Bạn trẻ làm thêm dịp cuối năm

06:01, 19/01/2024

Những ngày cuối năm là "thời điểm vàng" để bạn trẻ tìm kiếm việc làm thêm, với mong muốn có thêm thu nhập đón Tết cùng những trải nghiệm thú vị.
 

Những ngày cuối năm là “thời điểm vàng” để bạn trẻ tìm kiếm việc làm thêm, với mong muốn có thêm thu nhập đón Tết cùng những trải nghiệm thú vị.
Cuối năm, không ít bạn trẻ đi dạy thêm, bán hàng online… để có thêm thu nhập.
Cuối năm, không ít bạn trẻ đi dạy thêm, bán hàng online… để có thêm thu nhập.
Tất bật với nghề “tay trái”
 
Năm nào cũng vậy, khoảng tháng 11 âl là anh Nguyễn Văn Lợi- Phó Bí thư Xã Đoàn Thành Trung (Bình Tân) lại bắt đầu hành trình kinh doanh của mình. Bên cạnh trồng hoa vạn thọ, anh còn đi đến các nhà vườn ở TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) tìm đặt mua các loại hoa tươi để bán lại. Những ngày qua, anh nhận được không ít đơn hàng hoa hồng, cúc mâm xôi, đồng tiền, dạ thảo…
 
Anh Lợi cho hay, bán hoa tươi thấy đơn giản vậy nhưng không phải dễ. Nếu mình vận chuyển không khéo thì hoa sẽ bị giập, còn khi bỏ túi nilon thời gian lâu cánh hoa rất mau úa. Mình cũng phải có hàng “gối đầu” để khi khách đặt là có liền. Với kinh nghiệm kinh doanh mấy Tết qua, cộng với cách tư vấn, chăm sóc khách hàng tận tình, chu đáo nên năm nào anh cũng kiếm thêm kha khá.
 
Dù khá bận bịu công việc công ty cuối năm, nhưng mấy năm nay chị Trần Thúy Hằng (phường Trường An, TP Vĩnh Long) vẫn làm thêm nghề “tay trái” từ việc kinh doanh online bánh kẹo, các món ăn ngày Tết. Chị cho biết, thời gian này, chị thường cùng mẹ làm dưa kiệu, lạp xưởng, pa tê… để bán online.
 
Ngoài việc đăng hình ảnh giới thiệu sản phẩm, chị còn đăng thêm các clip giới thiệu các khâu chuẩn bị nguyên vật liệu, chế biến… để thực khách yên tâm hơn. Bằng hình thức này, chị cũng “mua đi, bán lại” các loại tôm khô, bánh tráng, kẹo chuối, hạt điều…
 
Chị bộc bạch: “Mình bán hàng đảm bảo về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nên khách cứ tin tưởng đặt mua để dùng và làm quà tặng. Năm ngoái bán có lãi trên 10 triệu đồng, mình cũng có thêm tiền để vui đón năm mới”.
 
Không chỉ ưu tiên những món ăn ngon, nhiều bạn trẻ còn kinh doanh online giỏ quà, các đồ trang trí ngày Tết như: tranh ảnh, lồng đèn, câu đối đến những chiếc bao lì xì xinh xắn… 
 
Lì xì đầu năm mới là một phần không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền, vì thế chị Nguyễn Thị Kim Thúy (Vũng Liêm) đã chọn bán phong bì lì xì trong những ngày này. Chị đã đặt mua nhiều mẫu lì xì “hot” với họa tiết ngộ nghĩnh linh vật của năm nay hay các câu chúc vui nhộn như: “lì xì dui dẻ dui dẻ”, “là lì xì dữ chưa”, “Tết con Rồng sớm lấy chồng”… để đăng bán trên Zalo, Facebook cá nhân.
 
“Mấy nay, tôi cũng bán được kha khá đơn hàng. Vì là bạn bè, khách quen nên tôi chỉ bán giá “mềm” thôi. Tôi kinh doanh cho vui để kiếm thêm lộc đầu năm”- chị Kim Thúy cười tươi cho biết.
 
Vừa có thu nhập vừa thêm kinh nghiệm
 
Với nhiều bạn sinh viên, cuối năm chính là dịp làm thêm để có thêm “chút đỉnh” và tích lũy kỹ năng. Đang làm phục vụ quán ăn trên địa bàn Phường 3 (TP Vĩnh Long), bạn Nguyễn Phú Quý- sinh viên ngành Công nghệ thông tin, cho biết bản thân đang sắp xếp để cân bằng giữa thời gian đi học và làm thêm để chuẩn bị bước vào giai đoạn tăng ca.
 
Hiện tại, Phú Quý chỉ làm ca tối, trong những ngày cuối năm dự định sẽ tăng thêm một ca nữa để kiếm thêm thu nhập. Thời điểm cuối năm khi làm tăng ca, lương thường được nhân lên 2 hoặc 3 lần ngày thường.
 
Do vậy, “dịp cuối năm, em cũng muốn làm thêm để có tiền lì xì cho em út lại học được nhiều thứ lắm. Ví dụ như nói năng phải nhẹ nhàng, đi đứng phải lịch sự, làm việc phải nghiêm túc”- Phú Quý chia sẻ.
 
Làm thêm bằng công việc pha chế, phục vụ quán cà phê, bạn Đặng Hải Âu- sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, cho biết: “Em tranh thủ làm thêm những ngày cuối năm để có thêm tiền phụ giúp gia đình. Chiều 25 Tết, em mới về nhà ăn Tết”.
 
Theo Hải Âu, mỗi ca đi làm, em được khoảng 90.000 đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng với Hải Âu đó là cách sử dụng thời gian trống cũng như hiểu được giá trị đồng tiền do chính mình làm ra.
 
Thêm nữa, công việc này còn giúp Hải Âu trang trải được một phần chi phí sinh hoạt hàng tháng và “rèn luyện sức khỏe” vì phải đi tới lui thường xuyên. Thêm nữa, đây cũng là môi trường thực tiễn để em tích lũy thêm cho mình những kỹ năng bổ ích. “Chẳng hạn như em học được tính kiên nhẫn, sự cần cù. Em cũng thấy mình dạn dĩ hơn, hoàn thiện tính cách, sống chan hòa hơn”- Hải Âu nói.
 
Năm nay, bạn Phạm Yến Nhi- sinh viên năm tư Ngôn ngữ Anh, đang “chạy nước rút” để chuẩn bị nền tảng tốt nhất cho tương lai. Buổi chiều sau khi tan học, Yến Nhi làm trợ giảng tại một cơ sở ngoại ngữ ở xã Phú Quới (Long Hồ).
 
Yến Nhi cho hay, bản thân không đặt nặng sẽ kiếm được bao nhiêu tiền mà làm thêm để tích lũy kinh nghiệm. Bởi Yến Nhi định hướng sau này ra trường sẽ xin dạy đúng chuyên ngành đã học. 
Đi làm thêm, bạn Đặng Hải Âu thấy mình dạn dĩ hơn, sống chan hòa hơn.
Đi làm thêm, bạn Đặng Hải Âu thấy mình dạn dĩ hơn, sống chan hòa hơn.
“Em quyết định đi làm thêm dịp cuối năm để thử sức mình và học hỏi thêm vốn sống. Dạy cho các em nhỏ, ban đầu em cũng run lắm nhưng giờ em đã dần quen và tự tin hẳn lên. Em biết cách truyền đạt để các em dễ hiểu, dễ nhớ và thích học môn này hơn. Giờ em có thể tự tin sau này ra trường sẽ đứng lớp dạy cho học sinh thật tốt”- Yến Nhi bày tỏ.
 
Bài, ảnh: PHƯƠNG VY
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh