Ngày nay, sản phẩm công nghệ đã len lỏi đến từng ngóc ngách trong đời sống, công việc và sinh hoạt, mang đến nhiều tiện ích, trải nghiệm mới mẻ cho con người từ thành thị đến nông thôn.
Ngày nay, sản phẩm công nghệ đã len lỏi đến từng ngóc ngách trong đời sống, công việc và sinh hoạt, mang đến nhiều tiện ích, trải nghiệm mới mẻ cho con người từ thành thị đến nông thôn.
Song, mặt trái của nó là khiến con người bị phụ thuộc, thậm chí có những người... nghiện công nghệ, sống trong thế giới ảo nhiều hơn là trong đời thực.
Không khó để bắt gặp những hình ảnh như thế này: hẹn nhau đi ăn uống, cà phê nhưng thay vì giao tiếp với nhau thì lại giao tiếp với điện thoại |
Khi cuộc sống ta phụ thuộc vào công nghệ
Với những mức giá vừa túi tiền, các thiết bị thông minh đang ngày càng “len lỏi” vào từng ngóc ngách của cuộc sống; trở thành người bạn thân thuộc của mỗi người, giúp giải quyết nhiều công việc và mang tới những phút giải trí, thư giãn.
Song, có bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi, mình đã phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ chăng? Nhiều người chơi Facebook, có tâm sự gì cũng “post” lên face.
Lần nào chụp ảnh cùng bạn bè, rồi chụp ảnh “tự sướng” cũng thích khoe “phây-búc”. Anh M.H thở dài khi vợ nghiện Facebook.
Mạng xã hội giúp bạn trẻ kết nối được với nhau mọi lúc mọi nơi, hỗ trợ việc học, giúp các bạn giải trí, tìm kiếm việc làm…
Song, cũng vì thế nó khiến không ít bạn trẻ thụ động và ngại tiếp xúc với xã hội. Bên cạnh đó, có vô vàn tư liệu, hình ảnh xấu mà nếu không biết phân biệt đúng sai, không đủ tỉnh táo có thể sẽ bị sa vào những thói hư tật xấu và sa ngã.
Em Nguyễn Thanh Trúc (sinh viên) cho biết: “Làm bài tập nhóm, tụi em cũng online Facebook cả buổi tối để bàn luận, thậm chí lịch học của lớp cũng được đăng tải qua group lớp. Rồi em có nhóm 8 bạn đại học, bạn cấp 3, bạn cùng quê… Ngày không vào face vài ba giờ là em chịu hổng được”.
Không ít người dùng mạng xã hội như Facebook, Zalo xem đó là “bồ lúa” để trút đủ thứ chuyện hỉ nộ ái ố hoặc thể hiện cái tôi của mình.
Bắt cóc trẻ con, giết người lấy nội tạng, hoàn cảnh thương tâm… tràn lan thông tin được người dùng chia sẻ trên mạng xã hội đã tạo thành làn sóng lo sợ trong nhân dân.
Buông điện thoại để yêu thương nhau hơn
Mạng xã hội gần như kiểm soát mọi hành vi của con người. Các thiết bị số len lỏi vào trong từng gia đình đã làm thay đổi như thế nào đến lối sống và quan hệ giữa các thành viên cũng như tương lai con trẻ?
Nhiều đứa trẻ trong xã hội ngày nay cô đơn ngay khi ở bên cạnh ba mẹ mình. Không ít gia đình, để thuận tiện hơn trong công việc, đã nhờ “smartphone giữ con mình” bởi nhờ đó trẻ ngoan hơn, không quấy rầy, thậm chí đến việc cho ăn, cho uống cũng trở nên dễ dàng hơn.
Việc con trẻ nghiện thế giới ảo, lỗi đầu tiên là của người lớn. Nhiều phụ huynh trẻ trải qua môi trường sống kỹ thuật số, nên mặc nhiên coi việc cho con trẻ tiếp xúc với máy móc từ sớm là bình thường.
Rất nhiều ba mẹ trẻ đi chơi, đi ăn với con, nhưng tái diễn cảnh mỗi người cầm một điện thoại thông minh để “chat”, để chơi mà không nghĩ đến việc phải nói chuyện với con cái, phải cùng nhau làm gì đó chung.
Hiện tại, những chiếc smartphone đã cuốn con trẻ vào thế giới đầy ảo giác, vô tình biến con trẻ thành những thế hệ “cúi đầu” bởi bận quan tâm vào màn hình- nơi thế giới ảo đầy cuốn hút với trẻ khiến trẻ tạm xa thế giới đời thực.
Với những chiếc máy không lời, khả năng giao tiếp, nhanh nhạy với xã hội của trẻ sẽ đi đến đâu nếu chỉ suốt ngày cắm cúi vào công nghệ?
Chị Huỳnh Bảo Thoa (TP Vĩnh Long) cho biết: “Vào quán ăn, cà phê, hay ngồi chờ làm thủ tục khách sạn điều đầu tiên là hỏi mật khẩu wifi. Mỗi người cái điện thoại, mắt không rời màn hình. Ba mẹ lướt face, đọc tin tức, con xem clip nhạc, chơi game… Nhìn những nụ cười khi xem màn hình, tôi buồn gì đâu”.
Không muốn gia đình mình xa cách ở thời đại công nghệ, chị không phủ nhận những lợi ích mà công nghệ đem lại, song chị cũng thẳng thắn nhìn nhận việc lạm dụng, mất thời gian với các thiết bị số khiến các thành viên trong gia đình thiếu gắn kết, yêu thương nhau ở đời thật.
Một bữa cơm chiều không có sự hiện diện của thiết bị công nghệ, ba và con lặt rau, dọn chén đũa, mẹ đảm nhận vai trò bếp trưởng là những bí quyết gắn kết tuyệt vời.
Cuối tuần rảnh rỗi, cả nhà cùng nhau đi dã ngoại, về quê thăm ông bà; mỗi dịp hè đi vi vu chiêm ngưỡng cảnh đẹp quê hương… là cách đơn giản nhưng hiệu quả để kết nối các thành viên trong nhà. Và đặc biệt, những chuyến đi đó sẽ không bị chia cắt bởi điện thoại thông minh. Cả nhà cùng nhau vui chơi trọn vẹn.
Điều quan trọng nhất để tách con ra khỏi sức hút của chiếc điện thoại là người lớn phải làm gương và dành nhiều thời gian để trò chuyện với con.
“Sẽ khó để trẻ nghe lời dạy của ba mẹ khi chính bản thân cha mẹ cũng cắm mặt vào chiếc điện thoại, xem tivi, bật máy tính hàng ngày. Nếu mỗi ngày ba mẹ dành một khoảng thời gian để ngồi trò chuyện, chơi với con thì mọi thứ sẽ khác”- chị Thúy Mơ nói.
Chúng ta hãy sử dụng các thiết bị công nghệ, mạng xã hội một cách thông minh. Hãy tự hỏi mình là chủ hay là nô lệ của thiết bị số để mà mỗi lần có thông báo lại chăm chú vào xem và trả lời ngay?
Nhận thức tầm quan trọng cũng như tác dụng phụ có thể có của smartphone, bạn sẽ kiểm soát và sử dụng đúng mục đích hơn. Công nghệ chỉ là phương tiện, song mục tiêu phải hướng tới là cuộc sống thật này. Nếu xem gia đình là quan trọng thì hãy nuôi dưỡng gia đình bằng những gì tốt đẹp nhất trong đời thật!
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin