Từ Vĩnh Long đến HA.GL JMG

05:10, 11/10/2013

Với thành phần gồm đa số những cầu thủ chưa đầy 19 tuổi, các cầu thủ Vĩnh Long đã tạo nên một cú “sốc” ở giải U.21 Báo Thanh Niên, cũng với độ tuổi như thế các cầu thủ đến từ học viện HA.GL JMG đã tạo nên “sóng gió” ở đấu trường khu vực.

Với thành phần gồm đa số những cầu thủ chưa đầy 19 tuổi, các cầu thủ Vĩnh Long đã tạo nên một cú “sốc” ở giải U.21 Báo Thanh Niên, cũng với độ tuổi như thế các cầu thủ đến từ học viện HA.GL JMG đã tạo nên “sóng gió” ở đấu trường khu vực.

Vĩnh Long, Á quân U21 Báo Thanh niên 2013

Có một điểm chung giữa các cầu thủ Vĩnh Long và các cầu thủ Học viện HA.GL JMG đều cùng chơi bóng với nhau được 6 năm. Chính yếu tố thời gian này giúp cầu thủ từng đội tìm được sự ăn ý trong thi đấu hơn so với các đối thủ.

Tuy nhiên, điều kiện chơi bóng và tập luyện của các cầu thủ Vĩnh Long với những người đồng lứa bên phía HA.GL thì như một trời và một vực. Một bên mỗi năm được đào tạo bài bản với nguồn kinh phí hàng tỷ đồng mỗi năm.

Khi thi đấu, được ở khách sạn hạng sang, chăm sóc đến tận răng, được tập huấn ở nhiều nước. Bên còn lại, thì đến sân tập cũng chẳng có, đi thi đấu thì di chuyển bằng ô tô hàng nghìn km, phải ở nhà trọ và ăn ở các quán vỉa hè.

Nếu như thành công của học viện HA.GL JMG cho thấy kết quả của việc xây dựng một học viện đào tạo bài bản, công phu và quan tâm sâu sắc, đấy chính là cái gốc mà bóng đá Việt Nam cần hướng tới thì thành công của công tác đào tạo trẻ ở Vĩnh Long lại chỉ ra cho các địa phương có kinh phí eo hẹp vẫn có thể xây dựng được lứa đào tạo trẻ xuất sắc mà không cần nhiều tiền. Điều quan trọng là một quá trình được xây dựng nghiêm túc và trong thời gian dài.

Suy rộng hơn, đấy là hướng đi cần phải được nghiên cứu của bóng đá Việt Nam giữa gốc và ngọn. Chúng ta hoàn toàn có thể nhân bản những học viện bóng đá trẻ mà không nhất thiết phải bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư, nhưng chúng ta cũng cần những học viện đẳng cấp cỡ HA.GL mới có thể “vươn lên biển lớn”.

Thành công của Vĩnh Long và HA.GL chính là tín hiệu vui cho bóng đá Việt Nam và là tiền đề để những người có trách nhiệm suy nghĩ về cách làm bóng đá của mình.

Cũng cần nhắc lại câu chuyện của U.21 Vĩnh Long trước khi trận chung kết diễn ra. Khi những em nhỏ vốn chẳng bao giờ nghĩ đến tiền bỗng dưng đội nhận được cả trăm triệu tiền thưởng khiến các em suốt đêm ấy chẳng thể ngủ được, tâm lý bị dao động đáng kể đến nỗi vào trận chung kết với đôi chân nặng trĩu. Đấy là bài học mà những người lớn cần rút ra để tránh trói buộc những đôi chân tài năng của các cầu thủ trẻ.

Theo thethaohcm

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh