Cơ sở Sản xuất tranh Duy Tân của Hồ Thanh Thảo (ngụ Phường 5, TP Vĩnh Long) đã đoạt giải nhất ý tưởng trong Cuộc thi Ý tưởng và Dự án khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long lần VI, năm 2023.
|
Tranh vẽ các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương trên nền sản phẩm gốm đỏ. |
Cơ sở Sản xuất tranh Duy Tân của Hồ Thanh Thảo (ngụ Phường 5, TP Vĩnh Long) đã đoạt giải nhất ý tưởng trong Cuộc thi Ý tưởng và Dự án khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long lần VI, năm 2023.
Cùng với dự án đoạt giải nhất trong 6 dự án vào VCK ở nhóm dự án, ý tưởng khởi nghiệp này đoạt giải nhất trong 8 ý tưởng khả thi nhất được ban giám khảo chọn vào VCK của cuộc thi năm nay.
Học sư phạm Mỹ thuật tại ĐH Đồng Tháp từ năm 2012, Thanh Thảo có đam mê với vẽ, với tranh từ lúc vào trường. Tốt nghiệp ra trường, cô cử nhân sư phạm mỹ thuật đi dạy vẽ ở cơ sở đào tạo, nuôi niềm đam mê và ấp ủ dự định về tranh lớn dần.
Sau hơn một năm dạy vẽ, Thảo về quê Vĩnh Long bắt đầu khởi nghiệp với ý tưởng làm tranh và khoảng ấy đến nay là 5 năm. Thảo cho biết, Cơ sở Sản xuất tranh Duy Tân ra đời những sản phẩm thân thiện với môi trường, để du khách gần xa biết rõ hơn về nét đẹp văn hóa của quê hương Việt Nam, đặc biệt là Vĩnh Long.
Thảo kể trước đây lúc học ĐH, cũng đã tham gia nhiều cuộc thi khởi nghiệp tại trường. Đó là lần đoạt giải nhất Cuộc thi “Thử thách đầu tư” khi là sinh viên năm 2 trong cuộc thi ý tưởng kinh doanh. Sau đó, tiếp tục tư duy ấy, năm 2016, với tranh xé dán, sản phẩm của Thảo vào VCK Giải thưởng tài năng Lương Văn Can. “Tư duy, ý tưởng khởi nghiệp, kinh doanh từ tranh đã dày lên, lớn dần từ những trải nghiệm đó”- Thảo nhớ lại.
Thảo cho biết sản phẩm tranh mình thực hiện gồm: tranh xé dán, tranh vải vụn, tranh sơn khắc, tranh sơn dầu, đặc biệt là tranh vẽ trên gốm đỏ mang đặc trưng văn hóa và con người Vĩnh Long cùng các sản phẩm thủ công lưu niệm”, với slogan: “Tranh quê hương- tình thương sâu sắc”.
Với tranh xé dán, Thảo ưu tiên vào các chất liệu để làm tranh rất thông thường ai cũng biết. Đó là nguồn nguyên liệu: giấy báo cũ (thu nhặt từ các quán cà phê, cơ quan, nhà hàng), giấy vệ sinh chưa qua sử dụng, vải vụn, gạo rang, màu, cọ vẽ, keo sữa, ván ép, khung tranh, vật dụng tái chế...
|
Tranh xé dán làm từ giấy vệ sinh chưa qua sử dụng và giấy báo cũ. |
Với tranh gốm, Thảo tranh thủ tận dụng nguồn gốm đỏ mang đặc trưng đời sống sản xuất của quê hương mình để “thổi hồn tranh trên nền gốm”. Thảo chia sẻ: “Dự án sẽ cố gắng thực hiện hiệu quả, cho ra sản phẩm tranh trên tinh thần đẹp- độc- lạ, có tính thẩm mỹ, mang đậm nét hồn quê hương đất nước, đặc trưng văn hóa con người địa phương”.
“Sản phẩm thực hiện sẽ kinh doanh chủ yếu phục vụ, gắn với hoạt động du lịch cho tỉnh nhà”- Thảo định hình vậy. Ở đó, Thảo sẽ vẽ dòng tranh có đặc thù phong cảnh, di tích văn hóa, lịch sử, con người, vùng đất Vĩnh Long như: chùa Ông, chùa Bà Thiên Hậu, Văn Thánh Miếu, sông nước miệt vườn, cây trái,...
Với ý tưởng đó, theo Thảo, tại VCK ban giám khảo cuộc thi đánh giá ý tưởng có tính sáng tạo, mang tính đặc thù quê hương Vĩnh Long. Đồng thời lưu ý, nội dung tranh phải phản ánh đời sống sinh hoạt, nét lịch sử, văn hóa, con người tại địa phương.
Sau khi đoạt giải nhất ý tưởng cuộc thi khởi nghiệp hồi tháng 7/2023, Thảo bắt tay vào thực hiện ý tưởng “trên cơ sở sẽ phát triển thành dự án sản xuất tranh, triển khai kinh doanh dự kiến trước Tết Nguyên đán năm 2024”. Về dài hạn, các năm tới có thể mở rộng thị trường và phân phối sản phẩm sang các địa điểm du lịch ở vùng ĐBSCL; mở rộng cơ sở sản xuất, phát triển dòng sản phẩm khắp trong nước và ra thị trường nước ngoài.
Ở khía cạnh xã hội, dự án tranh của Thảo đặt mục tiêu tạo việc làm cho người lao động, sinh viên bao gồm: người dân lao động thất nghiệp (khâu làm giấy); sinh viên chuyên ngành sư phạm mỹ thuật (khâu làm tranh); người làm công việc giao hàng, tạp vụ tại cơ sở sản xuất, người khuyết tật về chân không đi lại được bằng việc tạo ra các sản phẩm thủ công bằng giấy báo cũ, giấy vụn... với mức thu nhập ổn định.
|
Một góc trưng bày các sản phẩm tranh của Thảo tham gia Cuộc thi Ý tưởng và Dự án khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long lần VI, năm 2023. |
“Từ ý tưởng đến đưa vào dự án thực tế làm ra sản phẩm, cho ra thị trường kinh doanh cần phải định vị thương hiệu”- từ lúc học tập, khởi nghiệp và công việc kinh doanh của gia đình hiện tại đã hình thành ở Thảo như vậy.
Thế nên, trong dự định sắp tới, Thảo sẽ hoàn chỉnh lại tên gọi của dự án và định vị: “Xây dựng thương hiệu tranh đa chất liệu thành sản phẩm có giá trị được nhiều khách du lịch biết đến nhất, cụ thể mang nét đặc trưng lịch sử, văn hóa và con người tỉnh Vĩnh Long”- một cách thật sự tâm huyết, cô bạn năm nay sắp 30 tuổi nói.
• Bài, ảnh: MINH THÁI