Trước giờ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Olympic Sochi: Kỷ lục về biện pháp an ninh

07:02, 07/02/2014

Theo kế hoạch, vào hồi 20h14 ngày 7/2 (theo giờ Moskva), tại sân vận động Fisht có sức chứa 40.000 khán giả, cùng sự tham dự của hơn 40 nguyên thủ quốc gia và chính phủ các nước (gần 60 lãnh đạo nước ngoài), lễ khai mạc trọng thể Thế vận hội Mùa Đông Sochi chính thức diễn ra.

Theo kế hoạch, vào hồi 20h14 ngày 7/2 (theo giờ Moskva), tại sân vận động Fisht có sức chứa 40.000 khán giả, cùng sự tham dự của hơn 40 nguyên thủ quốc gia và chính phủ các nước (gần 60 lãnh đạo nước ngoài), lễ khai mạc trọng thể Thế vận hội Mùa Đông Sochi chính thức diễn ra.

Trước đó (6/2), Tổng thống Putin tới thăm các công trình xây dựng, kiểm tra cơ sở hạ tầng của làng Olympic và nói chuyện với vận động viên của đội tuyển quốc gia Nga. Có khoảng 3.000 vận động viên, 13.000 phóng viên và gần 120.000 du khách dự  Thế vận hội Sochi.

Mặc dù Thế vận hội Mùa Đông Olympic được khai mạc ngày 7/2 tại Sochi, Nga, nhưng ngày 4/2 (theo giờ địa phương), tại Phòng Tình huống ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã họp với Phó Tổng thống Joe Biden, Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice, Trợ lý Tổng thống về An ninh Nội địa và Chống khủng bố Lisa Monaco, Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper, Giám đốc CIA John Brennan, Giám đốc FBI James Comey, Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey.

Và tại cuộc họp kể trên, ông chủ Nhà Trắng đã đề nghị thu thập mọi thông tin về an ninh tại Olympic Sochi, yêu cầu tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nga và các đối tác khác để xem xét cẩn trọng mọi thông tin có thể ảnh hưởng đến an ninh của Thế vận hội Sochi; đồng thời nhấn mạnh: Nga cần có trách nhiệm bảo vệ an ninh tại Thế vận hội này.

Đây là cuộc gặp không nằm trong kế hoạch chính thức của ông Barack Obama và điều này cho thấy, Mỹ rất quan tâm tới công tác đảm bảo an ninh tại Sochi .


Lực lượng an ninh, cảnh sát tăng cường tại Thế vận hội Olympic Sochi .

Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến cáo công dân Mỹ có ý định đến tham dự Thế vận hội cần hết sức cảnh giác trước các mối đe dọa khủng bố.

Việc này diễn ra sau khi Thủ lĩnh Hồi giáo Kapkaz Dokou Oumarov kêu gọi sử dụng “sức mạnh tối đa” để cản trở Thế vận hội Sochi. Thậm chí Mỹ còn khuyến cáo các vận động viên của mình không nên mặc đồng phục mang màu cờ sắc áo của quốc gia bên ngoài khu vực thi đấu để tránh sự chú ý.

Theo tờ Les Echos (Pháp), Washington đã lên kế hoạch rút gần 15.000 công dân Mỹ trong trường hợp xảy ra khủng bố tại Thế vận hội Sochi.

Theo hãng thông tấn Nga Interfax, tàu khu trục USS Ramage (DDG-61) và tàu chỉ huy USS Mt. Whitney cùng hơn 600 thủy quân lục chiến đã vượt qua các eo biển Dardanelles và Bosporus tới Biển Đen để tăng cường an ninh cho khu vực này, khi Thế vận hội khai mạc hôm 7/2.
 
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, chuyến đi của 2 tàu kể trên là một phần của kế hoạch đảm bảo an ninh trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội lần thứ 22 tại Sochi (từ 7 đến 23/2).

Washington
từng lên kế hoạch cung cấp cho Moskva công nghệ ngăn chặn đánh bom ven đường từng được sử dụng ở Afghanistan với mục đích tăng cường an ninh trong thời gian Thế vận hội Sochi .
 
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey cho biết, đề xuất này đã được gửi tới Điện Kremlin. Giám đốc FBI James Comey cho biết, khoảng 20 đặc vụ cùng một số nhân viên được cử đến Moskva và hơn 10 đặc vụ khác có mặt tại khu vực diễn ra Olympic Sochi.

Ngày 4/2, Tổng thống Putin đã phát biểu tại lễ khai mạc kỳ họp thứ 126 của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC). Khi phát biểu tại lễ khai mạc kể trên, Chủ tịch IOC Thomas Bach tuyên bố: “Chúng ta có thể thấy tận mắt rằng, Sochi và Nga đã hoàn thành nghĩa vụ của mình”.

Trước đó, Thị trưởng Sochi Anatoly Pakhomov cho biết, thành phố đã sẵn sàng phục vụ Thế vận hội. Thế vận hội Sochi là Olympic đắt nhất lịch sử với chi phí lên tới 50 tỷ USD. Được biết, khoảng 2 tỷ USD đã được chi cho các biện pháp an ninh tại Olympic Sochi 2014.

Tổng thống Putin đã ra lệnh thắt chặt an ninh trên toàn quốc, đồng thời huy động hơn 37.000 nhân viên an ninh tăng cường cho Sochi và tuần tra dọc khu vực Biển Đen. Giới chuyên môn cho rằng, với một lực lượng an ninh hùng hậu do Nga triển khai có thể giúp Sochi tránh được khủng bố.

Moskva đã tăng cường các biện pháp an ninh kể từ sau 2 vụ tấn công khủng bố (29 và 30/12/2013) khiến 34 người chết ở Volgograd. Các đơn vị đặc biệt của Bộ Nội vụ Nga thuộc OMON (đơn vị đặc nhiệm thành lập năm 1979 để bảo vệ Olympic 1980) cũng được tung vào cuộc.

Theo giới chuyên môn, thành phố Sochi chỉ có 350.000 dân, nhưng hiện đã trở thành một pháo đài thực sự sau khi gần 40.000 cảnh sát được triển khai tại đây trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội.
 
Lực lượng an ninh cũng đã được triển khai trên trục đường dài khoảng 50km nối các điểm thi đấu của Thế vận hội từ bờ biển đến núi cao. Trên các chuyến tầu đi tới những địa điểm thi đấu của Thế vận hội, cảnh sát và nhân viên an ninh đường sắt tuần tra trên từng km.

Tại cửa ngõ vào thành phố Sochi, cảnh sát và quân đội cắm chốt kiểm tra như trên đường biên giới thực sự. Trừ các trường hợp có thẻ đặc biệt, xe từ bên ngoài vào thành phố Sochi đã bị cấm đến hết tháng 3.
 
Nga còn giám sát từ vũ trụ nhờ hệ thống vệ tinh theo dõi và hàng chục máy bay không người lái thường xuyên bay lượn. Mọi cửa ngõ ra vào Sochi đều được lực lượng an ninh kiểm tra gắt gao, giao thông hàng hải trên Biển Đen cũng bị hạn chế.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev từng tuyên bố, Moskva đã xem xét “mọi mối đe dọa cụ thể” có thể xảy ra trước và trong thời gian diễn ra Thế vận hội Sochi nhằm đảm bảo sự kiện thể thao quan trọng này an toàn và thành công tốt đẹp.

Cam kết của Thủ tướng Dmitry Medvedev đưa ra sau khi Ủy ban Olympic quốc gia Mỹ và ít nhất 5 nước châu Âu nhận được thư đe dọa khủng bố các đoàn vận động viên của họ tham dự Thế vận hội Sochi.

Giám đốc Cơ quan an ninh liên bang Nga Oleg Syromotov cho biết, để chuẩn bị cho sự kiện này, 6 năm qua Nga đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ, trong đó có việc xây dựng cơ chế bảo đảm an ninh.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực chống khủng bố từng đề cập tới khả năng xảy ra một cuộc tấn công bằng khí độc do chiến binh Hồi giáo thực hiện nhằm vào các vận động viên và khách tham dự Olympic Sochi 2014.

Theo nhận định của ông Pavel Felgenhauer, chuyên gia về quốc phòng của tờ Novaya Gazeta, sự biệt lập về mặt địa lý và văn hóa trong vùng Kavkaz với đa số là người Hồi giáo sẽ giúp bảo vệ Thế vận hội.

Còn theo giáo sư về vấn đề toàn cầu tại Đại học New York Mark Galeotti, đồng thời là chuyên gia về cảnh sát Nga, Sochi được biến thành một thế giới riêng bởi phải có visa đặc biệt, giấy tờ cho phép đi lại, bạn mới vào trong đó. Trong khi cư dân khu vực này được kiểm soát chặt chẽ. Ông Mark Galeotti còn cho rằng, Nga sẽ theo dõi tất cả các cuộc liên lạc của khách tham dự Olympic

Theo CAND Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh