Những bạn trẻ mê công tác xã hội

03:11, 10/11/2017

Đó là các bạn sinh viên (SV) ngành công tác xã hội (CTXH) Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long. Không hẹn mà gặp nhau, các bạn trẻ không chỉ có chung sở thích ngành nghề mà còn chung niềm đam mê với các hoạt động xã hội là hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn, bất hạnh...

 

Nụ cười rạng rỡ của các bạn trẻ khi phát quà và niềm vui của người được nhận cơm, bánh mì.
Nụ cười rạng rỡ của các bạn trẻ khi phát quà và niềm vui của người được nhận cơm, bánh mì.

Đó là các bạn sinh viên (SV) ngành công tác xã hội (CTXH) Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long. Không hẹn mà gặp nhau, các bạn trẻ không chỉ có chung sở thích ngành nghề mà còn chung niềm đam mê với các hoạt động xã hội là hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn, bất hạnh...

Cháy bỏng lửa tình nguyện

Hễ cuối tuần là các bạn SV năm nhất ngành CTXH Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long lại hẹn nhau đi nấu cơm, phát cơm và bánh mì từ thiện ở chợ Vĩnh Long hay Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoặc đến thăm và vui chơi với các em nhỏ tại Trung tâm CTXH tỉnh…

Có theo chân các SV tham gia hoạt động này mới thấy được nhiệt huyết mong muốn “làm chút gì đó” cho cộng đồng. Như đã hẹn, sáng sớm cuối tuần qua, các bạn đã đến quán cơm chay Thiện Tâm (TP Vĩnh Long) để phụ nấu ăn.

Không phân biệt nam nữ, các bạn cùng chế biến và ra thành phẩm là những hộp cơm chay nóng hổi, thơm phức lại đảm bảo vệ sinh. Tay thoăn thoắt cho những hộp cơm vào túi ny lông còn miệng thì nhẩm tính xem được bao nhiêu phần, SV Bùi Thị Như Huỳnh chia sẻ rằng, cảm thấy rất vui khi được cùng nấu những bữa ăn nghĩa tình như thế này.

Gần trưa, những suất cơm đã được các bạn chở đến nơi trao tận tay cho cô bán rau, phát cho chú chạy xe ôm hay em nhỏ bán vé số… Tuy chỉ là phần cơm nhỏ nhưng chúng tôi cảm nhận được dù người cho hay người nhận đều có được niềm vui.

Các bạn trẻ hạnh phúc khi được chia sẻ khó khăn cùng người khác, còn người nhận thì: “Như vầy là ấm lòng rồi. Bữa trưa no bụng và vui vì tấm lòng thiện nguyện của các SV”- cô Lê Thị Bé bán rau ở chợ Vĩnh Long- cười tươi nói.

Còn chị Lê Thị Nữ- bán gà vịt tại chợ- cũng chia sẻ: “Sáng giờ buôn bán lai rai, không lời được bao nhiêu. Nay có mấy bạn trẻ đến cho suất cơm, tiết kiệm được bữa ăn cũng đỡ”.

Bạn Nguyễn Khánh Duy- lớp trưởng cho biết: “Đây là các hoạt động ý nghĩa, tuy giá trị vật chất mang lại chưa nhiều nhưng là tấm lòng của tụi em nhằm chia sẻ những khó khăn đối với những người thu nhập thấp và có hoàn cảnh không may trong cuộc sống”.

Theo Khánh Duy, vì yêu thích CTXH nên lớp đã thành lập nhóm Tình nguyện tuổi trẻ để “kết nối những trái tim tràn đầy nhiệt huyết”.

“Nhiều người hay hiểu nhầm CTXH chính là làm từ thiện. Tuy nhiên, không phải vậy. Nó đơn giản là một ngành chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoặc những người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già…”- Duy cho biết thêm về ngành học cũng như hoạt động của nhóm.

Những suất cơm chẳng đáng giá bao nhiêu nhưng điều đáng quý là tấm lòng của các bạn trẻ muốn chia sẻ với người nghèo.
Những suất cơm chẳng đáng giá bao nhiêu nhưng điều đáng quý là tấm lòng của các bạn trẻ muốn chia sẻ với người nghèo.

Nuôi dưỡng tình yêu ngành nghề

Chính những lần hỗ trợ nấu ăn cho bếp ăn từ thiện hay những chuyến phát quà cho bệnh nhân nghèo đến hoạt động hỗ trợ sửa chữa trường học… là “trường đời” để các bạn tích lũy kỹ năng sống và trên hết là mang lại lợi ích cho xã hội và cộng đồng.

Đối với bạn Nguyễn Thị Kim Châu thì bạn không thể nào quên được niềm hân hoan của các em nhỏ tại Trung tâm CTXH tỉnh. Các em rất thơ ngây, hồn nhiên, vui cười khi được nhóm ghé thăm.

Qua đó, Châu thấy rằng: Trong cuộc sống, không phải ai sinh ra cũng gặp may mắn, có cơ thể lành lặn, không phải ai cũng có đầy đủ cha mẹ bên cạnh.

“Chỉ có tình thương mới sưởi ấm được tâm hồn trẻ thơ. Chính vì vậy, em sẽ dành thời gian đến trò chuyện, vui chơi cùng các em, đó là cách để các em không bị mặc cảm, không lẻ loi trong cuộc đời”- Kim Châu bày tỏ.

Còn đối với SV Trần Nguyễn Hương Duyên thì khi tham gia các hoạt động xã hội, em học hỏi được rất nhiều điều bổ ích, nhất là tinh thần đoàn kết, đồng đội và đáng quý nhất là tinh thần tự nguyện của cả nhóm.

Duyên cho biết: Hàng tuần mỗi bạn tiết kiệm 10.000- 20.000đ góp quỹ cho các hoạt động xã hội. Có bạn nhịn bữa ăn sáng, có bạn hạn chế mua đồ “linh tinh”, có bạn trích tiền từ công việc làm thêm... “Còn em thì ăn cơm sáng ở nhà tiết kiệm tiền gây quỹ”- Duyên thổ lộ.

Vì đặc thù ngành học là CTXH nên thông qua hoạt động sẽ giúp SV có thêm nhiều cơ hội cọ xát với thực tế cũng như tiếp thêm lửa, định hướng ngành nghề sau này.

Bạn Hà Hồng Gấm cho hay: SV ngành này phải có 2 yếu tố là đam mê và chịu khó. Hơn nữa phải năng nổ và tích cực với các hoạt động xã hội. Bởi các hoạt động ấy sẽ đem lại cho SV được “nhiều” hơn “mất”.

“Riêng bản thân em thì trang bị được khả năng làm việc nhóm, tự tin trước đám đông và áp dụng những bài học lý thuyết vào đời sống thực tiễn. Và em thấy mình như trưởng thành hơn, chững chạc hơn, học được nhiều bài học làm người qua những hoạt động tình nguyện”- Gấm bộc bạch.

Anh Đặng Hải Đăng- Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật- cho biết:

SV ngành CTXH có tinh thần nhiệt huyết tình nguyện rất cao. Việc tham gia các hoạt động xã hội thực tế sẽ tạo ra môi trường lành mạnh cho SV được tiếp xúc, học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng sống, tăng kỹ năng mềm… Sắp tới, Đoàn trường sẽ tạo điều kiện để các em hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời góp phần định hướng nghề nghiệp cho các em sau khi ra trường.

 

 

Bài, ảnh: CẨM HUỆ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh