Câu chuyện về những người chồng, người con của mẹ đã ra đi mãi mãi không về, cứ đứt quãng… Tuổi mẹ đã cao và không còn đủ sức để nhớ từng chi tiết, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được nỗi niềm sâu lắng qua lời kể và thoáng chút u buồn trong mắt mẹ...
Câu chuyện về những người chồng, người con của mẹ đã ra đi mãi mãi không về, cứ đứt quãng… Tuổi mẹ đã cao và không còn đủ sức để nhớ từng chi tiết, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được nỗi niềm sâu lắng qua lời kể và thoáng chút u buồn trong mắt mẹ...
Đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Liên. |
Những chuyến về nguồn thăm Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), gia đình cách mạng để tuổi trẻ hôm nay càng hiểu thêm công lao của cha anh và thấy mình càng phải có trách nhiệm cùng những người có công với đất nước.
Về thăm Mẹ Việt Nam anh hùng
Mặc dù tuổi cao không còn minh mẫn để nhớ về quá khứ, thế nhưng những câu chuyện nhớ nhớ, quên quên của Mẹ VNAH Phạm Thị Bảy (xã Hòa Bình- Trà Ôn) thật đặc biệt.
Hầu như mọi ký ức về chồng, con của mẹ được hiện ra một cách đầy đủ nhất trong sự “trợ giúp” của anh Đặng Văn Xưa- con trai út của mẹ.
Ngày xưa nhà nghèo nên vợ chồng mẹ phải làm ruộng tần tảo nuôi 7 người con. Lúc đó, thấy cuộc sống người dân vất vả lại còn phải chịu đựng cảnh bom đạn thù dày xéo dân mình, chồng mẹ đã xin vào làm công an xã phục vụ cho địa phương. Trong quá trình làm nhiệm vụ, ông đã hy sinh.
Nỗi đau chồng mất chưa vơi thì năm sau đó mẹ nhận được tin báo con trai thứ ba anh Đặng Văn Nhóm cũng hy sinh khi tham gia chiến đấu ở Sa Đéc (Đồng Tháp). Đau đớn vô cùng nhưng cố gắng nuốt nước mắt vào trong bởi “mẹ tự hào vì chồng, con đã đóng góp cho hòa bình của đất nước”- mẹ Bảy rưng rưng nói.
Chồng mất, mẹ đưa các con tản cư về xóm Cầu Vĩ (xã Hiếu Phụng- Vũng Liêm) và vẫn một lòng hướng theo ngọn cờ cách mạng. Ngày ngày, mẹ chèo xuồng chở lên khu Bưng Sẫm vài bao gạo, thuốc men vật dụng cần thiết cho bộ đội. “Sợ địch phát hiện, mẹ phải lấy rơm phủ lên bao gạo, vải vóc.
Nhờ vậy mà trong suốt những năm 1970 đến giải phóng, mẹ luôn tránh được tai mắt kẻ thù”- mẹ Bảy nhớ lại.
Nước nhà thống nhất đã hơn 40 năm nhưng vẫn còn đó nỗi đau của người vợ mất chồng, người mẹ mất con. Trong ngôi nhà đầy ắp yêu thương, mẹ Lê Thị Liên (xã Tân Hòa- TP Vĩnh Long) kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về chồng và con.
Theo tiếng gọi quê hương, chồng mẹ tham gia bộ đội “gác việc riêng lo việc chung”. Thế nhưng chưa đầy năm, ông hy sinh tại xã Tân Ngãi. Vượt qua nỗi đau thương, một mình mẹ làm thuê làm mướn gồng gánh nuôi 4 con còn nhỏ.
Sau giải phóng, người con trai thứ tư của mẹ đã lên đường sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế khi mới 18 tuổi. Mang trong mình dòng máu cách mạng của cha nên anh chiến đấu rất dũng cảm. Và anh đã hy sinh, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.
Tin con trai hy sinh một lần nữa khiến mẹ chết lặng, nhưng rồi trong mắt mẹ lại ánh lên niềm tự hào vì con của mẹ sống có lý tưởng. Khi được phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH mẹ rất vui vì “đó là niềm tự hào cho chồng, con của mẹ đã hy sinh vì nghĩa lớn”.
Tri ân người có công
Thời gian qua, công tác chăm lo cho người có công với cách mạng, nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH... luôn được đặt lên hàng đầu với sự cộng hưởng trách nhiệm, sẻ chia của toàn xã hội.
Con đường vào nhà mẹ Liên ngoằn ngoèo xa nhưng đối với các bạn Văn phòng UBND tỉnh thì “hầu như ai cũng rành đường” bởi các bạn thường hay xuống thăm mẹ.
Bí thư chi đoàn- Phan Duy Minh cho biết, chi đoàn nhận phụng dưỡng mẹ đã hơn năm rồi. Ngoài thường xuyên thăm hỏi tặng quà, chi đoàn còn phối hợp vận động gần 40 triệu đồng làm mái hiên, xây nhà vệ sinh cho mẹ... “Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là để bồi đắp thêm tình cảm, ý thức về việc tri ân của các bạn trẻ với các Mẹ VNAH”- anh Minh nói.
Thấy các bạn trẻ đến thăm, mẹ Liên móm mém cười hiền, nét mặt hằn sâu nếp nhăn bỗng rạng rỡ hẳn lên. Không nhớ tên nhưng mẹ biết đó là “mấy cháu quen”, mẹ nói: “Mẹ vui khi thấy quê hương ngày phát triển, các thế hệ con cháu luôn tưởng nhớ đến sự cống hiến của gia đình mẹ và thăm hỏi, động viên mẹ lúc về già”.
Thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, dịp 27/7 mỗi năm, tuổi trẻ lại bắt đầu hành trình “Đi tìm địa chỉ đỏ”. Đến thăm, tặng quà gia đình chính sách liệt sĩ Võ Thành Tư (TP Vĩnh Long), các bạn trẻ không khỏi xúc động và tự hào khi được nghe chú Võ Thành Tiến- con trai liệt sĩ kể về những tháng năm tham gia cách mạng gian khổ, những cống hiến thầm lặng của cha mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Bản thân chú vào năm 1973 cũng từng trốn học tham gia bộ đội và làm Đội trưởng thông tin tại Tiểu đoàn 857, từng mưu trí, dũng cảm trong nhiệm vụ thông tin liên lạc và theo dõi địch bằng phương tiện kỹ thuật...
“Được nghe nhiều câu chuyện anh dũng, chúng tôi thấy mình phải cố gắng lao động, học tập thật tốt để không phụ công cha anh đi trước”- Bí thư Đoàn Khối Doanh nghiệp tỉnh- Kim Ngọc Thân nói.
Hướng về cội nguồn dân tộc, tuổi trẻ hôm nay xin thắp nến tri ân dâng tặng các anh hùng liệt sĩ và “qua đó, hun đúc tình yêu quê hương và giúp bạn trẻ nhận thức được trách nhiệm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay”- Phó Bí thư Huyện Đoàn Mang Thít- Nguyễn Thị Ngọc Triều cho biết.
Bài, ảnh: CẨM HUỆ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin