"Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em"

05:06, 01/06/2024

Đó là chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 diễn ra từ ngày 1-30/6, nhằm thúc đẩy hơn nữa sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, gia đình và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. 

(VLO) Đó là chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 diễn ra từ ngày 1-30/6, nhằm thúc đẩy hơn nữa sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, gia đình và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Thời gian qua, Vĩnh Long đã dành nhiều cơ chế, chính sách quan tâm đến các vấn đề của trẻ em. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, kêu gọi cộng đồng chia sẻ trách nhiệm, chăm lo cho thế hệ trẻ.

Các tổ chức đoàn thể vận động trao tặng thẻ BHYT cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Các tổ chức đoàn thể vận động trao tặng thẻ BHYT cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Chăm lo cho trẻ đến trường

“Con vừa nhận phần thưởng học sinh xuất sắc, con rất là vui. Cũng nhờ thầy cô, cô chú, bạn bè quan tâm, giúp đỡ, lo cho con bữa ăn, cho con tập sách nên con cố gắng học thật tốt để không phụ lòng mọi người”.

Đó là những lời bộc bạch của em Trương Nguyễn Anh Thư (học sinh lớp 5/4 Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long).

Hoàn cảnh của bé Anh Thư rất đáng thương. Mẹ bỏ đi lấy chồng khác nhiều năm nay, Thư sống cùng cha trong căn nhà tình thương ở khóm Tân Nhơn (phường Tân Hòa).

Cô Nguyễn Thụy Tuyết Loan- giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, kể: Nhà cách trường khá xa nên Thư phải thức từ 5 giờ sáng tự đạp xe đến trường. Biết được hoàn cảnh của em trường đã hỗ trợ bữa cơm trưa bán trú tại trường.

Lo ngại em dang dở việc học nên chị viết thư đến mục Địa chỉ nhân đạo trên Báo Vĩnh Long và vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ giúp bé. Nhờ những tấm lòng cùng chung tay hỗ trợ giúp bé Thư có tiền ăn uống, điều trị bệnh, an tâm đến trường”.

Hay như hoàn cảnh của em Lê Ngọc Trúc Linh (xã Đồng Phú, huyện Long Hồ), mồ côi mẹ, cha đi làm ăn xa, Linh hiện sống với ông bà nội.

Để giúp em có thêm điều kiện trang trải chi phí học tập, các cấp hội đoàn đã vận động hỗ trợ em sổ tiết kiệm trị giá 61 triệu đồng. Việc làm thiết thực này có ý nghĩa quan trọng, góp phần hỗ trợ cho em vượt qua khó khăn, học tập tốt để có được tương lai tươi sáng.

“Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”

Đại dịch COVID-19 đi qua, khiến 51 trẻ em Vĩnh Long rơi vào cảnh mồ côi. Tỉnh ủy và UBND tỉnh, các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội đã chung sức để tạo thành “vòng tay yêu thương” xoa dịu nỗi đau mất mát và giúp các em vươn lên.

Chính sách hỗ trợ kịp thời, ngay từ khi gia đình các em bị ảnh hưởng của đại dịch, như hỗ trợ tiền mặt, hỗ trợ hàng tháng, tặng sổ tiết kiệm,...

Các đơn vị chủ động xây dựng các sân chơi công cộng lành mạnh cho trẻ.
Các đơn vị chủ động xây dựng các sân chơi công cộng lành mạnh cho trẻ.

Ông Nguyễn Văn Nệ (xã Tân Lộc, huyện Tam Bình) là ông ngoại của cháu Thúy Diễm (5 tuổi) và là người giám hộ cho cháu Toàn Thắng (10 tuổi) hiện đang học tại Trường Hy vọng (Đà Nẵng) do FPT sáng lập dành cho trẻ em mồ côi do dịch COVID-19.

Cháu Toàn Thắng là 1 trong 2 học sinh là con em tỉnh Vĩnh Long học tại trường này. “Trong vòng có 3 ngày mà gia đình mất đi hai người thân yêu nhất.

Đó là vợ tôi và con gái tôi, cháu Toàn Thắng mồ côi cả cha lẫn mẹ. Với sự quan tâm giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cháu có nghị lực vươn lên và học hành như hôm nay”- ông Nệ xúc động.

Nhiều năm qua, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long đã trao hàng chục ngàn suất học bổng Trần Đại Nghĩa mở rộng dành cho trẻ mồ côi, khuyết tật, học sinh người dân tộc, học sinh con của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh được tiếp sức đến trường.

Đồng thời, khuyến khích các em noi gương hiếu học, sáng tạo của GS.VS Trần Đại Nghĩa- người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long.

Nhận được suất học bổng, em Huỳnh Ngọc Hân (học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh, TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Học bổng giúp em vượt qua khó khăn để yên tâm học tốt. Em sẽ cố gắng noi gương bác Trần Đại Nghĩa học tập thật tốt để thành người có ích cho xã hội”.

Các tổ chức đoàn thể còn vận động trao tặng thẻ BHYT cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện để tham gia BHYT.

Đây là việc làm mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự chăm sóc toàn diện cho trẻ em trước nguy cơ bệnh tật, an tâm học tập. Sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng còn góp phần nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT trong học sinh.

Em Nguyễn Thị Thùy Dương (lớp 8 Trường THCS Nguyễn Trãi, TP Vĩnh Long) tâm sự: “Em bị hội chứng suy thận, cũng nhờ được những tấm lòng hảo tâm quyên góp rồi tặng em thẻ BHYT nên em có tiền điều trị bệnh và an tâm đến trường”.

Trẻ em là tương lai của đất nước. Chăm lo cho trẻ em là tiền đề quan trọng để góp phần xây dựng và phát triển quê hương. Vì lẽ đó, ở Vĩnh Long, công tác chăm lo cho trẻ em, mà đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn luôn được chú trọng.

Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước, các cơ quan, ban ngành và các địa phương trong tỉnh còn vận động các nguồn lực xã hội khác, cùng hỗ trợ, chăm lo, giúp các em có cuộc sống tốt hơn.

Theo bà Phan Hồng Hạnh- Phó Giám đốc Sở Lao động-TB-XH, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Vĩnh Long, Vĩnh Long hiện có hơn 202.600 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó, có trên 1.950 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khuyết tật, mồ côi không nơi nương tựa. Hàng năm, có 95% trẻ dân tộc nghèo; trẻ nghèo và cận nghèo; con thương binh, gia đình chính sách khó khăn được trợ giúp đi học thông qua chính sách miễn giảm học phí và hàng ngàn suất học bổng tiếp sức đến trường; nhận đỡ đầu nuôi dưỡng, giúp đường đến trường của các em bớt chông chênh.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh