Từ Lê Huỳnh Đức đến U.19

01:01, 23/01/2015

Những đổi thay quan trọng của bóng đá Việt Nam kể từ chiếc HCB tại SEA Games 1995 đã được ghi dấu trên chặng đường 20 năm giải thưởng Quả bóng vàng (QBV) Việt Nam do Báo SGGP tổ chức. Đấy là hành trình không dễ dàng nhưng đầy cảm xúc và chứa đựng nhiều sự kiện đặc biệt của bóng đá nước nhà.

Những đổi thay quan trọng của bóng đá Việt Nam kể từ chiếc HCB tại SEA Games 1995 đã được ghi dấu trên chặng đường 20 năm giải thưởng Quả bóng vàng (QBV) Việt Nam do Báo SGGP tổ chức. Đấy là hành trình không dễ dàng nhưng đầy cảm xúc và chứa đựng nhiều sự kiện đặc biệt của bóng đá nước nhà.

Lê Huỳnh Đức - gương mặt tiêu biểu của giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam.

Từ QBV đầu tiên Lê Huỳnh Đức

Nếu không có giải thưởng QBV, bóng đá Việt Nam vẫn có một thế hệ vàng ghi dấu ấn đậm nét trên trường quốc tế, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển sau này của làng cầu nội địa. Tuy nhiên, chính từ giải thưởng này, lần đầu tiên bóng đá Việt Nam được lưu giữ những khoảnh khắc sáng chói bằng các sự kiện cụ thể mà qua đó, các thế hệ sau này có thể hình dung về từng giai đoạn phát triển của bóng đá Việt.

Ví dụ như câu chuyện về việc Trần Minh Chiến, nguồn cảm hứng tạo nên giải thưởng lại không hề có mặt trong 3 danh hiệu cao nhất ở kỳ bầu chọn đầu tiên chỉ vì thua Nguyễn Hữu Đang 1 phiếu bầu - xuất phát từ một hành động không đẹp của tiền đạo này sau trận chung kết SEA Games 1995 khiến anh “mất điểm”. Có thể nói, ngay từ đầu, tiêu chí “tâm - tài - đức” đã thể hiện trọn vẹn ở kỳ trao giải đầu tiên và sự vắng mặt của Minh Chiến là ví dụ cụ thể.

Lê Huỳnh Đức đã vượt trội ngay ở kỳ trao giải đầu tiên. Điều đáng nói là ở kỳ SEA Games đó, Huỳnh Đức suýt nữa không có tên trong danh sách sang Thái Lan dự giải nếu không có một thỏa hiệp giữa VFF và HLV Weigang. Ở năm kế tiếp, Huỳnh Đức không có mặt trong tốp 3 sau vụ lộn xộn trên sân Cao Lãnh trong trận chung kết giải VĐQG giữa Công an TPHCM và Đồng Tháp. Tiêu chí đạo đức lại mang yếu tố quyết định đến kết quả bầu chọn.

Từ đó đến năm 2001, những gương mặt sáng giá nhất của bóng đá Việt Nam đều được ghi danh. Đó là Võ Hoàng Bửu - người đoạt danh hiệu năm 1996 với thành tích sút thành công 4 quả phạt đền ở Tiger Cup 1996. Đó là Nguyễn Hồng Sơn, tiền vệ tài hoa bậc nhất của bóng đá Việt. Hậu vệ cánh phải Trần Công Minh, người tạo nên một chuẩn mực mới cho các hậu vệ sẵn sàng tham gia ghi bàn mỗi khi dâng cao tấn công. Các cái tên nổi bật khác như Nguyễn Hữu Thắng, Đỗ Khải cũng được ghi danh và giới mộ điệu có thể lưu giữ các ký ức đẹp về một thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam.

Đến những chàng trai 19 tuổi

Năm 2002, Lê Huỳnh Đức lần thứ 3 đoạt danh hiệu QBV ở tuổi 30, cũng là thời điểm đánh dấu sự kết thúc của thế hệ vàng. Đấy là thời điểm mà bóng đá Việt Nam chuyển sang chuyên nghiệp với sự xuất hiện của một loạt tài năng mới mà việc ghi nhận Phạm Văn Quyến ở kỳ bầu chọn năm 2003 là cột mốc.

Khi Văn Quyến đăng quang, anh chỉ mới 19 tuổi, sau thành công của đội U.23 ở SEA Games trên sân nhà. Ngoại trừ trường hợp Văn Quyến tỏa sáng quá sớm và nhanh chóng lụi tàn thì những cầu thủ trẻ khác như Lê Công Vinh (19 tuổi), Phan Văn Tài Em (22 tuổi), Phạm Thành Lương (21 tuổi) đều duy trì đều đặn sự cống hiến của mình từ sau khi được nhận giải thưởng. Có thể nói, chính QBV đã là nguồn cảm hứng để họ phấn đấu, đặc biệt là sự cống hiến trong màu áo đội tuyển quốc gia.

Thế nên, với những dấu ấn quan trọng trong năm 2014, các cầu thủ trẻ đến từ đội U.19 Việt Nam hiện đang thi đấu tại V-League 2015 như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… hoàn toàn có cơ hội để tranh đua cùng các đàn anh trong một năm bóng đá Việt Nam thay da đổi thịt nhờ “làn sóng trẻ”.

Theo SGGPO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh