Tiếp sức cho thanh niên lập thân, lập nghiệp

05:03, 31/03/2017

Những năm qua, từ sự giúp đỡ của tổ chức Đoàn mà ngày càng có nhiều đoàn viên thanh niên (ĐVTN) chí thú làm ăn, vượt khó, vươn lên làm giàu. T

Những năm qua, từ sự giúp đỡ của tổ chức Đoàn mà ngày càng có nhiều đoàn viên thanh niên (ĐVTN) chí thú làm ăn, vượt khó, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, trong hành trình lập thân, lập nghiệp đầy gian nan ấy, có nhiều ĐVTN chưa thành công và rất cần thêm sự “trợ sức” về vốn, khoa học công nghệ, tìm đầu ra sản phẩm...

Nhờ được hỗ trợ vốn mà anh Linh có thể xây chuồng  và nuôi bò phát triển kinh tế.
Nhờ được hỗ trợ vốn mà anh Linh có thể xây chuồng và nuôi bò phát triển kinh tế.

Cùng ĐVTN vượt khó

Đồng hành cùng ĐVTN lập thân, lập nghiệp, các cấp bộ Đoàn đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, động viên họ vươn lên tham gia phát triển kinh tế tại địa phương.

Cùng với việc rà soát nắm tình hình, tiếp cận với ĐVTN chưa có việc làm để tư vấn dạy nghề, giới thiệu việc làm, Đoàn các cấp còn tổ chức các diễn đàn tư vấn hướng nghiệp, tổ chức cho ĐVTN tham quan, học hỏi các mô hình hiệu quả.

Thông qua “Hành trình đến với trường nghề, làng nghề”, “Hành trình đến với nhà máy, xí nghiệp”, nhiều ĐVTN đã nhanh chóng tiếp cận được con đường khởi nghiệp, bước đầu thành công trên một số lĩnh vực sản xuất góp phần tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho lao động trẻ địa phương.

Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi, giới thiệu ĐVTN có nhu cầu làm thủ tục vay vốn theo chương trình vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm; phối hợp đào tạo nghề cho lao động nông thôn có nhu cầu...

Từ sự nỗ lực của tổ chức Đoàn đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, khẳng định sức trẻ lập nghiệp, làm giàu trên quê hương.

Điển hình như mô hình của anh Lê Chí Cường (xã Tân Long- Mang Thít) được hỗ trợ vốn khởi nghiệp, mà anh có thêm điều kiện mở rộng sản xuất. Với mô hình kinh tế tổng hợp nuôi bò, bồ câu, dê, mỗi năm anh thu nhập trên 100 triệu đồng.

Anh Cường cho biết: “Đây là động lực để ĐVTN vượt qua khó khăn, chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình cũng là góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương”.

Từ khi được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới phun cho vườn mai 600m2, gia đình anh Tiêu Hoàng Thành (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) đã “tiết kiệm không ít công sức, thời gian lao động, tiết kiệm điện lại hiệu quả”.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn mai xanh mướt, anh Thành phấn khởi nói: So với trước thì vườn mai phát triển đều, tươi tốt hơn. Giờ chỉ cần bật công tắt là hệ thống tự động tưới đa chiều, rất tiện lợi”.

Còn anh Nguyễn Tấn Linh (xã Tân An Hội, Mang Thít) thì không khỏi vui mừng khi nhận được quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, bởi “nhờ số vốn ấy mà tôi có thể xây chuồng trại và mua bò phát triển kinh tế, có thêm thu nhập giúp gia đình ổn định cuộc sống”.

Cần hỗ trợ thêm tư liệu sản xuất và gỡ khó đầu ra

Tại nông thôn, nhiều ĐVTN có khát vọng vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội nhưng vẫn đang loay hoay về vốn, phương thức, cách làm… 

 Có sự trợ giúp của Đoàn, anh Cường có thêm vốn mở rộng sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Có sự trợ giúp của Đoàn, anh Cường có thêm vốn mở rộng sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo anh Huỳnh Chí Trình- Phó Bí thư Huyện Đoàn Vũng Liêm, đa phần ĐVTN địa phương đều đi làm ăn xa. 1/3 ĐVTN ở lại thì làm công nhân, làm thợ hồ, làm kinh tế nhỏ. ĐVTN mong muốn có thêm điều kiện làm ăn, ổn định cuộc sống như: vay vốn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi...

Thế nhưng, số ĐVTN tiếp cận được nguồn vốn chỉ có khoảng 20%. “Nếu ĐVTN được hỗ trợ làm ăn hiệu quả sẽ tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Đây cũng là giải pháp hiệu quả để thu hút ĐVTN đến với Đoàn”- anh Trình khẳng định.

Để ĐVTN lập nghiệp thành công vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm kịp thời. Phó Bí thư Xã Đoàn Hiếu Thuận Nguyễn Thị Trúc Dung cho biết: Xã có hợp tác xã nuôi trăn với trên 20 ĐVTN tham gia. Ban đầu giá cả thuận lợi nên hiệu quả kinh tế khá cao.

Nhưng gần đây, giá “tuột dốc” nên các thành viên đang gặp khó. “Vấn đề đặt ra là ĐVTN mong muốn được vay vốn để tiếp tục duy trì mô hình và khỏi lo bị ép giá”- chị nói.

Đó cũng là trăn trở của anh Lê Hoàng Thuận, thành viên hợp tác xã. Anh cho hay: Mỗi lứa gia đình nuôi trên 100 con trăn. Lúc trước giá khoảng 300.000 đ/kg thì có lời, giờ giá giảm hơn phân nữa nên chỉ phá huề. “Giá cả thương lái đưa ra, cao thấp gì cũng phải bán, nếu không thì tìm đầu mối ở đâu?”- anh băn khoăn.

Còn theo anh Nguyễn Nhật Quang- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên xã Tân An Hội (Mang Thít), Đoàn- Hội quan tâm vận động ĐVTN vươn lên trong lập nghiệp tại quê hương.

Thế nhưng ĐVTN vẫn còn ái ngại trên con đường khởi nghiệp, bởi còn nhiều rào cản như: các mô hình thiếu tính đột phá, lo thị trường biến động. Thêm vào đó, ĐVTN cần nguồn vốn “kha khá” để đầu tư làm ăn, trong khi số vốn được vay còn rất hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu...

Địa phương chỉ có 2- 3 mô hình ĐVTN làm kinh tế mà thôi. Anh đề xuất: Cần có sự hỗ trợ tích cực hơn nữa về chính sách vay vốn từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh, tăng số vốn được vay và tạo khâu nối chuỗi liên kết từ áp dụng khoa học kỹ thuật cho đến đầu ra sản phẩm để ĐVTN an tâm khởi nghiệp.

Theo Phó Bí thư Tỉnh Đoàn- Bùi Văn Chiều, thời gian tới, Tỉnh Đoàn tiếp tục tạo mọi điều kiện để ĐVTN lập thân, lập nghiệp.

Cụ thể, tham mưu Tỉnh ủy ban hành Đề án Tuyên truyền, vận động phối hợp thanh niên đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2016- 2020; giao chỉ tiêu cho các Đoàn cơ sở trực tiếp đứng ra giải quyết việc làm cho 50 ĐVTN/năm; hỗ trợ mô hình khởi nghiệp bằng cây, con giống...

Chỉ tính riêng năm 2016, Đoàn các cấp đã tư vấn nghề, việc làm cho gần 67.000 lượt ĐVTN và giới thiệu cho gần 3.100 ĐVTN có việc làm ổn định; tổ chức cho gần 11.000 ĐVTN tham gia các lớp dạy nghề như: đan thủ công mỹ nghệ, tin học, sửa xe...

Bài, ảnh: CẨM HUỆ

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh