Là kỹ thuật viên có cơ hội làm việc lâu dài tại Nhật với mức lương đáng mơ ước, nhưng anh Lê Minh Hiếu (xã Hiếu Thuận- Vũng Liêm) quyết định về quê khởi nghiệp làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Anh Hiếu giới thiệu mô hình và hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn không bùn cho khách tham quan. |
Là kỹ thuật viên có cơ hội làm việc lâu dài tại Nhật với mức lương đáng mơ ước, nhưng anh Lê Minh Hiếu (xã Hiếu Thuận- Vũng Liêm) quyết định về quê khởi nghiệp làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Hành trình đến với lươn giống
Một ngày cuối tuần oi ả, chúng tôi đến tham quan mô hình kinh tế của anh Lê Minh Hiếu. Trong trang trại với gần 100 bể lươn bố mẹ và hàng chục bể lươn giống, anh đưa khách tham quan vừa tận tình hướng dẫn bà con cách phân biệt con giống tốt, kỹ thuật nuôi sao cho hiệu quả nhất.
Tiếp chuyện với chúng tôi, anh Hiếu cười tươi: “Khách ở các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, đến miền Trung, miền Bắc cũng vào tận đây để tư vấn kỹ thuật nuôi và mua con giống”.
Rót ly nước mát mời chúng tôi, anh bắt đầu câu chuyện trước kia gia đình không có điều kiện, nên sau khi học xong anh đi Nhật xuất khẩu lao động.
Ở Nhật, anh thấy đất nước họ phát triển, cuộc sống người dân sung túc, cách tạo dựng thương hiệu nông sản của nông dân nước bạn thật ấn tượng...
Từ đó, anh ấp ủ quyết tâm về quê khởi nghiệp phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ bà con và xa hơn là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp quê nhà.
Sau 10 năm lao động nước ngoài, anh trở về quê định làm gạo sạch nhưng rồi lại rẽ hướng sang nuôi lươn giống. “Lúc đó cũng trăn trở, đau đầu lắm chứ vì mong muốn mang đến sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng lại có thể tăng thêm giá trị kinh tế cho nông sản địa phương.
Thế nhưng kinh nghiệm mình học hỏi được ở nước ngoài về đây không còn phù hợp”- anh chia sẻ. Anh đi đó đi đây, rồi lên mạng tìm hiểu xem nuôi gì, trồng gì hiệu quả, cũng có nhiều mô hình hay nhưng không hiểu sao anh thích nuôi lươn.
Thế là anh quyết định làm bể nuôi lươn không bùn trên đất nhà và bắt đầu khởi nghiệp từ 10 bể lươn bố mẹ để ương lươn giống.
Anh tâm sự, hành trình từ giai đoạn nuôi thử nghiệm lươn sinh sản cho đến lúc thành công đã trải qua nhiều gian nan vất vả, có lúc tưởng như trắng tay nhưng anh không hề nản chí.
Đó là những lúc lươn bố mẹ nuôi hoài không chịu đẻ trứng, trứng không chịu nở, đến lúc nở con thì chết, còn những con sống thì chậm lớn…
“Trải qua giai đoạn mấy tháng trời nghiên cứu từ khâu canh đẻ trứng, ấp trứng rồi cách chọn con giống sao cho tỷ lệ nuôi đạt cao… tôi mới “tủ” được bí quyết để về phát triển mô hình”- anh cười cho biết.
Cung không đủ cầu
Với mô hình nuôi lươn của mình, anh Hiếu đã giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động nhàn rỗi địa phương. |
Từ kết quả bước đầu đó, anh bắt đầu thuê thêm đất để mở rộng mô hình, song song với việc mở website để quảng bá thương hiệu. Đồng thời, nuôi thêm lươn thương phẩm.
Đến nay, sau hơn 3 năm, anh đã trở thành ông chủ của trại lươn giống quy mô nuôi lên đến 11.000m2, với gần 100 bể lươn bố mẹ, 50 bể lươn giống và 40 bể lươn thương phẩm.
Đưa chúng tôi tham quan những bể lươn giống, anh giới thiệu: đặc tính của lươn là “ăn sạch, ở sạch” nên mỗi ngày phải thay nước 2- 3 lần để đảm bảo vệ sinh. Còn lươn con muốn mau lớn và khỏe mạnh giai đoạn đầu nên cho ăn trùn quế. Sau đó là cám công nghiệp.
Lươn con sau khi nở cho vào bể ươm chăm sóc 2 tháng sẽ xuất bán. Nhờ có nhiều bể nên cứ có con giống bán liên tục. Mỗi năm anh cung cấp khoảng 2 triệu lươn giống (với giá trung bình 5.000 đ/con).
Tuy nhiên theo anh, khách muốn mua con giống về nuôi phải đặt hàng trước cả năm vì “cung không đủ cầu”. Tính đến thời điểm này, anh đã nhận cung cấp con giống cho khách theo đơn hàng đến tận nửa năm sau…
Cách làm của anh là tư vấn kỹ thuật quy trình nuôi lươn không bùn cho người nuôi và hỗ trợ con giống cho những nông dân còn nhiều khó khăn chí thú làm ăn để giúp họ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
Nhờ được hỗ trợ con giống mà anh Phạm Thanh Trong (huyện Xuân Lộc- Đồng Nai) có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế. Theo anh, lúc đầu anh chỉ nuôi thử mấy trăm con.
Vì con giống chất lượng, không hao hụt lại được ông chủ tư vấn tận tình từ A- Z nên anh nuôi đợt tiếp hơn 10.000 con. Qua 6 tháng nuôi, anh chuẩn bị xuất bán. “Với giá lươn nhất 200.000- 220.000 đ/kg, dự tính đợt này bán xong tôi sẽ có đủ tiền để cưới vợ rồi”- anh Trong phấn khởi.
Khi hỏi về thành quả hiện tại của mình, anh tự tin nói: “Lúc đầu về quê không nghĩ rằng mình sẽ “mê” lươn và gắn bó cùng nông dân như thế này. Mặc dù có phần vất vả nhưng mình có thể làm chủ cả về kinh tế lẫn thời gian”. Hiện tại, với mô hình này, hàng năm anh thu về hơn chục tỷ đồng.
Anh cho biết thêm: “Hướng tới, tôi sẽ thu mua, đa dạng các sản phẩm chế biến từ con lươn và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này”.
Anh Lê Minh Hiếu cho biết: Không cần đi đâu xa, chỉ cần mình có quyết tâm, không ngại khó khăn và thất bại thì dù ở quê nhà vẫn có thể khởi nghiệp thành công. Qua đó, không chỉ khẳng định bản thân, nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương. |
Bài, ảnh: CẨM HUỆ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin