(VLO) Hiện nay, những thông tin xuyên tạc, sai sự thật chính trị xuất hiện trên mạng xã hội (MXH) ngày càng nhiều. Trong khi đó, bản lĩnh chính trị của một bộ phận thanh niên (TN) còn hạn chế, dễ bị ảnh hưởng bởi các thông tin này. Chính vì lẽ đó, tăng cường giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng cho TN có bản lĩnh chính trị trên không gian mạng là việc làm rất cần thiết hiện nay.
Kỳ 1: “Dao 2 lưỡi” mang tên…mạng xã hội
Từ đầu những năm 2000, MXH bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam và phát triển nhanh chóng với hơn 72 triệu người sử dụng. MXH trở thành nơi chia sẻ thông tin dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng, đặc biệt nhận được sự quan tâm của TN. Bên cạnh đó, MXH còn là môi trường thuận lợi cho một số tổ chức, cá nhân cung cấp những thông tin sai sự thật chính trị; thậm chí, có những thông tin xuyên tạc, gây hại đến trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia.
Giáo dục truyền thống, tăng cường bản lĩnh chính trị cho TN là vấn đề cần thiết. (ảnh minh họa). |
Nhận diện thông tin
Những năm gần đây, MXH phổ biến, gần gũi và trở thành một phần tất yếu trong đời sống của giới trẻ. Mục đích sử dụng MXH rất đa dạng như: tìm kiếm, cập nhật thông tin; liên lạc với gia đình, bạn bè; chia sẻ thông tin, hình ảnh, tâm trạng lên mạng…để giải trí, thể hiện bản thân, mua bán và thậm chí là hiềm khích, chửi bới nhau. Có thể nói, MXH đã trở thành “chợ thông tin”, vấn đề là thông tin này chưa được kiểm chứng.
Việt Nam có hàng trăm MXH khác nhau, các MXH được sử dụng phổ biến như: Facebook, Zalo, Youtube, TikTok…Bên cạnh những thuận lợi và thông tin mà MXH mang lại, lợi dụng MXH, các thế lực thù địch đã đăng tải những thông tin xuyên tạc, nói xấu chế độ, Đảng, Nhà nước.
Những tài khoản này thường dùng chiêu bài để xúi giục, kích động, gây nghi ngờ, bức xúc trong Nhân dân, làm mất ổn định xã hội. Lĩnh vực mà bọn phản động này thường tập trung là xuyên tạc con người và tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc chế độ XHCN; xuyên tạc các chính sách của Đảng về tôn giáo, dân chủ, dân quyền, các vấn đề dân tộc. Đồng thời, lợi dụng một vài sai sót, yếu kém trong quản lý, điều hành của chúng ta để phủ định sạch trơn thành tựu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta gây dựng.
Chia sẻ suy nghĩ về MXH, chị Nguyễn Thị Hoàng Trang (Mang Thít) hiện đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh cho rằng: “MXH rất tiện dụng giúp tôi tiết kiệm rất nhiều tiền điện thoại. Ngoài ra, tôi còn sử dụng MXH để làm nghề tay trái là bán trái cây sau giờ tan làm thu nhập khá tốt. Dần thành thói quen, sáng khi thức dậy, việc đầu tiên tôi làm là mở điện thoại ra lên MXH”.
Bên cạnh những ưu điểm của MXH thì chị Hoàng Trang cũng khá băn khoăn: “Thông tin trên MXH không phải cái nào cũng đúng, đặc biệt là những bài đăng với nội dung kích thích, thường làm quá lên vấn đề, có khi sai sự thật. Em gái tôi học cấp 3 dễ bị ảnh hưởng bởi những bài này, nghi ngờ rồi gọi tôi hỏi xem có thật không!?”.
Lợi dụng MXH các cá nhân thế lực thù địch đã lập ra hàng trăm hội nhóm, tài khoản trên mạng xã hội để tán phát các bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung sai sự thật, lập lờ, xuyên tạc…
Trong khi đó, không ít TN tham gia MXH để “câu like”, thích trở thành người hùng trên mạng và sẵn sàng hành động trái quy tắc ứng xử, thậm chí bịa đặt, thêm thắt thông tin dẫn đến vi phạm pháp luật chỉ để được nổi tiếng trong cộng đồng mạng.
Có thể nói, TN là đối tượng dễ bị mắc bẫy của các tổ chức, cá nhân phản động với thủ đoạn, chiêu trò ngày càng tinh vi.
Đặc biệt, chú ý trên MXH còn có một số bài đăng phê phán, châm biếm, xuyên tạc chủ trương của Đảng và Nhà nước ta với đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm khích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Trong khi đó, vấn đề bình đẳng giữa các dân tộc được ghi rõ trong Hiến pháp nước Việt Nam. Bên cạnh, đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhận được nhiều chính sách, chế độ ưu đãi khác.
Cũng có bài viết trên MXH phủ định vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lấy tên Bác làm “nick name” để đăng tải thông tin vu khống, bịa đặt, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, còn sử dụng hình ảnh trên các trang báo chính thống minh họa cho thông tin được đăng. Người xem nếu không được tiếp cận thông tin chính thống, không đủ hiểu biết dễ bị lôi kéo vào những thông tin này.
Những thông tin sai sự thật này nhằm hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thậm chí là Chủ tịch Hồ Chí Minh; công kích sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; phủ định vai trò của tổ chức Đoàn; xuyên tạc và bôi đen những thành tựu của Đảng ta trong công cuộc phòng chống tham nhũng.
Đối với giới trẻ, những “ma trận” này đánh vào tâm lý nóng vội, bốc đồng, làm xao động tư tưởng của người trẻ. Từ đó, một vài người trẻ “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” thiếu lòng tin vào Đảng và công cuộc bảo vệ tổ quốc xây dựng XHCN mà chúng ta đang xây dựng.
Thủ đoạn tinh vi
Các bài đăng xuyên tạc, chống phá, sai sự thật chính trị trên MXH. |
Thủ đoạn thường thấy của bọn phản động là dùng những tin, bài, ảnh trên báo chí chính thống sau đó viết lại, chỉnh sửa thành những nội dung bịa đặt hoặc định hướng sai lệch để đăng tải lên MXH với tiêu đề giật gân.
Do đó, các bài đăng thường nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Song song đó, các bài đăng này còn áp dụng phương pháp “lập lờ nước đôi”, đưa thông tin nửa thật nửa giả nhằm tạo lòng tin cho những người xem chưa nghiên cứu kỹ thông tin này, sẽ bị nhầm lẫn.
Thậm chí, có một số trang MXH còn chống đối ngay từ “nick name”, nội dung bài đăng hoàn toàn sai sự thật, phủ nhận mọi thành tựu công cuộc xây dựng CNXH của Đảng và Nhân dân ta, nhằm lung lay lòng tin của Nhân dân với Đảng, điển hình như trang “Cười XHCN”.
Ví dụ, ngay sau khi các số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về kết quả khảo sát tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của người lao động, một tài khoản MXH có nick rất kêu “Tat Thanh Nguyen Ai” rút ra những số liệu với quan điểm tiêu cực, châm chọc.
Dùng số liệu khảo sát 3.000 người lao động của Tổng Liên đoàn lao động để khiêu khích nói xấu lãnh đạo Đảng, phủ nhận những thành tựu cũng như nỗ lực xây dựng CNXH. Kiểu viết lập lờ với số liệu trích từ báo, lý lẽ phản động, trào phúng nhằm gây hoang mang, ảnh hưởng một số người nhẹ dạ.
Một số bài đăng trên MXH thì lợi dụng hành vi vi phạm của một vài cá nhân đảng viên, cán bộ trong thời gian qua mà “vơ đũa cả nắm”. Trong một bài viết trên Facebook của Nguyễn Thông với tiêu đề “Đoàn” có nội dung kỳ thị, xuyên tạc và rất không hợp lý vì thông tin không đúng. Chủ tài khoản tự xưng mình có 52 năm tuổi đoàn- điều này là bất hợp lý so với điều lệ Đoàn.
Tiếp đó là những nội dung bôi đen tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và mở rộng ra đến các tổ chức xã hội khác. Nguyễn Thông ghi: “Giờ thì hiểu rằng, tất cả mọi tổ chức chính trị, chính trị xã hội, tổ chức xã hội, hội đoàn ở xứ này đều là vớ vẩn”. Bài đăng này nhận được gần 500 lượt thích, 80 bình luận và hơn 30 trả lời của người xem; trong đó, có cả những ý kiến phản đối.
Một vài tài khoảng MXH thì đăng nội dung kiểu “bới móc”, luận điệu xuyên tạc. Từ những chi tiết nhỏ trong sách giáo khoa môn Ngữ văn viết về những người anh hùng như chị Võ Thị Sáu “bị trói hai tay nhưng hái cài hoa cày trên mái tóc”… để cười và phóng đại những chi tiết trong văn học, thơ ca thành sự thật lịch sử để bắt lỗi.
Những trang MXH này thường liên kết với nhau bởi một nhóm người, khi một người đăng bài viết xuyên tạc các thành viên khác sẽ vào bình luận kiểu “cò mồi”, cứ như vậy, bài đăng và bình luận được “vần công” cho nhau khiến người xem dễ nhầm lẫn là nhiều người cùng có ý kiến đó. Điều này đánh vào tâm lý tin tưởng theo số đông của một bộ phận người xem.
Có thể nói, chỉ cần đọc kỹ thông tin, có kiến thức cơ bản, bình tĩnh kiểm chứng thông tin trên báo chí chính thống, chúng ta dễ dàng nhận biết những thông tin xuyên tạc, chống phá này. Vấn đề là phát hiện thông tin phản động thì sẽ làm gì? Một số TN bình luận phản ánh ngay dưới bài đăng để phản đối rồi tranh cải trên MXH, điều này làm tăng lượt truy cập, tăng tần suất xuất hiện của các thông tin này, vô tình làm tăng thêm số lượt người xem.
Bên cạnh đó, một số TN do thói quen khi sử dụng MXH là “like dạo” vô tội vạ và theo dõi các trang chưa kiểm định thông tin; chưa đọc kỹ những “Status” đã “like” rất thường thấy và vô tình tiếp tay cho những thông tin tiêu cực. Học sinh Nguyễn Ngọc Ngân- lớp 11 (Trường THPT Hoàng Thái Hiếu- TX Bình Minh), cho biết: “Được đoàn trường hướng dẫn, em và các bạn biết sử dụng MXH thông minh hơn, chính là biết cách chọn lọc thông tin và không “like” “share” những thông tin không tích cực, thông tin chưa biết sự thật”.
Một chiêu bài khác của các trang MXH chống phá, phản động thường có tên “rất chính thống”. Ví dụ như: “Nhật ký yêu nước”, “Dân Luận”, “Người Việt online”, “Dân luận”, “Người Thượng vì công lý”…
Đây cũng là chiêu trò tạo lòng tin cho cộng đồng mạng. Một số ít người dân, trong đó có TN vì thiếu kiến thức, kỹ năng; lập trường tư tưởng không vững vàng, dễ tin vào những luận điệu xuyên tạc và tiếp tay cho những tài khoản quấy rối nền tảng tư tưởng của Đảng, chia sẻ các bài viết này.
Nói tóm lại, đấu tranh phòng chống, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên MXH ở Việt Nam hiện nay là vấn đề cấp thiết, nhằm nâng cao năng lực và sức chiến đấu, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong đó, đối tượng TN là lứa tuổi dễ bị ảnh hưởng, kích động trước những thông tin gây rối này, cần đặc biệt quan tâm.
Việt Nam nằm trong số các quốc gia có số lượng người dùng MXH cao nhất trên toàn thế giới. Trong số người sử dụng MXH trong nước, thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ lớn, bình quân TN Việt Nam sử dụng MXH 7 giờ/ngày. |
Kỳ 2: Thanh niên- người chủ tương lai của đất nước
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin