Chàng trai Vĩnh Long "cõng" sách đi muôn nơi

Cập nhật, 15:37, Thứ Hai, 12/02/2024 (GMT+7)
Trên chiếc xe đạp, Hải Đăng rong ruổi trên con đường ở Hà Nội xin sách cho các em nhỏ.
Trên chiếc xe đạp, Hải Đăng rong ruổi trên con đường ở Hà Nội xin sách cho các em nhỏ.
Thái Hải Đăng (quê ở xã Hiếu Thành, huyện Vũng Liêm) đã mang gần 3.000 quyển sách đến miền núi, hải đảo, về cù lao xa xôi. Hành trình “Sách đến tay em” đầy gian nan nhưng những chuyến xe yêu thương cứ tiếp tục lăn bánh lan tỏa tri trức, thắp sáng những ước mơ trong khu “Vườn yêu thương”. 
 
3.000 quyển “Sách đến tay em”
 
Thái Hải Đăng yêu đọc sách từ những ngày học ở Trường THPT Lưu Văn Liệt (TP Vĩnh Long). Đăng biết đến thầy Huỳnh Văn Thế (Trường THPT Mang Thít)- người thầy giàu lòng nhiệt huyết và hy sinh tất cả để mang sách về cho học trò.
 
Từ câu chuyện truyền cảm hứng của thầy, anh chàng thành lập CLB Sách và Hành động THPT Lưu Văn Liệt. 
 
Đến khi học ĐH tại Hà Nội, Hải Đăng tham gia Vườn yêu thương- CLB Yêu sách Thái Hà. Hải Đăng trở thành chủ nhiệm dự án “Sách đến tay em”. “Nhóm gồm những cô cậu học trò chỉ ngoài 20 tuổi.
 
Mỗi người có cách lựa chọn lưu lại hình ảnh tuổi trẻ của mình. Tuổi 20 đầy non nớt, kiến thức cũng chưa nhiều để làm việc lớn nên tụi em chọn và xem đây là hành trình cùng nhau tô màu cho thanh xuân. Nhờ sách em cảm thấy bớt lạc lõng hơn khi một thân một mình đặt chân ra Hà Nội, cũng từ sách em có một gia đình thứ 2- Vườn yêu thương”- Hải Đăng chia sẻ. 
 
Hơn 1 năm triển khai, 18 tủ sách có mặt tại Hà Nội, vượt bao đèo dốc đến Sa Pa, lên Bắc Giang, Hòa Bình, đến đảo Hòn Cau- Bình Thuận, về mái ấm ở Bình Phước và cù lao ở Vĩnh Long… Hải Đăng cho biết, ở những ngày đầu, khó khăn nhất là tìm kinh phí thực hiện và thành viên triển khai.
 
Giữa cái nóng gay gắt cuối tháng 7, đầu tháng 8 ở Hà Nội, anh em người thì đi bộ, xe buýt, xe đạp, xe máy lon ton đi gom sách, xin sách. “Trên chiếc xe đạp quen thuộc, có hôm đạp cọc cạch chở hàng trăm quyển, em lỡ làm rơi hỏng gáy sách. Em còn tiếc đến tận bây giờ”- Hải Đăng chia sẻ. 
 
Mỗi hành trình trao sách, các bạn đều chăm chút chọn nội dung sách sao cho phù hợp. Dù là vùng núi cao hay hải đảo xa xôi, các thành viên đều có mặt tận nơi vừa tặng sách vừa giao lưu, vui chơi với các bạn học sinh, tạo nên sự hứng khởi, thu hút các bạn nhỏ đến với sách. Đăng nói, điều đặc biệt nhất là các bạn chăm sóc các tủ sách để vận hành lâu dài, có chiều sâu chứ không đơn thuần chỉ là “anh shipper” mang đến tặng rồi về.
 
Chuyến đi để lại nhiều cảm xúc với các thành viên là dự án sách ở Sa Pa. Hải Đăng kể: “Những em nhỏ vùng cao có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Có em phải đi bộ tận 10km mới đến trường. Sách đến tay các em là niềm hạnh phúc khó tả khi mà mở ra cả “một chân trời mới”.
 
Các em được “chạm” vào biển, “chạm” vào những vùng đất mới, được lý giải những điều kỳ thú của tự nhiên… Lần giở từng trang sách, đôi mắt các em ánh lên hạnh phúc. Bỗng chốc trong khoảnh khắc ấy, mỗi người lóe lên hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn với những đứa trẻ vùng cao”.
 
Ban đầu Hải Đăng nghĩ chỉ tặng một lần duy nhất ở Sa Pa thôi nhưng sau chuyến đi này, các bạn có thêm động lực để bắt tay xây dựng nên hành trình “Sách đến tay em” một cách lâu dài. Và từ đó, chuyến xe đều đặn lăn bánh, dự án sách thứ 2, thứ 3… nối tiếp nhau ra đời. 
Niềm vui cùng sách của các em học sinh Trường THCS Phan Si Păng (Lào Cai).
Niềm vui cùng sách của các em học sinh Trường THCS Phan Si Păng (Lào Cai).
Mang tình yêu sách lan tỏa muôn nơi
 
Với Hải Đăng, quyển “Hạnh phúc đích thực” của Thiền sư Nhất Hạnh kéo bạn trở về khoảnh khắc hiện tại, hạnh phúc ngay trong giây phút này. Quyển “Tâm trí không giới hạn” của thầy Krishnamurti, quyển “Bài học từ người quét rác” của PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng giáng một đòn thật mạnh vào tâm trí và cũng chính nó giúp Đăng phá vỡ nhiều giới hạn của bản thân…
 
Nỗ lực trau dồi bản thân, xây dựng những mối quan hệ bền vững, kiên trì dùng tình yêu thương gom góp những quyển sách, điều Hải Đăng mong muốn nhất là các em nhỏ sẽ có thêm những “cái chạm mới” trong tâm hồn mình và sách sẽ là phương tiện để thực hiện điều ấy.
 
Thế giới trong sách đôi lúc thực tại, đôi lúc mơ mộng, đôi lúc sâu lắng và chiêm nghiệm điều gì đó… Chính những màu sắc khác nhau trong sách sẽ tạo nên vẻ đẹp trù phú trong tâm hồn. 
 
Chàng trai ở quê hương Vĩnh Long có mối duyên kỳ lạ với thủ đô. Sau khi kết thúc ĐH ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hải Đăng sẽ tiếp tục học thêm nữa. Và ngay ở Hà Nội, Hải Đăng đang ấp ủ thực hiện một phòng thưởng trà, nơi những người yêu thích đọc sách có thể đến chia sẻ, đồng hành.
 
Sắp tới, Đăng cũng sẽ thực hiện “Không gian văn hóa đọc” trong khuôn viên Hồ Văn ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, phối hợp cùng các đơn vị phát hành sách định kỳ tổ chức nơi tụ họp, trao đổi sách cùng nhau. 
 
Dự án “Sách đến tay em” sẽ tiếp tục được duy trì như một món quà tri thức dành cho trẻ em vùng sâu, vùng xa chịu nhiều thiệt thòi, nhất là thiệt thòi về sách. Hải Đăng nói: “Không giống như ăn cơm, uống nước một chút là no, đọc sách là một hành trình dài và cần thời gian mới thấy được kết quả.
 
Như lời của PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng: “Việc dù nhỏ đến mấy mà đông người làm cũng trở thành việc lớn, việc dù lớn đến mấy mà đông người làm cũng trở thành việc nhỏ”. Mỗi người nỗ lực dù một ít nhưng chúng ta sẽ cùng nhau lan tỏa tình yêu sách rộng rãi”. 
 Vườn yêu thương- CLB Yêu sách Thái Hà thực hiện nhiều tủ sách từ Bắc đến Nam.  Ảnh: nhân vật cung cấp
Vườn yêu thương- CLB Yêu sách Thái Hà thực hiện nhiều tủ sách từ Bắc đến Nam. 
Chàng trai nhỏ nhắn “cõng” sách đi muôn nơi. Những quyển sách “nhỏ nhắn” không mang giá trị vật chất lớn lao nhưng gửi gắm trong đó là biết bao tình cảm và biết đâu sẽ tạo nên “cái chạm mới” thật phi thường.
 
Như một lời bài hát mà Đăng yêu thích: “Điều tuy rất phi thường nhưng thật ra rất nhỏ bé/ Điều nhỏ bé phi thường luôn nằm ở trong ta/ Đợi cho đến khi nào vì đời nhanh như chớp mắt/ Đợi cho đến khi nào nếu chẳng phải hôm nay”…
“Sách đến tay em” là một trong những dự án do Vườn yêu thương- CLB Yêu sách Thái Hà phát động. Đến nay đã có 18 tủ sách được thực hiện tại nhiều tỉnh- thành với hơn 3.000 đầu sách. Dự án hoạt động với mục tiêu phát triển hơn nữa văn hóa đọc sách- ứng dụng thông qua việc tặng sách đến các không gian đọc, điểm trường, nhà văn hóa… vùng ít tiếp cận văn hóa đọc. Hơn nữa là chăm sóc các tủ sách đi vào chiều sâu, mang tính lâu dài chứ không đơn thuần chỉ mang đến tặng.
PHƯƠNG THÚY
(Ảnh: nhân vật cung cấp)