Nhiều sinh viên dành quá nhiều thời gian cho internet, game online, mạng xã hội

12:12, 27/12/2018

Việc kiểm soát, ngăn chặn những tác động tiêu cực đến tư tưởng chính trị của thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là trên internet, mạng xã hội rất khó khăn, đòi hỏi phải có sự đầu tư về các nguồn lực và sự phối hợp hiệu quả.

 

Bộ GD-ĐT cho rằng có nhiều khó khăn trong giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho HS-SV
Bộ GD-ĐT cho rằng có nhiều khó khăn trong giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho HS-SV

Việc kiểm soát, ngăn chặn những tác động tiêu cực đến tư tưởng chính trị của thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là trên internet, mạng xã hội rất khó khăn, đòi hỏi phải có sự đầu tư về các nguồn lực và sự phối hợp hiệu quả.

Ngày 27/12,  tại Hà Nội, Bộ GĐ-ĐT tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, dù đã tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh, sinh viên (HSSV), nhưng sự phối hợp này ở nhiều nơi chưa chặt chẽ, thiếu thống nhất do nhận thức và hoàn cảnh của các bậc phụ huynh, lãnh đạo địa phương, nhà trường là rất khác nhau.

Vì vậy, vừa qua còn tình trạng phụ huynh học sinh chưa tôn trọng các biện pháp giáo dục của cơ sở giáo dục, nhất là còn tư tưởng “khoán trắng” con em mình cho thầy cô, trường học. Cá biệt còn có hiện tượng phụ huynh, người ngoài xã hội thâm nhập vào trường học uy hiếp, có hành vi bạo lực với thầy cô giáo, người học.

Cùng với đó, việc tổ chức cho HSSV lao động, vệ sinh trường lớp học còn gặp khó khăn, nhất là ở phổ thông vì nhiều phụ huynh học sinh nhận thức chưa đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của hoạt động này, không muốn học sinh tham gia lao động, vệ sinh để tập trung thời gian cho học tập và đã đề xuất thuê lao công.

Một số nhà trường cũng dễ chấp nhận ý kiến đó vì thuê lao công cũng đáp ứng được môi trường cảnh quan sạch đẹp thường xuyên và cán bộ, giáo viên, nhân viên lại có thời gian tập trung vào giảng dạy và các việc phục vụ khác.

Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, việc nắm bắt thông tin, định hướng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho HSSV qua môi trường mạng gặp nhiều khó khăn về nhân lực, tài chính để duy trì, cập nhật thông tin, phân loại, xử lý còn hạn chế.

Trong khi đó, nhiều sinh viên dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng internet, game online, mạng xã hội nên ngại tham gia hoạt động đoàn thể, hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống.

Việc áp dụng học chế tín chỉ ở cơ sở đào tạo nên không còn mô hình lớp niên chế (có sĩ số ổn định) nên sinh hoạt Chi đoàn theo lớp gặp khó khăn, nhiều sinh viên lơ là sinh hoạt Đoàn, gây khó khăn trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống ở một số trường.

Theo Bộ GD-ĐT, sự phát triển của nền kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế kéo theo những mặt trái đã tác động tiêu cực đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm, lối sống của thanh thiếu niên, HSSV, tạo ra nhiều nguy cơ, thách thức đến công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống.

Việc kiểm soát, ngăn chặn những tác động tiêu cực đến tư tưởng chính trị của thanh thiếu niên, HSSV, đặc biệt là trên internet, mạng xã hội rất khó khăn, đòi hỏi phải có sự đầu tư về các nguồn lực và sự phối hợp hiệu quả.

Đời sống vật chất và tinh thần của thanh thiếu niên, HSSV vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, chưa đáp ứng được hết nhu cầu. Cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, kinh phí dành cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT cũng như nguồn kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa còn rất hạn chế, nhất là ở nơi có điều kiện kinh tế khó khăn.

Giai đoạn 2018-2020, Bộ GD-ĐT cho hay sẽ tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên, HSSV trên môi trường mạng; xây dựng mạng lưới thông tin chính trị tư tưởng trên môi trường mạng trong các cơ sở giáo dục. Tăng cường các hoạt động tư vấn tâm lý trong trường phổ thông, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng khởi nghiệp cho HSSV.

Tổ chức các hoạt động giáo dục, rèn luyện, trải nghiệm tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông và chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng

Trong công tác quy hoạch, Bộ GD-ĐT đề nghị ưu tiên diện tích đất trồng cây xanh công cộng, để thanh thiếu niên tiếp cận và sử dụng cho các mục đích luyện tập thể dục thể thao, nghỉ ngơi và giải trí.

Theo PHAN THẢO/SGGP

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh