Xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch của người tiêu dùng ngày càng cao, nhóm sinh viên Trường ĐH Cửu Long đã triển khai thành công ý tưởng khởi nghiệp "Nấm nhà mình" để đón đầu làn sóng "ăn uống healthy" của người Việt.
Xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch của người tiêu dùng ngày càng cao, nhóm sinh viên Trường ĐH Cửu Long đã triển khai thành công ý tưởng khởi nghiệp “Nấm nhà mình” để đón đầu làn sóng “ăn uống healthy” của người Việt.
Thầy Phạm Xuân Phong- giảng viên Khoa Nông nghiệp- Thủy sản, hướng dẫn nhóm thực hiện ý tưởng khởi nghiệp. |
Nhóm thực hiện gồm có 4 thành viên: Lê Thị Diệu My, Trần Thị Nhạc Thi, Võ Văn Hiếu và Teang Bunhing. Ý tưởng “Nấm nhà mình” được nhóm nghiên cứu thực hiện triển khai qua 4 giai đoạn: xây dựng mô hình mẫu, nhân rộng mô hình, lan tỏa và bùng nổ. Trong đó, giai đoạn xây dựng mô hình mẫu là quan trọng nhất.
Trước tiên, các bạn xây dựng khách hàng và chọn loại nấm sẽ trồng (chân dài, bào ngư xám, hoàng đế… Trong đó nấm chân dài là sản phẩm chủ lực). Sau đó, dựa vào số lượng người trồng nấm và diện tích khách đang có, nhóm sẽ tư vấn để chốt số lượng trồng phù hợp. Giao phôi nấm, hướng dẫn cách chăm sóc nấm cho khách và hỗ trợ online khách hàng trong suốt quá trình chăm sóc nấm. Giai đoạn này, lượng khách hàng chủ yếu tập trung ở TP Cần Thơ.
Bạn Trần Thị Nhạc Thi- thành viên nhóm chia sẻ: Dưới sự hướng dẫn của thầy Phạm Xuân Phong- giảng viên Khoa Nông nghiệp- Thủy sản, nhóm chúng em đã triển khai thành công ý tưởng “Nấm nhà mình”. Sau khi các dịch vụ và sản phẩm dần đi vào ổn định, chúng em sẽ mở thêm dịch vụ trồng nấm thuê. Thu hoạch và giao nấm tươi đến tận nhà cho khách hàng.
Với tôn chỉ là “phục vụ để sinh lợi nhuận” mọi chiến lược hoạt động của nhóm đều lấy sự hài lòng của khách hàng làm trọng tâm. Dự kiến, thời gian tới nhóm sẽ đưa 1.000 mẫu thử để chạm được nhóm khách hàng mục tiêu.
Tiếp theo, ý tưởng của các bạn là đầu tư sản xuất thêm đậu hủ và sữa đậu nành để tối ưu hóa chi phí marketing. Bán chéo sản phẩm cho khách hàng để tăng thêm lợi nhuận.
Bạn Lê Thị Kiều My- nhóm trưởng, khẳng định: Với ý tưởng này, chúng em có thể khai thác thêm những khách hàng không ăn được nấm nhưng có thể ăn đậu hủ, sữa đậu nành. Hiện tại, ý tưởng đã triển khai thử nghiệm, có thể sản xuất mỗi ngày 500 phôi nấm, nhà ủ có sức chứa 2.500 phôi, nhà trồng có sức chứa 3.000 phôi. Doanh thu trung bình kỳ vọng đạt 5.000.000 đ/ngày.
Theo kế hoạch, sau khi xây dựng được mô hình mẫu và có được lượng khách hàng ổn định, nhóm sẽ nhân rộng mô hình ý tưởng sang các địa bàn TP Vĩnh Long, TP Long Xuyên và TP Mỹ Tho. Sau đó, nếu thành công sẽ tiếp tục lan tỏa thêm các địa bàn ở các TP Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau, dần tiến vào thị trường TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác… Mục tiêu là trở thành nhà cung cấp thực phẩm giàu đạm nguồn gốc từ nấm và đậu nành, có uy tín cao tại Nam Bộ vào năm 2030.
Bạn Teang Bunhing- lưu học sinh Campuchia, thành viên nhóm, cho biết: Em cùng các bạn trong nhóm tham gia ý tưởng khởi nghiệp “Nấm nhà mình” tại Trường ĐH Cửu Long với mong muốn sau này tốt nghiệp ra trường em sẽ phát triển ý tưởng này tại nước mình.
Thu hoạch nấm. |
Cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch luôn được mọi người quan tâm chọn lựa. Ý tưởng “Nấm nhà mình” của nhóm sinh viên Trường ĐH Cửu Long hy vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích. Ý tưởng này được Ban giám khảo đánh giá cao tính khả thi, lợi ích kinh tế, tính cạnh tranh của sản phẩm. Kết quả, đã đạt giải nhì Cuộc thi Ý tưởng và dự án khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long lần IV, năm 2021.
Bài, ảnh: Nguyễn Văn Dô
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin