Ốc gác bếp- lạ mà quen

07:10, 10/10/2023

Từ lúc lập nghiệp với con ốc bươu đen vào năm 2019, đi từ khó khăn này đến khó khăn khác, đến nay, anh thanh niên sinh năm 1991 ở Phường 9 (TP Vĩnh Long) Nguyễn Phú Vinh đã có sự thành công nhất định. Cùng với đó, anh chia sẻ kỹ thuật nuôi góp phần giúp nhiều người dân có thu nhập ổn định.

 

Anh Nguyễn Phú Vinh bên sản phẩm ốc gác bếp.
Anh Nguyễn Phú Vinh bên sản phẩm ốc gác bếp.

Từ lúc lập nghiệp với con ốc bươu đen vào năm 2019, đi từ khó khăn này đến khó khăn khác, đến nay, anh thanh niên sinh năm 1991 ở Phường 9 (TP Vĩnh Long) Nguyễn Phú Vinh đã có sự thành công nhất định. Cùng với đó, anh chia sẻ kỹ thuật nuôi góp phần giúp nhiều người dân có thu nhập ổn định.

Nặng lòng với ốc bươu đen

Anh Nguyễn Phú Vinh cho biết, đầu năm 2019 anh bắt đầu nuôi ốc bươu đen và đi tìm đầu ra tại các nhà hàng, hàng quán trong và ngoài tỉnh. Đây là thời điểm đầu khởi nghiệp với con ốc bươu sau hơn 2 năm tìm hiểu và quyết định thực hiện.

Anh Vinh cho biết, xuất phát từ việc tận dụng nguồn nguyên liệu địa phương cũng như nhìn thấy đầu ra, có thể đa dạng hóa sản phẩm con ốc bươu để nâng cao giá trị. Thêm nữa, nếu thị trường tốt thì có thể phát triển thêm thị trường giống.

“Con ốc bươu tự nhiên rất ngon và bổ dưỡng, được nhiều người yêu thích, chế biến ra nhiều món ăn khác nhau mà hiện các thị trường tiêu thụ lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội,… rất ưa chuộng. Thêm nữa, các món ăn được chế biến từ con ốc bươu đen cũng là một nét văn hóa rất riêng của miền Tây nên tôi mới quyết định khởi nghiệp từ đây”- anh Vinh chia sẻ.

Tuy nhiên, khi thực hiện thì lắm chông gai. Năm đầu tiên anh Vinh lỗ gần 100 triệu đồng. Không từ bỏ, anh Vinh bắt đầu nhìn lại quá trình nuôi, nghiên cứu thêm, học hỏi và vận dụng vào điều kiện thực tế và đã cho ra quy trình kỹ thuật nuôi để giảm bớt hao hụt, hạn chế tối đa kiểu nuôi dạng “công nghiệp”, thuốc để đảm bảo con ốc được sạch và an toàn, gần với “bản chất” con ốc bươu thiên nhiên nhất.

“Từ năm 2020, tôi bắt đầu hòa vốn và bước đầu có lãi. Đây là thời điểm tôi rất hạnh phúc vì có thể thuần được con ốc bươu đen thiên nhiên, đem lại những giá trị tốt hơn cho sinh vật này”- anh Vinh nói. Không chỉ nuôi và bán ốc thịt.

Hiện nay, anh Vinh đã và đang đầu tư rất nhiều cho con giống, chuyển giao kỹ thuật và nghiên cứu sản phẩm làm tăng giá trị con ốc. Đặc biệt hiện nay anh Vinh đã cho ra mắt sản phẩm ốc bươu gác bếp- một sản phẩm tuy lạ mà lại rất quen với người miền Tây.

“Sản phẩm ốc gác bếp được lên ý tưởng từ cách làm truyền thống của ông bà xưa với kỹ thuật đơn giản nhưng cho ra những con ốc bươu to, mập, béo và rất thơm.

Đây cũng là nguyên liệu chính để chế biến nhiều món ăn trong gia đình, tiếp đãi khách trong những dịp đám tiệc, lễ, Tết xưa. Tuy nhiên, thời gian dần mai một, cách làm ốc gác bếp cũng hiếm nơi nào còn giữ nên tôi quyết định nghiên cứu và thành công cho ra sản phẩm này”- anh Vinh chia sẻ.

Cái mới của sản phẩm ốc gác bếp chính là đảm bảo nguồn ốc sạch, lựa chọn loại có kích cỡ tốt, vỏ ngoài đẹp,...

Theo anh Vinh, sản phẩm truyền thống nhưng cũng phải tuân theo những nguyên tắc mang tính hiện đại, sản phẩm ngon nhưng chất lượng, mẫu mã phải đẹp. Hiện nay, ngoài cung cấp thị trường trong nước, sản phẩm ốc gác bếp cũng đã tìm hướng cho thị trường ngoài nước với khoảng 400 kg/tháng doanh thu trên 80 triệu đồng.

Liên kết sản xuất

Theo anh Vinh, thời gian đầu nuôi ốc bươu đen không đạt năng suất, phải kéo dài thời gian nuôi để đạt được trọng lượng theo yêu cầu của khách hàng.

Đúc kết kinh nghiệm từ những lần nuôi, anh Vinh đã có phương pháp nuôi ốc riêng là sử dụng thức ăn tự nhiên như rau, củ,... Không sử dụng các loại thức ăn hỗn hợp dễ phát sinh bệnh.

Trước nhu cầu sử dụng ốc bươu đen ngày càng nhiều, anh quyết định chia sẻ kinh nghiệm và liên kết với nhiều người cùng nuôi ốc bươu đen để đảm bảo sản lượng cung ứng. Đến nay, anh Vinh liên kết khoảng 100 người tham gia sản xuất, cung ứng các sản phẩm ốc thịt và trứng ốc ra thị trường.

Theo anh Vinh, hầu hết người dân thường có thói quen lên liếp trồng vườn nên sẽ tận dụng được diện tích mặt ao. Do đó, nếu nuôi thương phẩm thì mỗi 1.000m2, trung bình mỗi năm thu hoạch được 1 tấn ốc. Thu nhập trung bình khoảng 45 triệu đồng/tấn, lợi nhuận khoảng 35-45%. Đây cũng được xem là mô hình kinh tế hay, phù hợp ở nông thôn.

Theo bà Lê Cẩm Giang (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), gia đình có liên kết và chọn thả nuôi ốc bươu đen của Vinh, “năm 2020 tôi bắt đầu thả nuôi ốc bươu ở 500m2. Nguồn ốc giống do Vinh cung cấp và được bao tiêu với mức giá từ 30.000-40.000 đ/kg, lúc cao điểm gần 55.000 đ/kg, nên tôi mở rộng nuôi thêm 1.500m2, cho lợi nhuận khá”- bà Giang cho biết.

Hiện nay, anh Vinh đang liên kết với nhiều hộ dân tại các tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp, Tiền Giang và Vĩnh Long… Riêng năm 2023, anh Vinh liên kết, chuyển giao kỹ thuật với nhiều hộ dân ở Vĩnh Long, góp phần ổn định đầu vào nguồn sản phẩm, nâng cao thu nhập cho lao động nông nhàn.

“Ốc bươu đen có đầu ra ổn định. Mỗi tháng, chuỗi liên kết của tôi cung cấp sản lượng từ 5-10 tấn ốc thịt, 300-500kg trứng ốc và gần 100.000 ốc giống, thu về lợi nhuận gần 200 triệu đồng”- anh Vinh cho biết thêm.

Hiện nay, cơ sở của anh Nguyễn Phú Vinh mang tên hộ kinh doanh BAVIN Foods chuyên các sản phẩm ốc sạch và ốc gác bếp. Hiện BAVIN Foods cũng đang là thành viên của Hội Doanh nhân TP Vĩnh Long. Theo anh Vinh, anh luôn quan tâm và tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triễn lãm trong và ngoài tỉnh. Qua đó mong muốn mang đến các sản phẩm ốc sạch, đặc sản ốc gác bếp đến với người tiêu dùng.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh