Bạn trẻ ngại giao tiếp

13:42, 15/11/2024

(VLO) Nhắn tin trao đổi lưu loát, trò chuyện “trực tuyến” thì rất hoạt bát, thế nhưng khi gặp mặt thì chẳng biết nói gì, cứ ấp a ấp úng… Không ít bạn trẻ đã thừa nhận mình như thế và cho rằng: “Bản thân chỉ thích nhắn tin nói chuyện qua bàn phím, điện thoại và cảm thấy rất ngại giao tiếp ngoài đời”.

Bạn trẻ không nên quá phụ thuộc vào thế giới ảo mà hãy cùng nhau gặp gỡ, giao lưu ngoài đời thực.
Bạn trẻ không nên quá phụ thuộc vào thế giới ảo mà hãy cùng nhau gặp gỡ, giao lưu ngoài đời thực.

Ngại nói chuyện trực tiếp

Là sinh viên năm hai, bạn Phạm Gia Hân thường xuyên gặp gỡ, trao đổi việc học tập với bạn bè. Thế nhưng, Gia Hân cho hay, bản thân không mấy tự tin khi nói chuyện trực tiếp, vì những lúc đó, Gia Hân luôn căng thẳng và không dám nhìn mặt đối phương.

Khi thuyết trình trên lớp, mặc dù Gia Hân đã chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo nội dung từ trước nhưng em vẫn run, trả lời lắp bắp và luôn tránh ánh nhìn của thầy cô cùng các bạn. Hay khi ra đường gặp người quen, Gia Hân ít khi bắt chuyện vì “biết nói gì bây giờ”.

“Cũng chính vì thế, mà em thường bị cho là không hòa đồng, khó gần và hay làm màu. Không hiểu sao khi nói chuyện qua điện thoại thì em tự tin và nói nhiều lắm. Còn khi trao đổi trực tiếp thì em nhát lắm, cứ bập bẹ từng chữ”- Gia Hân cho biết.

Thực tế hiện nay, không ít bạn trẻ thường ngại gặp mặt, trao đổi trực tiếp với mọi người xung quanh, thay vào đó là trò chuyện trên các nền tảng trực tuyến. Đó là một trong những lý do khiến bạn trẻ thường e dè, lúng túng, diễn đạt chẳng suông câu, rõ ý khi giao tiếp thực tế…

Mặc dù học ngành marketing, nhưng bạn Võ Anh Khoa gặp phải “rào cản” khi trò chuyện ngoài đời với người khác. Vì thế, Anh Khoa thường tương tác với mọi người qua tin nhắn hay email.

Bằng cách này, Anh Khoa cảm thấy thoải mái, tự nhiên hơn vì có thể diễn đạt chỉn chu, kiểm soát từ ngữ cẩn thận trước khi gửi và “không cảm thấy hồi hộp khi có ai đó nhìn mình”. Anh Khoa lý giải, do khoảng thời gian dài ở nhà vì dịch bệnh, Anh Khoa giao tiếp với mọi người qua mạng xã hội nên dần dần thành quen.

Anh Phạm Bảo Nam (Phường 3, TP Vĩnh Long) cũng thích giao tiếp trực tuyến hơn kiểu truyền thống, bởi theo anh hình thức này rất tiện lợi. Anh không phải di chuyển đến nơi khác mà vẫn có thể trò chuyện với bất cứ ai, ở bất cứ đâu, mọi lúc, mọi nơi, lại thêm tiết kiệm được nhiều thứ...

Thế nhưng, anh cũng nhận thấy việc giao tiếp này đã làm cho anh trở nên có khoảng cách và khó hòa nhập với mọi người hơn. Đặc biệt, sự năng động, kỹ năng xử lý tình huống không còn nhanh nhẹn như trước đã ảnh hưởng ít nhiều đến công việc và cuộc sống của anh.

Để tự tin hơn

Trong thời đại số hiện nay, một bộ phận bạn trẻ dường như có xu hướng giao tiếp trên mạng xã hội hơn ngoài đời thực. Điều đó dần dần tạo ra bức tường ngăn cách bạn trẻ với cuộc sống xung quanh, làm cho bạn trẻ khó hòa nhập, dẫn đến những bất lợi trong tạo dựng các mối quan hệ, trong công việc…

Bạn Trương Thúy An- sinh viên năm ba ngành kế toán, nhìn nhận trước đây do bản thân quen “chat chit online” nên cảm thấy nhút nhát khi đối mặt với người khác, xã giao thì cũng chỉ “ráng lắm mới được vài câu mà thôi”.

“Để khắc phục tình trạng đó, bên cạnh việc nói chuyện ít hơn trên mạng xã hội, em cũng siêng đọc sách để biết cách ăn nói sao cho khéo léo, thường xuyên gặp gỡ bạn bè để ngày càng dạn dĩ hơn”- Thúy An bày tỏ.

Là thế hệ gen Z, bạn Phạm Lê Trâm Anh (Phường 9, TP Vĩnh Long) cũng từng rơi vào tình trạng rất hoạt ngôn trên mạng xã hội nhưng khi gặp mặt người khác lại “chả nói được gì”. Và Trâm Anh phải cố gắng rất nhiều để khắc phục.

Trâm Anh cho biết: “Giao tiếp khéo léo là một kỹ năng cần thiết trong công việc lẫn cuộc sống của mỗi người. Vì thế, em chủ động tham gia các hoạt động xã hội hay đi làm bán thời gian để mở rộng các mối quan hệ cũng như có thêm kinh nghiệm giao tiếp.

Việc phải tiếp xúc với nhiều người trong khoảng thời gian dài sẽ khiến bản thân phải tự thay đổi để hòa nhập tốt hơn, không thể mãi biết nhau chỉ qua một chiếc điện thoại được”.

Theo cô giáo trẻ Nguyễn Thị Ngọc Oanh, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạn trẻ ngại giao tiếp trực tiếp, như: phụ thuộc quá nhiều vào các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng công nghệ hay thiếu kiến thức, kinh nghiệm và các kỹ năng trong quá trình giao tiếp…

Và bạn trẻ không nên sống trong thế giới ảo quá nhiều mà phải hòa mình vào các hoạt động tập thể, tham gia các CLB, thường xuyên giao lưu, trò chuyện với bạn bè, đặc biệt là tăng sự tương tác ngoài đời với người khác.

Điều này, không chỉ giúp các bạn phát huy tối đa khả năng ứng xử, giao tiếp mà còn mở ra nhiều cơ hội mới tốt đẹp cho bản thân.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh