Đẹp thay lời “xin lỗi”, “cảm ơn”

21:36, 19/02/2025

Lời “xin lỗi” và “cảm ơn” tuy giản dị nhưng làm tăng thêm nét duyên, ứng xử văn hóa khi giao tiếp giữa người với người. Thế nhưng hiện nay dường như lời “cảm ơn”, “xin lỗi” dần dần thiếu đi, nhất là trong giao tiếp của bạn trẻ.

Bạn trẻ tạo thói quen nói “cảm ơn”, “xin lỗi” từ những điều đơn giản xung quanh. Ảnh minh họa
Bạn trẻ tạo thói quen nói “cảm ơn”, “xin lỗi” từ những điều đơn giản xung quanh. Ảnh minh họa

Vắng dần lời “xin lỗi”, “cảm ơn”


Nói lời “cảm ơn” vì được nhận quà hay được người khác quan tâm giúp đỡ; còn nói lời “xin lỗi” khi mắc lỗi hay chỉ là phép lịch sự cơ bản… là bài học đầu tiên mà ai cũng được dạy từ người lớn hay khi bước chân vào trường học. Dù vậy, trong cuộc sống hiện tại, việc nói lời “cảm ơn” và “xin lỗi” khi giao tiếp đã dần dần ít đi với nhiều bạn trẻ.


Cô Nguyễn Thị Hương (Phường 8, TP Vĩnh Long) cho biết, cô buôn bán hàng ngày hay gặp nhiều trường hợp người trẻ hỏi thăm đường, nhưng trong đó, có không ít người trẻ quên mất lời cảm ơn khi được giúp đỡ. Cô minh chứng bằng việc kể lại chuyện mới đây có đôi bạn trẻ hỏi thăm cô để tìm đến con đường gốm đỏ và hoa. “Lúc hỏi thăm đường đi thì hăng hái, niềm nở lắm, nhưng khi nghe trả lời xong thì cô cậu phóng xe đi luôn, làm tui tự hỏi lời “cảm ơn” đâu rồi?”.


Anh Trần Hữu Tín (xã Hòa Phú, huyện Long Hồ) cũng cho rằng lời “cảm ơn” đã và đang dần ít đi trong ứng xử của người trẻ. Anh dẫn chứng, bản thân từng thấy không ít người trẻ đến công ty làm việc không đậu xe ngay ngắn vào bãi gửi xe, khi đó bảo vệ lại giúp, nhưng họ lại im lặng cho qua và chẳng nói lời “cảm ơn”. Hay khi ở quán xá cũng vậy, nhiều khi được nhân viên cho thêm ly trà đá, người trẻ cũng chẳng nói cảm ơn… Và còn rất nhiều trường hợp khác nữa.


Không chỉ tiết kiệm nói “cảm ơn”, văn hóa sử dụng lời “xin lỗi” của người trẻ bây giờ cũng ít thấy. Không ít trường hợp bạn trẻ nơi công cộng chen lấn, va chạm vào người khác nhưng vẫn ngó lơ; đến cuộc hẹn cùng bạn bè muộn giờ nhưng lại xem như chẳng có chuyện gì. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ vì cá tính, nổi loạn, ích kỷ đã làm những việc khiến cha mẹ buồn, thầy cô phiền lòng nhưng lại thờ ơ với lời “xin lỗi”…


Bạn Thanh Tuyền- nhân viên bán hàng (Phường 1, TP Vĩnh Long) kể: “Có lần, mình thấy cô gái trẻ vừa đi trên đường vừa nói chuyện điện thoại không để ý va vào cô đẩy xe bán rau quả. Thế mà cô gái ấy không dừng lại giúp cô bán rau đó nhặt rau rơi xuống đường, cũng không xin lỗi mà dửng dưng đi luôn. Hành vi ứng xử như vậy thật là tệ”.


Chớ ngại nói “cảm ơn”, đừng sợ nói “xin lỗi”


Bạn Hồng Nhung- sinh viên năm ba, thừa nhận bản thân đã từng vài lần quên nói “cảm ơn” khi được bạn bè cho mượn máy tính, chia sẻ internet. Hay như mới đây, khi được bạn tặng quà sinh nhật, vì vội mở quà nên Hồng Nhung cũng vô tình quên “cảm ơn” người tặng. Tương tự, bạn Cẩm Vân- sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, cũng cho hay có đôi khi quên “cảm ơn” bạn cùng phòng tặng món quà quê, được chủ nhà trọ giảm bớt tiền thuê phòng…


Theo nhiều bạn trẻ, nói lời “cảm ơn” hay “xin lỗi” thì “sến súa”, khách sáo, có khi “hơi giả tạo” nên nói ra thì ngại quá; hay đôi khi vấn đề xảy ra chỉ là chuyện nhỏ nên các bạn không quá để ý đến… Cũng bởi những lý do ấy mà các bạn không ý thức được rằng lời “cảm ơn”, “xin lỗi” là rất cần thiết và hợp lý trong những tình huống xảy ra thường ngày. Và việc không quen nói lời “cảm ơn”, “xin lỗi” đã vô tình hình thành nên sự vô cảm trong người trẻ… 


Bạn Kim Hoa- sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, cho hay: Nói lời “cảm ơn”, “xin lỗi” hoàn toàn không phải là một việc quá khó khăn. Hàng ngày, Kim Hoa đều “cảm ơn” rất nhiều người, từ chú bảo vệ giữ xe dùm, cô nhân viên thư viện cho mượn sách hay cô chủ quán cơm mà em thường ghé ủng hộ. Kim Hoa cũng luôn nói “xin lỗi” trước khi hỏi đường một ai, hay nhờ người khác chụp dùm một kiểu ảnh… “Đây chính là phép lịch sự tối thiểu giữa người với người, nhiều khi đơn giản nhưng có thể mang mọi người xích lại gần nhau hơn, cuộc sống vì thế cũng trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ hơn”- Kim Hoa nói.


Theo cô giáo trẻ Nguyễn Diễm My, nói lời “cảm ơn”, “xin lỗi” là một nét văn hóa hết sức tốt đẹp, khi chúng ta nói điều này với một sự chân thành thì sẽ nhận về những hiệu ứng tích cực từ những người xung quanh. Để hình thành thói quen này, bạn trẻ phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, gần gũi nhất. Như nói lời “cảm ơn” mẹ về món ăn ngon, “cảm ơn” đứa bạn thân đã chỉ cách giải bài toán khi mình chưa hiểu, nói “xin lỗi” khi chưa giúp chị được việc nhà… Từ đó, sẽ tạo cho bản thân thói quen tốt đẹp là biết nói lời “cảm ơn”, “xin lỗi”.


“Nói lời “cảm ơn”, “xin lỗi” là một trong các biểu hiện của ứng xử có văn hóa, là hành vi văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội, giúp mọi người dễ cư xử, cởi mở, gắn kết với nhau hơn. Chính vì thế, việc tập cho mình thói quen nói những lời ấy đối với bạn trẻ là hết sức cần thiết”- cô Diễm My cho biết.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM
 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh