Trong xã hội hiện đại, không ít bạn trẻ đã chọn “sống chậm”, để không chỉ cân bằng lại cuộc sống, mà còn cảm nhận được những cung bậc ý nghĩa, sắc màu tươi đẹp ở xung quanh mình.
![]() |
Bạn trẻ thường xuyên trao đổi kết nối với bạn bè. |
Sống nhanh, vội vàng
Với sự phát triển nhanh chóng của xã hội hiện nay, đòi hỏi bạn trẻ phải không ngừng hòa nhịp để thích nghi. Có không ít bạn trẻ lúc nào cũng hối hả, gấp gáp, ngay trong cách nghĩ cũng như trong học tập, công việc, sinh hoạt hàng ngày…
Chị Trần Như Anh (Phường 8, TP Vĩnh Long) cho hay, thời gian không chờ đợi một ai và tuổi trẻ chỉ có một thời. Vì thế, chị luôn trân trọng và muốn ghi dấu tuổi thanh xuân của mình với nhiều việc làm mà bản thân yêu thích. Và chị có cả một lịch trình để khám phá khả năng, sở thích của mình.
Mỗi ngày, ngoài đi làm 8 tiếng ở văn phòng, chị tham gia lớp tập yoga vào sáng sớm; chiều thì chị bán hàng online; còn tối thì học văn bằng 2 ngành Tiếng Anh. Cuối tuần thì chị làm thêm “nghề tay trái” đan túi xách, nón len, cắm hoa. Nhiều khi bận quá mà chị quên ăn, bỏ ngủ... Chị chia sẻ: “Thời gian sẽ nhanh chóng trôi qua nên tôi muốn sống trọn với đam mê”.
Vì mãi chạy đua với thời gian để thực hiện những mục tiêu cá nhân, cùng các yếu tố khách quan khác mà bạn trẻ chọn sống nhanh, vội vàng hơn. Sống nhanh, bạn trẻ tận dụng được thời gian quý báu của mình để học hỏi, trao đổi, tích lũy kinh nghiệm, phát huy khả năng. Tuy nhiên, theo bạn trẻ, nhịp sống này cũng có những mặt trái.
Là nhân viên bán hàng, anh Nguyễn Phước Vinh (Phường 1, TP Vĩnh Long) cho biết, các ngày trong tuần anh luôn “gồng mình” để hoàn thành doanh số, bởi doanh số tăng thì thu nhập mới tăng. Mỗi ngày, ngoài thời gian “ăn nhanh, uống lẹ”, còn lại là hầu như anh phải đón tiếp khách hàng, tư vấn, gợi ý các sản phẩm, sắp xếp hàng hóa...
Anh hy vọng, với sự cố gắng ấy, bản thân sẽ có thu nhập ngày một khá hơn. Anh cho hay: “Tôi luôn có cảm giác bị cuốn theo thói quen gấp gáp, hối hả không chỉ trong công việc mà còn cả trong đi lại, ăn uống. Thế nên, tôi có rất ít thời gian cho bản thân và gia đình”.
Bạn Nguyễn Kim Hiền- sinh viên năm 3, cho biết, 1 ngày 24 giờ đối với Kim Hiền là không đủ. Ngoài thời gian học ở trường, Kim Hiền còn làm nhân viên phục vụ tại quán cà phê. Kết thúc việc làm sau 22 giờ, Kim Hiền về đến nhà ăn uống, vệ sinh cá nhân rồi nhanh chóng bắt tay vào ôn bài vở, tự học thêm Tiếng Anh trên mạng.
Những ngày cuối tuần, Kim Hiền cũng tất bật làm thêm ca để có thêm thu nhập, vừa làm giàu vốn sống... “Công việc cứ quay cuồng liên tục làm em cũng cuốn theo mà không có thời gian nghỉ ngơi. Dẫu biết nếu cứ đà này hoài thì sẽ không tốt cho sức khỏe, nhưng còn trẻ thì phải lăn xả thôi”- Kim Hiền bày tỏ.
Học cách “sống chậm”
Không ít bạn trẻ cho rằng, mỗi người sống chỉ một lần nên cần phá bỏ những giới hạn, tìm kiếm sự mới mẻ để khám phá những tiềm năng của mình. Người trẻ không thể lúc nào cũng “sống chậm” mà phải nắm bắt cơ hội, quyết tâm cao độ để thực hiện giấc mơ. Sống nhanh giúp bạn trẻ có thể trải nghiệm những điều thú vị, và sẽ càng thêm ý nghĩa khi bạn trẻ làm được nhiều việc tốt cho xã hội.
Song, đôi khi vì lối sống ấy, bạn trẻ tự đặt mình vào vòng quay bận rộn mà dần đánh mất đi những cơ hội gặp gỡ, chia sẻ với người thân; bỏ qua những khoảnh khắc đẹp đẽ và thờ ơ với cuộc sống xung quanh; thậm chí gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, thể chất...
Bạn Ngô Phương Linh- sinh viên năm 4, cho hay, em đã từng có khoảng thời gian bị “stress” vì ôm đồm quá nhiều việc trong cùng một lúc. Từ việc học trên lớp, học nhóm, làm thêm, hoạt động chi đoàn, chi hội sinh viên của lớp đến hoạt động đoàn, hội của trường... đã làm em căng thẳng, vì quá tải. Để “gỡ rối”, em lập kế hoạch có thời gian, nhiệm vụ rõ ràng cho từng việc, đi cùng với đó có thời gian nghỉ ngơi, giải trí hợp lý. Nhờ vậy, chất lượng học tập ngày càng đi lên, tinh thần em cũng phấn chấn hơn.
“Ai cũng muốn khẳng định bản thân mình, nhất là tuổi trẻ càng khao khát được thể hiện, nhưng đừng vì thế mà chúng ta sống gấp. Bởi, lối sống này sẽ là con dao hai lưỡi nếu như ta không biết cách cân bằng giữa phát triển bản thân, công việc và nghỉ ngơi, thư giãn”- Phương Linh nói.
Chị Trần Ngọc Khánh Hà- nhân viên kinh doanh cho biết, trước đây, chị thường suy nghĩ “nếu không bận rộn với công việc, không chạy deadline thì tức là bản thân đang lười biếng, không có mục tiêu, lãng phí cuộc đời”. Tuy nhiên, trong những tháng ngày làm việc quên giờ giấc, cùng thói quen “ăn vội, ngủ vội”, chị thấy mình đang cuốn vào vòng lặp tẻ nhạt, không sức sống và dần đánh mất đi sợ dây kết nối với bạn bè.... Chị thấy, bản thân cần phải thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Chị chia sẻ: Cuộc sống này luôn là một chuỗi những ngày không ngừng đổi thay, đòi hỏi mỗi người luôn thay đổi để bắt kịp xu thế. Trên con đường ấy, mỗi cá nhân có thể vô tình đánh mất đi sự cân bằng trong cuộc sống, hối hả với những công việc không có điểm dừng, tuy nhiên, đừng để bản thân bị cuốn vào dòng chảy mà quên cả bản thân. “Chúng ta hãy học cách “sống chậm”.
![]() |
Bạn trẻ dành thời gian để làm việc mình thích, để hòa nhập với cuộc sống xung quanh. |
Và “sống chậm” ở đây không có nghĩa là lười biếng, làm việc rề rà, trì trệ, mà là dành thời gian để lắng nghe hơi thở cuộc sống, để gắn kết người với người xích lại gần nhau, để cảm nhận và chia sẻ yêu thương. Đó có thể là dành thời gian để đọc một quyển sách hay, nghe một bản nhạc vui; là tận hưởng không khí ấm áp khi quây quần bên mâm cơm gia đình, trò chuyện cùng những người thân yêu; hay tham gia hoạt động tình nguyện vì cộng đồng...”.
Nhà văn Hy Lạp Publilius Syrus từng nói rằng: “Người đi quá nhanh sẽ đến quá muộn”. Vì thế, chúng ta hãy “sống chậm” một chút để biết bản thân đang ở đâu, để hiểu chính mình và thêm yêu cuộc sống này.
Bài, ảnh: PHƯƠNG VY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin