Khó diễn tả hết được không khí rộn ràng từ trưa 5/11, bên bờ kè sông Maspéro TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng). Tuy chưa đến giờ khai cuộc Giải đua ghe ngo Lễ hội Ok om book, nhưng ngay từ sáng sớm, từng tốp người nườm nượp đổ về khu vực khán đài đường đua ghe ngo để chứng kiến cuộc so tài giữa các đội ghe trong và ngoài tỉnh.
4 chiếc dù bay lượn trên bầu trời sông Maspéro TP Sóc Trăng.
Khó diễn tả hết được không khí rộn ràng từ trưa 5/11, bên bờ kè sông Maspéro TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng). Tuy chưa đến giờ khai cuộc Giải đua ghe ngo Lễ hội Ok om book, nhưng ngay từ sáng sớm, từng tốp người nườm nượp đổ về khu vực khán đài đường đua ghe ngo để chứng kiến cuộc so tài giữa các đội ghe trong và ngoài tỉnh.
Đây là một hoạt động nằm trong chương trình MDEC- Sóc Trăng 2014 và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đến du khách gần xa khi đặt chân đến vùng đất Sóc Trăng.
RỘN RÀNG
Hội đua năm nay có 40 đội ghe ngo nam và 11 đội ghe nữ tham gia tranh tài 2 nội dung: 1.200m nam và 1.000m nữ. Ngoài quy tụ gần như tất cả đội ghe ngo hiện có của các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng, thì giải còn có những đại diện đến từ các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu và Vĩnh Long.
Nếu so với Festival đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL- Sóc Trăng lần thứ I- 2013, thì rõ ràng không bằng (ít hơn 10 đội ghe), không có sự so tài của các ghe ngo mạnh như Càng Long (Trà Vinh), Cà Nhung (Kiên Giang),… Đây cũng là điều đương nhiên, bởi năm nay không phải là Festival và 2 địa phương này hàng năm cũng tổ chức Ngày hội văn hóa- thể thao nhân dịp lễ hội Ok om book.
51 đội ghe ngo nam và nữ tập trung trước giờ khai cuộc.
Dù 12 giờ trưa mới khai cuộc vòng đấu bảng của các đội ghe ngo nam lẫn nữ, song, dường như không ai muốn đến muộn để không bỏ lỡ cơ hội xem những cuộc đua bứt phá ngoạn mục của các đội ghe. Khác với các hội đua trước, ngày hội năm nay người dân Sóc Trăng còn chiêm ngưỡng 4 chiếc dù bay có động cơ biểu diễn trên bầu trời TP Sóc Trăng.
Anh Danh Thia đến từ xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề- Sóc Trăng) vui vẻ cho biết: “Thật thú vị, khi tận mắt chứng kiến chiếc dù bay lượn nhiều vòng trên bầu trời. Còn ở đường đua thì xem các đội thi đấu quá kịch tính và hấp dẫn”.
KỊCH TÍNH
Đúng giờ khai cuộc, tiếng còi, tiếng reo hò vang cả đoạn sông khi những chiếc ghe ngo tiến về điểm xuất phát. Những tay chèo nhịp nhàng, đều và nhanh thoăn thoắt.
Những chàng trai vạm vỡ, cô gái hăm hở điều khiển chiếc ghe ngo lao băng băng về đích trong tiếng cổ vũ nồng nhiệt của khán giả ở 2 bên đường đua mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Sóc Trăng cho thấy luôn là trung tâm điểm hẹn của các giải đua ghe ngo trong vùng- nhất là sự phát triển không ngừng của môn thể thao truyền thống này.
Những cuộc tranh chấp thú vị của các cặp đấu.
Riêng năm nay, Sóc Trăng tiếp tục có 4 đội ghe được đóng mới, trong đó đáng chú ý là chiếc Prếk Tro Kuône (xã Thạnh Quới- Mỹ Xuyên) sau gần 30 năm vắng bóng và sau gần 2 tháng rèn quân. Hay chiếc Kom Pong Tróp (An Hiệp- Châu Thành) cũng trở lại đường đua sau 17 năm tạm biệt đường đua.
Cuối tháng 10 vừa qua, đội ghe ngo này đã tham dự giải đua huyện Kế Sách mở rộng năm 2014 đã gây bất ngờ khi vượt qua tất cả các đội để giành ngôi vô địch. Còn chiếc ghe ngo chùa Ông Kho (Thạnh Trị), lần đầu tiên hạ thủy tham gia thi đấu ở một sân chơi lớn này.
Đội nữ Prếk Chhúk (Kỳ Son- Vĩnh Long) vào tiếp vòng tứ kết.
Vậy mà trong ngày thi đấu đầu tiên của vòng bảng, “tân binh” này đã đánh bại các đội đàn anh như Bâng Kro Chắp Thmây (Long Phú) và Champa (Châu Thành). Anh Lý On- CĐV đội ghe ngo chùa Prêk Tro Kuône, hồi hộp chia sẻ: “Tôi mừng lắm khi thấy đội ghe ngo nhà vừa trở lại đường đua mà đã đánh bại các đội ghe mạnh. Đó là một sự nỗ lực thi đấu của anh em đồng đội”.
Trong khi đó, rất tiếc cho đội ghe ngo chùa Tứk Prăy (từng giành ngôi vô địch vào năm 2012) của Long Phú đã bị loại ngay từ vòng bảng khi 2 lượt đua toàn thua trước các đội ghe ngo chùa Prếk Tro Kuône và Chrôi Tưm Chắs (TP Sóc Trăng).
Ông Trần Văn Hùng- Phó Giám đốc Sở VH, TT và DL Sóc Trăng đánh giá: “Hội đua năm nay đúng là khó nhận định. Các đội ghe từng giành vô địch ở mùa hội trước, năm nay đã bị loại ngay từ đầu. Còn các đội ghe ngo mới thi đấu rất kịch tính. Bất ngờ lớn nhất đội ghe chùa Ông Kho (huyện Thạnh Trị- Sóc Trăng) đã giành nhất bảng L”.
Trong khi ở nội dung nữ, các trận đấu diễn ra khá sôi nổi, quyết liệt. Qua 15 lượt bơi của vòng tam bảng, 8 đội góp mặt vào vòng tứ kết, gồm: Prếk Chhúk (Kỳ Son- Vĩnh Long), Đầu Sấu (Kós Thum, Bạc Liêu), Kăy Ron (Pôtum Vongsay, Hậu Giang) và 3 đội ghe của chủ nhà Sóc Trăng (Đăy Ompu, Bâng Kók, Đơm Pô).
Đua ghe ngo lâu nay là môn thể thao hấp dẫn, sôi động và hào hứng. Mỗi đội có một kỹ thuật, chiến thuật thi đấu riêng của họ. Khi có ghe nào sắp về đích thì khán giả lại cùng reo hò, cổ vũ. Điều này cho thấy sức hút rất đặc biệt của môn thể thao truyền thống thể hiện sự đoàn kết và tinh thần thượng võ. |
Bài, ảnh: DƯƠNG THU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin