Sinh viên (SV) đi làm thêm vì hoàn cảnh khó khăn, làm thêm để cọ xát thực tế lại vừa có thêm thu nhập, làm thêm để có chi phí sắm sửa, đi chơi với bạn bè...
Sinh viên (SV) đi làm thêm vì hoàn cảnh khó khăn, làm thêm để cọ xát thực tế lại vừa có thêm thu nhập, làm thêm để có chi phí sắm sửa, đi chơi với bạn bè...
Hiện nay, chuyện SV đi làm thêm đã không còn xa lạ nhưng liệu SV có nên đi làm thêm hay SV đi làm thêm có lợi hay hại... là vấn đề được nhiều bạn trẻ quan tâm.
Phương Thảo cho rằng: Làm thêm không chỉ có thêm thu nhập mà còn giúp bản thân học được kỹ năng sống. |
Cơ hội tích lũy kỹ năng sống
Cuộc gặp gỡ với bạn Lê Phương Thảo- Trường ĐH Xây dựng Miền Tây- tại quán Thế giới xanh Trái cây- Hoa tươi 31 khiến tôi rất ấn tượng. Cô SV năm 2 hoạt bát, nhanh nhẹn cùng cách nói chuyện gần gũi dễ dàng tạo thiện cảm với đối phương.
Thảo cho biết mình: Từ khi vào ĐH, Thảo đã tự tìm cách trau dồi kỹ năng sống cho riêng mình- đó là đi làm thêm. Thảo đã thử rất nhiều việc, từ pha chế, phục vụ quán cà phê, quán ăn nhanh đến phát tờ rơi, phụ bán tạp hóa,...
Với Phương Thảo, làm thêm không chỉ có thu nhập mà còn giúp bản thân học được kỹ năng sống. Phương Thảo cười: “Đi làm thêm, em học được nhiều thứ lắm. Ví dụ như niềm nở chào hỏi khách tới quán, đi đứng phải nhanh lẹ, nói năng cũng phải nhẹ nhàng hơn”.
Còn bạn Trần Lệ Quyên- SV Sư phạm Anh văn Trường ĐH Cần Thơ- cũng đang dạy thêm môn Toán, Tiếng Anh cho học sinh lớp 5 vào tối thứ hai, thứ ba, thứ năm.
Không chỉ vậy, những buổi sáng cuối tuần rảnh rỗi, cô sinh viên năm 3 này còn tranh thủ làm nhân viên phục vụ nhà hàng.
Quyên tâm sự: “Ngành sư phạm phải đi thực tập, em rất lo không biết có đủ tự tin để giao tiếp, kỹ năng thuyết trình hay không. Thế nên em quyết định đi làm thêm để thử sức mình.
Mới đầu cũng run lắm, nhưng rồi quen dần và tự tin hơn. Giờ em đã dạn dĩ, còn kỹ năng truyền đạt cũng tiến bộ rõ rệt và bây giờ em có thể tự tin để bước vào kỳ thực tập tới...”
Nhóm bạn Thanh Lâm, Quốc Thắng- Trường ĐH Xây dựng Miền Tây- thì đi làm phụ hồ, sửa sang nhà cửa cho các công trình xây dựng ở TP Vĩnh Long.
Thanh Lâm cho hay: “Tụi em học ngành xây dựng nên muốn tìm công việc gì đó để bổ trợ thêm kiến thức cho tụi em khi lên lớp, vì trước giờ tụi em học trên sách vở chứ chưa có điều kiện thực hành nhiều”- Lâm nói thêm- “Đi làm thêm không chỉ có thêm chi phí trang trải cho cuộc sống khi xa nhà mà nó còn giúp tụi em rèn luyện sức khỏe và tích lũy thêm kỹ năng mềm để khi ra trường dễ tìm việc”.
Còn Quốc Thắng thì: “Khi cầm tháng lương đầu tiên, em mừng lắm vì đây là số tiền do chính sức lao động mình làm ra. Có làm việc vất vả mới biết chi tiêu tiết kiệm và mới biết thương cha mẹ đã làm lụng cực khổ nuôi mình ăn học”.
Ngoài việc học hành ở trường thì kỹ năng giao tiếp, ứng xử thường xuyên với nhiều người trong một môi trường mới sẽ giúp người trẻ được “thử lửa”, rèn giũa, trở nên mạnh dạn hơn trong cuộc sống. Bạn Mỹ Chi- sinh viên ĐH Xây dựng Miền Tây- khẳng định như thế.
Sau giờ đến giảng đường, bên cạnh tham gia các hoạt động đoàn- hội, Chi còn làm nhân viên phục vụ ở các quán ăn, quán bán nước giải khát. Theo Chi, đây chính là bài học thực tế vô cùng cần thiết trong cuộc sống vì nó giúp em hoàn thiện bản thân hơn.
Đối mặt với nhiều thử thách
Làm thêm đối với SV rất hữu ích, có thể mang lại kinh nghiệm và có thêm thu nhập, song cũng không thể phủ nhận rằng nó vẫn có nhiều cạm bẫy và mặt trái.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ngoài giờ học, bạn Nguyễn Thu T.- SV năm thứ 3 Trường ĐH Cần Thơ- phải “chạy show” làm thêm ở 2 quán cà phê để có tiền trang trải cho các khoản phí sinh hoạt, học tập.
Với việc làm thêm quá tải như thế, gần như ngày nào lên lớp T. cũng ngủ gật vì mệt mỏi, không đủ tỉnh táo để tiếp thu bài vở...
Hay trường hợp của SV Nguyễn Minh N. (TP Vĩnh Long), vì không có đủ điều kiện để mua máy tính, lại ham chơi điện tử nên bạn quyết định “hy sinh” giấc ngủ đêm của mình vào công việc trông coi quán net.
N. cho biết: Thời gian ấy, mình cứ thức liên miên từ 20 giờ đêm tới 4 giờ sáng mới nghỉ.
Chiều mới đi học nên buổi sáng mình tranh thủ ngủ được mấy tiếng nhưng người ngày càng phờ phạc, mệt mỏi, học hành không tập trung gì cả.
“Có làm rồi mới biết, cái gì cũng có cái giá của nó. Mình đang đắn đo xem có nên bỏ công việc này để tìm nơi khác nhẹ nhàng, phù hợp với sinh viên hơn không”- N. thổ lộ.
Nhiều bạn trẻ vì không chủ động sắp xếp thời gian hay mê làm mà lơ việc học dẫn đến kết quả học tập ngày càng sa sút, đã có không ít bạn trẻ bị lợi dụng, thậm chí “tiền mất, tật mang”.
Như bạn Võ Ngọc H.- SV năm 3 ngành Kinh tế- làm thêm tại công ty kinh doanh đa cấp chuyên bán các loại thực phẩm chức năng.
Để có tiền mua sản phẩm và hòa nhập vào mạng lưới bán hàng của công ty, H. đã phải vay số tiền gần chục triệu đồng để mua sản phẩm.
Làm được hơn nửa năm, số tiền H. kiếm ra chẳng được bao nhiêu mà lại mất khá nhiều thời gian học hành, vì phải thường xuyên đi gặp khách hàng giới thiệu sản phẩm.
Đến khi cha mẹ H. biết, chẳng những bị la mà H. còn bị cha mẹ không cho đi làm công việc này nữa. Cũng may là số tiền còn thiếu để trả khoản đã vay không nhiều nên H. cũng lo liệu được.
“Cũng là do mình chọn lựa công việc, môi trường không tốt thôi. SV muốn làm thêm phải suy nghĩ, cân nhắc chọn lựa kỹ để không gặp phải cạm bẫy hay tình huống đáng tiếc xảy ra”- H. nói.
Có thể nói, công việc làm thêm giúp SV kiếm thêm thu nhập, có cơ hội nâng cao kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, nhưng quan trọng là cách các bạn chọn lựa và tiếp cận với công việc ra sao.
Và khi đi làm thêm vì bất kỳ lý do gì, thì các bạn cũng phải nhớ nhiệm vụ chính vẫn là học tập, trau dồi và tích lũy kiến thức.
Bài, ảnh: PHƯƠNG VY
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin