Trong lĩnh vực thời trang, mọi khuôn mẫu đều có thể bị phá vỡ. Với Caroline Van Renterghem, điều đó được bắt đầu từ chiếc khăn quàng, vật dụng nhỏ nhất. Đẹp nhưng phải thích ứng với môi trường.
Caroline Van Renterghem, cô gái thiết kế chiếc khăn quàng đặc biệt chống ô nhiễm và cộng sự. (Nguồn ảnh: Wair) |
Trong lĩnh vực thời trang, mọi khuôn mẫu đều có thể bị phá vỡ. Với Caroline Van Renterghem, điều đó được bắt đầu từ chiếc khăn quàng, vật dụng nhỏ nhất. Đẹp nhưng phải thích ứng với môi trường.
Và, Wair - chiếc khăn quàng đầu tiên trên thế giới có khả năng chống ô nhiễm môi trường, được thử nghiệm theo mốt “thời trang - công nghệ” đã trở thành một thương hiệu độc đáo.
Tác giả của chiếc khăn quàng có khả năng kỳ diệu trên là nữ thiết kế 30 tuổi ở thành phố Lyon (Pháp).
Từ thực tế ô nhiễm không khí
Bước chân vào thị trường trời trang trong giai đoạn đầy cạnh tranh, nhưng với niềm đam mệ và tinh thần khởi nghiệp của tuổi trẻ tài hoa, nhà thiết kế Caroline Van Renterghem đã không vì khó khăn ấy mà từ bỏ ước mơ làm nên sản phẩm thời trang có lợi cho sức khỏe con người.
Caroline chia sẻ: “Trong một lần đi khám, bác sĩ bảo bệnh tật của tôi bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Sau đó, tôi đã đi tìm mua các loại khẩu trang để sử dụng, coi như giải pháp hạn chế ô nhiễm cho mình.”
Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, Caroline Van Renterghem nhận thấy các loại khẩu trang đang được bày bán hiện nay dường như không có tác dụng chống ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn (hạt có đường kính dưới 2,5 micrômét) vẫn dễ dàng lọt vào khẩu trang qua các kẽ hở.
“Điều đáng lo là, không phải chỉ có tôi là nạn nhân của ô nhiễm không khí, mà theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có tới 92% người dân trên toàn cầu đang hít phải không khí bẩn. Đây thực sự là một điều đáng buồn,” Caroline nói.
Xuất phát từ thực tế nêu trên, nhà thiết kế trẻ Caroline Van Renterghem đã đưa ra ý tưởng thiết kế chiếc khăn quàng cổ theo mốt thời trang có tích hợp mặt nạ khẩu trang, với khả năng đặc biệt là lọc được 99% không khí ô nhiễm bên ngoài, bao gồm bụi mịn, khí và chất độc hại.
Nói là làm. Ngay sau khi nảy sinh ý tưởng, cô đã tự mày mò, thiết kế các mẫu khăn quàng theo mốt thời trang, sau đó liên hệ với một số chuyên gia nghiên cứu các thiết bị lọc và định vị điểm ô nhiễm gắn ở ngay trong mặt nạ khẩu trang, để khuyến nghị người dùng khi đi vào vùng ô nhiễm.
Nhà thiết kế thừa nhận, quá trình biến ý tưởng thành chiếc khăn quàng Wair, bản thân cô đã gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm cao, cô và các cộng sự đã vượt qua thử thách để cho ra đời những mẫu sản phẩm đầu tiên, sau 2 năm nghiên cứu.
Chiếc khăn quàng của tương lai!
Khi được hỏi về thị trường thời trang ở Pháp và nhiều nước trên thế giới hiện có khá nhiều thương hiệu nổi tiếng. Vậy đâu là điểm khác biệt để Wair ghi dấu ấn? Nhà thiết kế trẻ tự tin: “Wair không chỉ là chiếc khăn quàng theo mốt thời trang, mà còn có khả năng chống không khí bị ô nhiễm hiệu quả.”
“Với ưu điểm đó, tôi tin, Wair sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo cho người tiêu dùng.”
Kỳ thực là, để có khả năng chống ô nhiễm không khí, Wair được thiết kế nguyên mẫu lọc bên trong chiếc khăn quàng tích hợp khẩu trang cùng với một hộp thiết bị nhỏ hút không khí qua các bộ lọc. Ngoài ra, thiết bị này cũng sẽ được kết nối với điện thoại thông minh, cho phép quản lý tự động các bộ lọc hoạt động theo vùng ô nhiễm.
Theo đó, khi đưa vào sử dụng, Wair sẽ cung cấp các cảnh báo cho người dùng khi đi vào một khu vực bị ô nhiễm, cũng như phát huy tính năng lọc không khí, thậm chí đề nghị người sử dụng di chuyển đến khu vực ít ô nhiễm hơn thông qua dữ liệu thu được báo trên điện thoại.
“Hiện tại, tôi và các cộng sự đã cho ra đời các mẫu khăn quàng đặc biệt này. Dự kiến, Wair sẽ được trình diễn tại Triển lãm đồ công nghệ Las Vegas vào tháng 1/2017, sau đó sẽ chính thức được tung ra thị trường,” Caroline tự hào chia sẻ.
Nhà thiết kế chiếc khăn quàng Wair cũng lưu ý, sau khi đưa vào thương mại hóa, Wair sẽ được bán tại Pháp và thị trường nhiều nước trên thế giới với mức giá tương đương 2 triệu đồng Việt Nam (tùy theo mẫu sản phẩm).
“Trong tương lai, chúng tôi cũng sẽ hướng đến thị trường Việt Nam, bởi theo tìm hiểu của tôi thì tại các thành phố lớn ở Việt Nam, mật độ phương tiện giao thông rất lớn, nhiều nơi bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Nếu được lựa chọn, tôi tin Wair sẽ đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng,” Caroline Van Renterghem nhấn mạnh.
Theo HÙNG VÕ (VIETNAM+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin