Tuổi trẻ Đồng bằng sông Tiền sáng tạo khởi nghiệp

02:12, 04/12/2021

Tận dụng tài nguyên sẵn có và ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, tuổi trẻ Đồng bằng sông Tiền đã mạnh dạn sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo khởi nghiệp. Qua đó, không chỉ khẳng định bản thân mà các bạn còn góp sức tham gia xây dựng quê hương.

 

 

Anh Nguyễn Trường Ái (bìa trái) giới thiệu về sản phẩm trà bồ công anh.
Anh Nguyễn Trường Ái (bìa trái) giới thiệu về sản phẩm trà bồ công anh.

Tận dụng tài nguyên sẵn có và ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, tuổi trẻ Đồng bằng sông Tiền đã mạnh dạn sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo khởi nghiệp. Qua đó, không chỉ khẳng định bản thân mà các bạn còn góp sức tham gia xây dựng quê hương.

Khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa

Khởi nghiệp không chỉ là con đường chinh phục ước mơ của thanh niên mà còn là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương. Bỏ lại công việc nơi phố thị trở về quê khởi nghiệp hợp tác xã (HTX) nông nghiệp với mô hình nuôi trùn quế sản xuất phân hữu cơ, sản xuất gạo sạch và kết hợp nuôi tôm đạt chuẩn hữu cơ, anh Trầm Minh Thuần (tỉnh Trà Vinh) đã gặp không ít thử thách, khó khăn.

Theo anh, lúc đầu người thân không mấy ủng hộ vì thấy không lạc quan. Người dân thì dè chừng vì sợ anh không đủ đam mê với ruộng đồng sẽ bỏ giữa chừng. Tuy nhiên, anh vẫn cố gắng làm việc, không ngừng sáng tạo tìm ra hướng đi để nông dân không còn gặp điệp khúc mất mùa, mất giá…

Với quyết tâm ấy mà HTX Nông nghiệp Long Hiệp ra đời vào tháng 8/2018 với hơn 50 thành viên, nay tăng trên 70 thành viên. Anh làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX.

3 năm qua, không chỉ dày công xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ “Hạt Ngọc Rồng” và đưa sản phẩm có mặt tại nhiều tỉnh thành, trên các sàn thương mại điện tử mà HTX còn cung cấp tư liệu sản xuất, bao tiêu sản phẩm và tạo điều kiện cho các hộ nghèo có việc làm. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, HTX còn cấp gạo cho các tổ chức thiện nguyện, đảm bảo nguồn hàng cho các kênh bán hàng trực tuyến…

Doanh thu HTX tăng theo từng năm, đời sống của các thành viên và nhiều gia đình khó khăn trên địa bàn đã được cải thiện; thương hiệu “Hạt Ngọc Rồng” được chứng nhận sản phẩm đạt 4 sao OCOP… Đó chính là thành quả bước đầu mà anh đã đạt được. “Tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để đồng hành cùng nông dân làm giàu trên đất quê nhà”- anh chia sẻ.

Với chị Ngô Ngọc Anh (tỉnh Đồng Tháp), từ lúc ngồi trên giảng đường ĐH, chị đã thấy mình cần có trách nhiệm quảng bá về cây sen quê hương mình. Rồi trong một lần thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về chuỗi giá trị sen Đồng Tháp cùng các bạn ở trường, chị nhận ra nếu có thể tận dụng hết nguồn phế phẩm từ vỏ gương và vỏ hạt sen vào chế biến thì sẽ mang lại nhiều giá trị kinh tế hơn cho nông dân. Đây cũng là nền tảng giúp chị nảy sinh ý tưởng sản xuất nhang sạch.

Sau khi tốt nghiệp ĐH, chị đầu quân cho một công ty khởi nghiệp ở TP Hồ Chí Minh để trau dồi thêm kinh nghiệm. Hơn 1 năm làm việc, chị về quê phát triển dự án nhang sen sạch mà bản thân ấp ủ. Cuối năm 2018, sản phẩm nhang sen sạch Liên Tâm chính thức ra mắt.

“Ưu điểm nổi bật của sản phẩm này là được sản xuất 100% nguyên liệu tự nhiên từ sen, không sử dụng hóa chất nên khi thắp lên ít khói sẽ hạn chế việc cay mắt. Vì thế, sản phẩm chiếm được thiện cảm của hơn 1.000 khách hàng”- chị phấn khởi nói.

Nhạy bén, sáng tạo

Với quyết tâm khởi nghiệp cùng sự sáng tạo, anh Bùi Thành Được- Chủ cơ sở sản xuất ống hút cỏ bàng Miền Tây Xanh (tỉnh Long An) đã quyết định từ bỏ công việc làm thiết kế để bắt đầu bằng một ý tưởng mới.

Anh cho biết: Ngày ấy, tình cờ đi qua cánh đồng cỏ bàng ở huyện Đức Hòa, anh tò mò nên đã vào hỏi thử, cũng từ đó mà ý tưởng làm ống hút cỏ bàng bắt đầu hình thành và thôi thúc anh không ngừng nỗ lực. Những ngày đầu, khó khăn chồng chất khó khăn khiến đôi lúc anh muốn buông xuôi vì xung quanh không có một ai làm hậu phương. Chưa kể, anh lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng lại hạn hẹp kiến thức về lĩnh vực kinh doanh mới lạ này.

Nhưng ông trời không phụ lòng người, hiện sản phẩm ống hút cỏ bàng của anh đã có mặt tại các nhà hàng, khách sạn, chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Không chỉ vậy, sản phẩm này đã tạo được lòng tin của người tiêu dùng, các đối tác trong nước và bước đầu tiếp cận những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ...

Nhạy bén nắm bắt nhu cầu sử dụng sản phẩm từ thảo dược, cây cỏ thiên nhiên để chăm sóc sức khỏe của người dân, anh Nguyễn Trường Ái (xã Phú Đức, Long Hồ) đã quyết định khởi nghiệp từ sản xuất trà bồ công anh túi lọc.

Anh kể lại: Ban đầu, được người bạn cho vài cây bồ công anh, anh trồng lấy lá ăn như rau sống. Trong lúc ăn, cảm nhận lá bồ công anh có vị nhẫn nhẫn, nhưng nhai một lúc có vị ngọt nên anh hái lá phơi khô, xay ra làm trà uống thử thì có vị rất ngon và mát. Thấy thế, anh mới bắt đầu lên Internet tìm hiểu thì phát hiện cây bồ công anh có thể dùng làm trà vì nhiều lợi ích cho sức khỏe như làm mát gan, lợi mật, hỗ trợ hạ đường huyết, điều trị tiểu đường… Thế là từ đó, anh bắt tay vào thử nghiệm sản xuất cây giống và làm trà túi lọc.

Sau khi tự sản xuất thành công, anh nhân rộng ra 50m2 đất vườn để trồng loại cây này. Theo anh, bồ công anh dễ trồng, dễ chăm sóc. Sản xuất trà cũng đơn giản, chỉ cần hái lá rửa sạch, phơi, sấy cho thật khô để bảo quản được lâu, xay nhuyễn và đóng gói túi lọc. Sản phẩm trà túi lọc này hoàn toàn tự nhiên không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào nên được Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất và mua bán…

Anh cho biết: “Sản phẩm trà túi lọc này đã được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Hiện vừa bán trà với cây giống, tôi thu nhập từ 25- 30 triệu đồng/tháng”.

Chị Nguyễn Thị Uyên Trang- Bí thư Tỉnh Đoàn Tiền Giang (Cụm trưởng Cụm thi đua Đồng bằng sông Tiền) đánh giá cao các ý tưởng, dự án, mô hình sáng tạo, khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên. Đồng thời, mong muốn các bạn trẻ tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, nghiên cứu, sáng tạo để có thêm nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo hiệu quả để mang lại thu nhập cho gia đình, giải quyết việc làm cho lao động và góp phần tham gia phát triển kinh tế địa phương.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh