Các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các địa phương quan tâm, tổ chức thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ tại gia đình, trường học và cộng đồng.
Lớp dạy bơi của thầy Hà Tấn Thạnh và thầy Nguyễn Thành Trung cho trẻ em ở xã An Bình khoảng đầu tháng 6/2023. |
(VLO) Các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các địa phương quan tâm, tổ chức thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ tại gia đình, trường học và cộng đồng.
Cháu Võ Trinh Tuyền (ngụ xã An Bình, huyện Long Hồ) nằm trong số 35 bạn độ tuổi tiểu học, THCS tại xã được cha mẹ, ông bà đưa đến học bơi tại bãi tắm của một cơ sở du lịch ở xã An Bình, hôm 9/6. Tham gia được 6 buổi, cháu kể năm rồi cũng đã học bơi như vậy, đến giờ: “Con đã biết bơi lướt, bơi bướm như thầy dạy và con sẽ tiếp tục học để có thể bơi tốt hơn”.
Mẹ cháu Tuyền, chị Lê Thị Hồng Gấm chia sẻ về con mình cũng như các cháu nhỏ đang học bơi: “Tôi thấy lớp dạy bơi của các thầy rất có lợi cho trẻ ở vùng sông nước, giúp trẻ biết bơi, phòng tránh đuối nước”.
Cũng tham gia lớp, cháu Nguyễn Phước Khánh chuẩn bị lên lớp 4, tự tin rành rọt: “Con học bơi được 2 năm rồi. Thầy dạy cho con và các bạn biết bơi bơi ngửa, bơi lướt được”.
Thầy Hà Tấn Thạnh và thầy Nguyễn Thành Trung là giáo viên dạy thể dục ở Trường Tiểu học An Bình B (xã An Bình), phụ trách những lớp bơi như thế này đã 8 năm qua.
Các giáo viên cho biết, trên địa bàn theo thực tế có hơn 600 em độ tuổi tiểu học, THCS nhưng hơn phân nửa số đó chưa biết bơi, chưa từng xuống nước.
Thầy Thạnh chia sẻ: “Hàng năm các thầy cô, phụ huynh, ngành và chính quyền cơ sở phối hợp tổ chức lớp dạy bơi trong hè, để phổ cập kiến thức, kỹ năng bơi lội cho trẻ.
Chúng tôi giúp cho các em hình thành kỹ năng khi xuống nước thì không sợ nước, biết bơi lội để tự bảo vệ mình; hoặc khi rớt xuống nước đối với đứa trẻ không biết bơi thì thời gian ứng cứu thấp hơn, còn với trẻ có học bơi thì thời gian để can thiệp cao hơn (trẻ có kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước).
Đó là một trong hàng chục lớp dạy bơi (tại hồ bơi, ven sông rạch) được mở trong dịp hè năm nay cho trẻ. Theo Sở Lao động-TB-XH, dịp hè toàn tỉnh đã phối hợp tổ chức 26 lớp dạy bơi cho 730 trẻ em (cấp tỉnh 16 lớp, cấp huyện 5 lớp, các phòng giáo dục và đạo tạo 5 lớp).
Theo BCĐ Bảo vệ chăm sóc trẻ em tỉnh, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 1.642 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có 4 em tử vong (do đuối nước 3 em, do tai nạn giao thông 1 em).
Với tai nạn đuối nước, ngành lao động-TB-XH đã phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan kịp thời đến thăm, động viên, hỗ trợ gia đình có trẻ em tử vong do đuối nước, với tổng số tiền 54 triệu đồng.
Ông Trần Văn Khái- Giám đốc Sở Lao động-TB-XH, cơ quan thường trực BCĐ tỉnh về công tác này, cho biết, ngành phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan tăng cường công tác theo dõi, giám sát, đánh giá kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.
Một học sinh tham gia sinh hoạt kỹ năng sống và háo hức với phần thưởng của mình. |
Củng cố xây dựng mạng lưới cộng tác viên (752 người) thực hiện tuyên truyền, thu thập thông tin tình hình trẻ em bị tai nạn thương tích tại địa phương; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các gia đình trong việc phòng chống tai nạn thương tích trẻ em...
Trong 6 tháng qua, tổng kinh phí thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em toàn tỉnh là hơn 5,4 tỷ đồng (ngân sách địa phương hơn 3,7 tỷ đồng, nguồn vận động xã hội hóa hơn 1,6 tỷ đồng).
Ngành chức năng thực hiện đầy đủ, kịp thời trợ cấp xã hội cho 47 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội và 1.511 trẻ em đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng.
Tương tự, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh vận động được hơn 1,4 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ cho khoảng 1.300 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, trẻ em vùng dân tộc thiểu số để giúp các em giảm bớt khó khăn trong sinh hoạt và học tập.
Các địa phương vận động xã hội hóa trong và ngoài nước hỗ trợ cho 2.265 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, với tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng và 15.480kg gạo.
Theo Sở Lao động-TB-XH, thời gian qua công tác tuyên truyền được các cấp, ngành quan tâm, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của người dân đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống trong hộ gia đình nghèo, cận nghèo, khó khăn được quan tâm hỗ trợ kịp thời; tổ chức tốt việc lồng ghép tập huấn kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục, bạo lực, phòng chống tai nạn thương tích.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin