Khơi dậy tình yêu biển, đảo quê hương

05:07, 12/07/2023

Những ngày đầu tháng 7, thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tuổi trẻ Vĩnh Long đã mang theo tình yêu đến với biển, đảo quê hương- nơi các cán bộ, chiến sĩ vẫn hiên ngang giữ bình yên cho đất nước.

(VLO) Những ngày đầu tháng 7, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tuổi trẻ Vĩnh Long đã mang theo tình yêu đến với biển, đảo quê hương- nơi các cán bộ, chiến sĩ vẫn hiên ngang giữ bình yên cho đất nước.

Hành trình về nguồn “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương năm 2023” của Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long tại Đồn Biên phòng Thanh Hải (tỉnh Bình Thuận).
Hành trình về nguồn “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương năm 2023” của Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long tại Đồn Biên phòng Thanh Hải (tỉnh Bình Thuận).

Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương

Cuối tuần qua, Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức hoạt động về nguồn “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương năm 2023” cho hơn 50 đoàn viên tại Đồn Biên phòng Thanh Hải (tỉnh Bình Thuận) nhân dịp chào mừng 76 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023).

Hành trình hơn 400km xuất phát từ TP Vĩnh Long đến TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) khiến ai cũng háo hức đến mức chẳng ai chịu chợp mắt nghỉ ngơi.

Chúng tôi đến nơi khi mặt trời đã lên cao, phía xa là những cánh quạt gió như những cánh tay vẫy chào người yêu nắng, gió, vị mặn của biển.

Xe đưa cả đoàn đến Đồn Biên phòng Thanh Hải, nơi có những cán bộ chiến sĩ đang đứng trong nắng cùng nụ cười rạng ngời chào đón chúng tôi.

Mở đầu buổi gặp mặt, đoàn viên được lắng nghe Thượng úy Tạ Hữu Nghĩa- Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Thanh Hải, thông tin về chủ quyền biển, đảo, biên giới, đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, cũng như giới thiệu về truyền thống của đơn vị.

Đây là hoạt động phối hợp giữa Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long với Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận và Đoàn Thanh niên Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên về vị trí, vai trò của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến biển, đảo.

Đồng thời, phát huy vai trò của tổ chức đoàn góp phần tích cực tham gia vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, an ninh biên giới quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Góp phần động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ tiếp tục vững tay súng, bảo vệ biển, đảo Tổ quốc, Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh đã tặng 10 phần quà (mỗi phần trị giá 500.000đ) hỗ trợ học sinh có thành tích học tập tốt là con em cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Thanh Hải.

Anh Phan Quốc Khan- Bí thư Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của buổi tuyên truyền cho đoàn viên, gửi lời cảm ơn chân thành đến đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan, dự kiến trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục tham mưu đơn vị tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để tăng cường mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa đoàn viên giữa các đơn vị.

Khơi dậy lòng tự hào dân tộc

Tại đây, chúng tôi được hướng dẫn tham quan điều kiện công tác, sinh hoạt tại đồn. Ấn tượng nhất là vườn rau “kiên cường” của đơn vị, như cách nói của chiến sĩ tại đây thì “vì nắng gió của biển nên trồng cái gì cũng khó, nhưng khó gì cũng ráng chăm cho bằng được, để dành ăn kèm với mắm cá do chúng tôi tự ủ… ngon hết nước chấm”.

Chia tay với cán bộ, chiến sĩ tại Đồn Biên phòng Thanh Hải, xe lăn bánh đưa chúng tôi đến Khu di tích Dục Thanh- Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh tỉnh Bình Thuận, một công trình tưởng niệm của nhân dân Bình Thuận dành cho Bác Hồ, điểm nhấn là ngôi trường Dục Thanh (hay Dục Thanh Học Hiệu) là nơi Bác từng dạy học một thời gian ngắn trước khi vào Sài Gòn tìm đường cứu nước.

Nằm bên dòng sông Cà Ty hiền hòa cách trung tâm TP Phan Thiết khoảng 24km, Trường Dục Thanh được Bộ Văn hóa-TT-DL công nhận là di tích lịch sử- văn hóa quốc gia vào ngày 12/12/1986. Đây là nơi ghi dấu sự kiện thời thanh niên của Bác Hồ với tên gọi Nguyễn Tất Thành đã dừng chân dạy học từ tháng 9/1910-2/1911.

Đoàn viên nghe thuyết minh về lịch sử hình thành của Trường Dục Thanh.
Đoàn viên nghe thuyết minh về lịch sử hình thành của Trường Dục Thanh.

Năm xưa, tại ngôi trường này, thầy giáo Nguyễn Tất Thành từng giảng dạy môn Quốc Văn, Hán Văn, thể dục, hay dạy thay môn Pháp Văn khi giáo viên đi vắng. Xen kẽ giữa những bài học, thầy Thành đã tiếp thêm ngọn lửa yêu nước cho thế hệ trẻ lúc bấy giờ.

Đến với Trường Dục Thanh hôm nay, ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp trăm tuổi của ngôi trường, khách tham quan còn được tìm hiểu lịch sử hình thành của ngôi trường, những câu chuyện xúc động về khoảng thời gian dạy học của Bác.

Dù trải qua nhiều thăng trầm, Khu di tích Dục Thanh vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật như: bộ trường kỷ, chiếc án thư, nghiên mài mực… những kỷ vật gắn liền với thời gian dạy học ở Phan Thiết của thầy giáo Nguyễn Tất Thành.

Đứng bên cạnh bộ trường kỷ Bác từng ngồi chấm bài cho học sinh, bộ ván gỗ Bác nghỉ trưa, cây khế trăm tuổi Bác tự tay vun trồng…

Chị Trần Thị Hoàng Nguyên- Ủy viên BCH Đoàn cơ sở Công ty CP May Vĩnh Tiến, cảm thấy vui sướng khi được hòa mình vào không gian trầm lắng của ngôi trường, vinh dự được có mặt tại ngôi trường lịch sử để hiểu hơn về Bác, càng tự hào với những cống hiến vĩ đại mà Bác đã dành cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Theo chị Hoàng Nguyên, chuyến đi đã để lại trong chị nhiều kỷ niệm và cảm xúc khó quên. “Về nguồn không chỉ là chuyến đi tham quan cảnh đẹp, mà được cung cấp thêm nhiều kiến thức về biển, đảo, lịch sử vẻ vang của dân tộc để tôi có thể tự tin giới thiệu nước ta đến bạn bè trong và ngoài nước, góp phần lan tỏa tình yêu quê hương đất nước”- chị Hoàng Nguyên chia sẻ.

Hành trình về nguồn đã khép lại nhưng tình yêu dành cho biển, đảo quê hương trong tim mỗi người lại lớn dần hơn. Từ đây, các bạn trẻ hôm nay sẽ không ngừng rèn luyện để tiếp bước truyền thống của cha anh, góp sức trẻ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.

Bài, ảnh: THẢO TIÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh