Người trẻ lập nghiệp trên mảnh đất quê hương

07:03, 03/03/2022

Bằng ý chí, nghị lực nhiều đoàn viên thanh niên ở huyện Tam Bình nói chung, xã Hòa Hiệp nói riêng đã vượt qua khó khăn thử thách, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Họ không những trở thành triệu phú mà còn tạo động lực cho nhiều thanh niên khác vươn lên phát triển kinh tế.

 

Anh Bùi Văn Tín chăn nuôi dê nhốt chuồng mang lại hiệu quả.
Anh Bùi Văn Tín chăn nuôi dê nhốt chuồng mang lại hiệu quả.

Bằng ý chí, nghị lực nhiều đoàn viên thanh niên ở huyện Tam Bình nói chung, xã Hòa Hiệp nói riêng đã vượt qua khó khăn thử thách, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Họ không những trở thành triệu phú mà còn tạo động lực cho nhiều thanh niên khác vươn lên phát triển kinh tế.

Chàng trai trẻ Bùi Văn Tín (23 tuổi, ở xã Hòa Hiệp) là một trong những điển hình đã quyết tâm làm giàu bằng sức lao động, bằng việc tự học của bản thân, mạnh dạn ứng dụng mô hình làm ăn mới và thành công trên chính mảnh đất quê hương.

Năm 2019, sau khi loay hoay lập nghiệp với nhiều ngành nghề nhưng không thành công, thì anh Bùi Văn Tín chuyển sang nuôi dê thương phẩm. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế thấp.

Song, ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương luôn thôi thúc đoàn viên Bùi Văn Tín tiếp tục học hỏi các mô hình chăn nuôi dê thành công ở nhiều nơi. Sau nhiều đêm trăn trở tìm hướng đi mới, Tín quyết định chọn nuôi dê nhốt chuồng để phát triển kinh tế gia đình. Chuồng trại nuôi dê được làm đơn giản, vật dụng chủ yếu là gỗ tạp, mái lợp lá. Lợi thế lớn nhất khi nuôi dê nhốt chuồng là tận dụng được thức ăn có sẵn trong vườn nhà. Vì dê là loài ăn tạp nên có thể không tốn nhiều chi phí để mua thức ăn.

Trước bộn bề những khó khăn về vốn, kỹ thuật chăn nuôi, cơ sở chuồng trại, thị trường tiêu thụ… nhưng anh Tín luôn được gia đình ủng hộ nên càng thêm quyết tâm. Nghĩ là làm, Bùi Văn Tín quyết chí lập nghiệp dù bước đầu rất khó khăn, vốn liếng trong tay chỉ là 15 con dê khoảng 30 triệu đồng. Đến nay, anh Tín chia sẻ: “Thị trường tiêu thụ dê thịt khá phong phú, nhiều thương lái đến tận nhà để mua”.

Đàn dê của gia đình anh luôn duy trì 25 con dê cái và 35 con dê thịt. Dê xuất chuồng có trọng lượng 25- 35 kg/con, hiện nay dê thịt bán 60- 65 ngàn đồng/kg; dê giống 2- 2,5 triệu đồng/con. Mỗi năm trừ hết chi phí, gia đình anh thu lãi trên 60 triệu đồng.

Nhận thấy mô hình nuôi dê thương phẩm có hiệu quả kinh tế nên một số thanh niên trong xã đã đến học hỏi và làm theo anh Tín. Ở xã Hòa Hiệp hiện có nhiều đoàn viên thanh niên đang tích cực phát triển kinh tế, phát huy lợi thế về chăn nuôi, trồng trọt để làm giàu. Bằng sức trẻ, dám nghĩ dám làm, nhiều thanh niên trong xã còn mở thêm các ngành nghề cơ khí, xây dựng, hay đoàn viên nữ thì phát triển nghề thủ công mỹ nghệ,… để làm giàu cho gia đình và quê hương.

Anh Lê Minh Hiếu- Bí thư Xã Đoàn Hòa Hiệp cho biết: Thời gian qua, bên cạnh công tác phòng chống dịch COVID-19 thì việc phát triển kinh tế trong đoàn viên, thanh niên luôn được Xã Đoàn quan tâm.

Các mô hình làm ăn có hiệu quả được kịp thời nhân rộng, như “đàn dê nghĩa tình” hay các câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế, góp phần tập hợp đoàn viên thanh niên, nhất là các thanh niên mới lập nghiệp vào các tổ chức đoàn, hội, nhiều gương thanh niên vươn lên từ khó khăn, làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình, chung tay cùng địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Mô hình hiệu quả cùng với nguồn vốn hỗ trợ kịp thời đã giúp nhiều thanh niên trong huyện có nguồn thu nhập ổn định ngay chính trên mảnh đất quê hương, hạn chế tình trạng thanh niên bỏ quê đi làm ăn xa.

Toàn huyện Tam Bình có hơn 10 mô hình về làm kinh tế có hiệu quả. Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều bạn còn linh hoạt vừa tham gia tốt công tác phòng chống dịch vừa phát triển sản xuất, được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Huyện Đoàn Tam Bình tuyên dương, khen thưởng.

Bí thư Huyện Đoàn Tam Bình Nguyễn Thành Luân, cho biết: Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện Đoàn Tam Bình cùng với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện đã giúp cho nhiều đoàn viên thanh niên nhân rộng các mô hình thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi, đặc biệt là các mô hình nuôi dê, nuôi bò, nuôi lươn, nuôi gà thả vườn lót đệm sinh học, trồng màu,…

Những mô hình này rất hiệu quả, giúp phát triển kinh tế trong đoàn viên thanh niên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cố gắng phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn và phối hợp với các ngành để chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, Tam Bình ngày càng có nhiều đoàn viên- thanh niên có ý chí, khát vọng với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đặc biệt, nhiều mô hình phát triển kinh tế của thanh niên đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, giúp nhiều bạn trẻ có điều kiện giao lưu, học hỏi để cùng nhau phát triển kinh tế.

Hàng năm, Huyện Đoàn đã hỗ trợ giúp đỡ cho trên 20 đoàn viên thanh niên yếu thế, thanh niên nghèo vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế. Qua đó động viên tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, củng cố tinh thần lập thân, lập nghiệp, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Bài, ảnh: KHÁNH AN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh