Theo các nhà nghiên cứu, World Cup - Giải bóng đá thu hút nhiều người xem nhất thế giới thường mang đến điềm xấu cho thị trường tài chính.
Theo các nhà nghiên cứu, World Cup - Giải bóng đá thu hút nhiều người xem nhất thế giới thường mang đến điềm xấu cho thị trường tài chính.
Một nghiên cứu năm 2008 của hai nhà khoa học Israel - Guy Kaplanski và Haim Levy đã chứng minh được điều này. Nghiên cứu chỉ ra rằng lợi nhuận trung bình trên thị trường chứng khoán trong mỗi kỳ World Cup là -2,58%, so với 1,21% bình thường. Trong đó, World Cup 2002 tại Hàn Quốc - Nhật Bản và World Cup 1974 tại Tây Đức là các kỳ đặc biệt tồi tệ với thị trường.
Hai nhà nghiên cứu cho rằng sự hồi hộp và áp lực khi theo dõi World Cup khiến các nhà đầu tư trở nên e ngại rủi ro hơn. Vì thế, họ có xu hướng bán bớt cổ phiếu.
"Với rất nhiều người, World Cup lại là thời gian căng thẳng, lo âu. Không chỉ với những người hâm mộ, mà cả thị trường cũng vậy", Dario Perkins - nhà kinh tế học tại Lombard Street Research cho biết trên CNBC.
Rất nhiều kỳ World Cup trùng với các cú sốc kinh tế lớn trên thế giới. Ảnh: Gapers Block |
Kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức năm 1930 - thời kỳ đầu của Đại suy thoái (1929 – 1933). World Cup 1990, nước Mỹ suy thoái. Đến năm 1994, thị trường trái phiếu Mỹ sụp đổ và lan ra các nước phát triển. Khủng hoảng tài chính châu Á diễn ra vào World Cup 1998. Thị trường nhà đất Mỹ sụp đổ năm 2006. Và khủng hoảng nợ châu Âu bắt đầu vào năm 2010.
"Những sự trùng hợp trên đã khiến tôi phải suy nghĩ. Chuyện gì có thể xảy ra trong năm nay? Dựa trên kịch bản cũ, chúng ta nên đi từ các bong bóng", Perkins cho biết.
Abenomics – nhóm chính sách kinh tế nhằm hồi sinh Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe là một trong các bong bóng tiềm năng. "Nới lỏng tiền tệ mạnh tay tại Nhật Bản đã khiến thị trường chứng khoán tăng vọt và đồng yen giảm giá.
Giới chức nước này kỳ vọng việc đó có thể đẩy lùi giảm phát và đưa đất nước tiến vào thời kỳ tăng trưởng trung hạn. Tuy nhiên, các chính sách này dường như đã mất đà", ông nhận xét.
Các nhà phân tích cảnh báo tiêu dùng Nhật Bản có thể suy giảm sau đợt nâng thuế đầu tháng 4. "Khi nền kinh tế giảm tốc do tăng thuế, và ngân hàng trung ương không sẵn sàng tăng kích thích lần nữa, hiệu quả của Abenomics có nguy cơ giảm sút", ông nhấn mạnh.
Kinh tế Mỹ chững lại cũng là một rủi ro khác của thị trường. "Người ta đang ngày càng nghi ngờ liệu Mỹ có lấy lại được đà hồi phục hay không. Chúng tôi cho rằng có, nhưng thị trường nhà đất lại phản ứng quá mạnh mỗi lần lãi suất tăng nhẹ trong năm qua", ông nói. Doanh số bán nhà mới xuống thấp nhất 8 tháng hồi tháng 3 đã xóa tan hy vọng bất động sản hồi phục.
Cuối cùng là nguy cơ từ phía Trung Quốc. Những vết nứt trên thị trường nhà đất - cột trụ của nền kinh tế lớn nhì thế giới đã bắt đầu sâu hơn trong những tháng gần đây, khi giá nhà giảm mạnh tại nhiều thành phố do dư thừa nguồn cung.
"Đó mới chỉ là những rủi ro có thể chỉ ra. Còn rất nhiều những rủi ro khác mà chúng ta thậm chí còn không biết. Như Ukraine chẳng hạn. Không ai biết rõ chuyện gì sẽ xảy ra tại đây", Perkin nói.
Theo VnExpress
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin