu 3, Quân khu 4, Quân khu 5, Biên phòng, Quân khu 9, Quân đoàn 4… của nam và nữ là Phòng không Không quân. Về mặt dự kiến hoạch định chiến lược, các đội bóng sẽ phải tự chủ về kinh tế để nuôi được đội bóng theo hình thức xã hội hóa. Như nhiều đơn vị trước đây tham gia bóng chuyền, nếu không lo được mặt tài chính thì rất dễ dẫn tới khả năng CLB sẽ phải xóa sổ.
Ở đây, chúng tôi không nói về quyết sách bởi chỉ khi có quyết định chính thức từ thể thao Quân đội thì tất cả mới rõ ràng. Nhưng có thể thấy một điều, từ khi hình thành và phát triển bóng chuyền Việt Nam tới nay, các đội bóng chuyền thuộc thể thao Quân đội luôn là một phần đóng góp chính cho nền bóng chuyền nước nhà. Bóng chuyền Quân đội là cái nôi của nhiều VĐV gạo cội, HLV thành danh. Vì lẽ đó, họ là phần không thể thiếu với bóng chuyền Việt Nam. Được biết, trong năm 2015 này, các đội bóng chuyền thuộc thể thao Quân đội vẫn hoạt động bình thường và khi có quyết định chính thức thì lộ trình mới thực hiện từ năm 2016.
Quy luật tất yếu
Bóng chuyền Việt Nam đã chứng kiến không ít đội bóng phải giải thể vì lý do kinh tế. Trước kia có Dệt Thành Công, Dệt Nam Định, Seprodex TPHCM, Bưu điện Hà Nội rồi mới nhất là Vietsov Petro, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam…
Điều ấy phản ánh rằng, khi bước sang câu chuyện “cơm áo gạo tiền” để ổn định hoạt động là không dễ dàng. Chưa dám nói trước vận mệnh của các đội bóng chuyền Quân đội tới đây sẽ ra sao nhưng nếu phải hoạch định tự chủ về kinh tế là khó khăn.
Đành rằng, mỗi đơn vị Quân khu, Quân đoàn có những chiến lược riêng trong thành tích thể thao nhưng tất cả phải theo tổng thể chung.
Trong chia sẻ mới nhất, chuyên gia bóng chuyền Trần Văn Thư của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cho biết: “Chúng tôi thấy rằng bóng chuyền Quân đội luôn có một thế mạnh riêng. Việc hoạch định cho từng đơn vị tự quản lý là theo chủ trương. Tuy nhiên, nếu phải một đơn vị nào đó không còn tồn tại là đáng tiếc bởi vì bóng chuyền tại từng đơn vị vẫn đang rất phát triển và được nhiều VĐV tham gia tập luyện”.
Nói gì thì nói, trong một tiến trình phát triển của thể thao đỉnh cao thì việc bao cấp là không thể. Mỗi đơn vị chắc chắn có những cái khó riêng. Cái khó ấy sẽ được báo cáo để có được sự chia sẻ tốt nhất. Người hâm mộ kỳ vọng, sẽ không một đội bóng chuyền nào của Quân đội phải nghỉ chơi bởi tất cả đều là lịch sử của bóng chuyền Việt Nam và từng đội bóng có lượng khán giả riêng nhất định.
Theo SGGPO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin