Về ăn cơm với mẹ

05:07, 27/07/2017

"Bữa cơm nghĩa tình- ấm áp tình thương" là hoạt động thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của tuổi trẻ trong những ngày tháng 7 lịch sử này.

“Bữa cơm nghĩa tình- ấm áp tình thương” là hoạt động thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của tuổi trẻ trong những ngày tháng 7 lịch sử này.

Ở đó, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) cùng quây quần để nghe mẹ kể về những năm tháng chiến tranh gian khổ, về một thời mẹ đã cống hiến tuổi xuân, chồng con cho sự nghiệp giải phóng dân tộc...

Cùng chuẩn bị bữa cơm cho mẹ

Chăm lo bữa cơm cho Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Út (xã Hòa Hiệp- Tam Bình).
Chăm lo bữa cơm cho Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Út (xã Hòa Hiệp- Tam Bình).

Cuối tuần qua, các bạn trẻ Huyện Đoàn Tam Bình đã có mặt đông đủ tại nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Út (xã Hòa Hiệp) để chuẩn bị bữa cơm gia đình.

Phụ trách thực đơn bữa ăn lại “kiêm” luôn bếp trưởng, nên từ rất sớm chị Trần Thị Ngọc Thi đã ghé chợ chọn mua thức ăn, vì “đi chợ sớm mới chọn thịt, cá tươi ngon” và “bữa cơm này là tình cảm của tuổi trẻ dành cho mẹ, nên mong muốn mẹ có bữa cơm thật vui, ấm áp”.

Nhà mẹ Út hôm nay vui lắm, vì có “tụi nhỏ” đến thăm lại còn phụ dọn dẹp, nấu ăn. Tiếng trò chuyện, hỏi thăm nhau rôm rả...

Nhanh tay cắt từng ngó sen rồi lại xắt thịt, chị Trần Thị Bé Uyên- Bí thư Xã Đoàn Tường Lộc- cho hay sáng giờ làm việc vui lắm. “Chúc mẹ luôn mạnh khỏe, vui vẻ, sống lâu bên con cháu”- chị Uyên bày tỏ.

Sự quan tâm nhiệt tình của bạn trẻ làm mẹ Út không khỏi xúc động. Mẹ nói, hôm nay mẹ “có nhiều con” quá chừng. Mẹ vui vì ĐVTN đã đến thăm hỏi, chăm sóc bữa ăn cho mẹ.

Đoàn viên thanh niên quây quần bên mẹ Nguyễn Thị Chưởng (xã Bình Phước- Mang Thít).
Đoàn viên thanh niên quây quần bên mẹ Nguyễn Thị Chưởng (xã Bình Phước- Mang Thít).

Đã từ rất lâu, căn nhà của mẹ Nguyễn Thị Chưởng (xã Bình Phước- Mang Thít) mới có bữa cơm đông vui, ấm áp và xúc động như vậy. Đó là bữa cơm do các bạn ĐVTN đi chợ, nấu nướng.

Mâm cơm đại gia đình gồm canh chua, thịt xào đậu, thịt kho là thành quả sau gần 2 giờ nấu nướng của các bạn trẻ.

Theo như lời anh Nguyễn Quang Thế- Huyện Đoàn Mang Thít- thì bữa cơm này chỉ đơn giản là những món “cây nhà lá vườn” nhưng là tấm lòng của ĐVTN.

Chăm lo bữa cơm cho Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Út (xã Hòa Hiệp- Tam Bình).

Bữa cơm ấm áp bên Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Chính của Đoàn Trường ĐH Xây dựng Miền Tây.

Đoàn Trường ĐH Xây dựng Miền Tây cũng có bữa cơm ấm cúng tại nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Chính (xã Hòa Tịnh- Mang Thít). Mẹ Chính có 7 người con, trong đó có 2 con trai đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Vừa bước chân vào nhà mẹ đã thấy các “đầu bếp sinh viên” lui cui chuẩn bị bữa cơm gia đình. Áo xanh cùng nhau chiên cá, rửa rau... không khí thật vui vẻ.

Theo anh Lê Trần Khánh Phương- Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Xây dựng Miền Tây: Bữa cơm sum vầy này là dịp để tuổi trẻ tri ân, thể hiện lòng biết ơn đối với quý mẹ Việt Nam anh hùng đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Quây quần bên mâm cơm nghĩa tình, ĐVTN được nghe các mẹ kể về những năm tháng chiến tranh oai hùng. Mặc dù tuổi cao, sức khỏe yếu dần nhưng mẹ Nguyễn Thị Chưởng vẫn nhớ như in thời lửa đạn “đầy gian khổ nhưng rất đỗi tự hào”.

Lúc 14 tuổi, mẹ đã tham gia cách mạng vì đất nước chiến tranh thì “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Thế là cô bé giao liên ấy biết bao lần đưa tin tức, vận chuyển súng đạn “trót lọt” bằng sự gan dạ, mưu trí.

Khi thì ngụy trang xuồng chở đạn thành xuồng chuối cây, khi thì giấu thư vào trong cần câu cá, có khi sợ địch phát hiện phải bỏ thư vào miệng “kiểu nhai trầu”...

Có lần mẹ bị địch phát hiện và bị đánh vào đầu, đạp vào người dã man. Từ lần bị tra tấn ấy, sức khỏe mẹ sa sút rất nhiều, nhưng: “Dù có bị tra tấn thế nào mẹ cũng không khai vì mẹ không bao giờ phản bội Tổ quốc”- mẹ nhớ lại.

Người mẹ ấy “thà mất con chứ không chịu mất nước”. Khi hay tin đứa con trai lớn là liệt sĩ Mai Văn Ký- cán bộ Đoàn- khi đi tập huấn bị địch sát hại, mẹ dẫu rất đau nhưng cố gạt nước mắt vì “con mình làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng với quê hương”...

“Tấm lòng của mẹ đối với quê hương thật kiên trung, son sắc. Thế hệ trẻ chúng tôi luôn biết ơn và sẽ ra sức lao động, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay”- Phó Bí thư Huyện Đoàn Mang Thít- Võ Nhựt Phương bày tỏ.

Sau chiến tranh, mâm cơm gia đình của mẹ lặng lẽ đơn độc vì chồng, con đi mãi không về. Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Út kể lại: Hồi xưa, gia đình có truyền thống cách mạng nên ngày tóc còn xanh, mẹ đã lãnh gạo nuôi bộ đội. Khi chồng theo cách mạng hy sinh, mẹ phải nén nỗi đau, tần tảo mò cua, bắt cá đổi gạo nuôi 10 đứa con.

Nỗi đau chồng mất chưa vơi thì vài năm sau đó mẹ nhận được tin đứa con trai thứ tư “trốn nhà đi bộ đội” cũng hy sinh. Đau đớn vô cùng nhưng vẫn cố gắng nuốt nước mắt vào trong bởi “mẹ tự hào vì chồng, con đã hy sinh vì nghĩa lớn”- mẹ Út rưng rưng nói.

Có lẽ không có mất mát nào có thể so sánh được nỗi đau của người mẹ lần lượt tiễn chồng, con ra đi và không bao giờ trở lại. Nhưng các mẹ đã ấm lòng khi được các bạn trẻ động viên, chăm sóc. Nắm chặt bàn tay các bạn trẻ, mẹ Út bảo: “Hôm nay vui rồi vì các con đến nấu và dùng bữa cơm gia đình
cùng mẹ”.

Mỗi lần thăm mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, tuổi trẻ đều có chung niềm xúc động và trỗi dậy tình yêu Tổ quốc thiêng liêng.

“Vì thế, thời gian tới, Huyện Đoàn sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục ý nghĩa tri ân các gia đình có công cách mạng, qua đó để tuổi trẻ thấy mình nên có những việc làm cụ thể hơn trong xây dựng quê hương”- anh Nguyễn Văn Quý- Quyền Bí thư Huyện Đoàn Tam Bình- cho biết.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh