Từng mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, chị Bùi Thị Kim Ngân (32 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vượt qua bạo bệnh dành thời gian "hồi sinh" quần jeans cũ thành những tác phẩm có một không hai.
Chị Ngân vừa hoàn thành một chiếc túi hộp được khách đặt theo yêu cầu (Ảnh: Hoài Trang). |
Từng mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, chị Bùi Thị Kim Ngân (32 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vượt qua bạo bệnh dành thời gian "hồi sinh" quần jeans cũ thành những tác phẩm có một không hai.
Trong căn phòng nhỏ rộng chừng 25m2, chị Ngân đang tất bật với công việc kéo dài vòng đời cho những chiếc quần jean cũ. Đặt chiếc quần jeans bạc màu xuống nền nhà, người phụ nữ bắt đầu đo rồi cẩn thận cắt may. Đôi tay thuần thục đưa từng đường kéo, sau ít phút chiếc quần jeans cũ đã biến thành nhiều phần vải khác nhau.
Qua bàn tay khéo léo, những ví, túi xách, balo, thậm chí cả đôi bông tai, tạp dề... đều được chị Ngân "đổi đời" từ quần jeans cũ.
Chị Ngân nói, trước khi bén duyên với công việc tái chế đồ cũ, chị từng mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn. Lúc đó, tiểu cầu máu của chị rất thấp, sáng nào ngủ dậy chị cũng bị chảy máu chân răng, thậm chí ngủ cũng chảy ra gối.
Sau thời gian nằm viện, chị bị tăng cân khiến thân hình thay đổi, hay mất ngủ, nhiều lần chị khóc thầm và nghĩ đến cái chết. May mắn, gia đình luôn sát bên và động viên chị vượt qua bạo bệnh.
Cách đây 8 năm, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành điện tử viễn thông, chị Ngân vào làm tại một công ty ở Hà Nội, ngày làm việc 8 tiếng. Thời gian rảnh, chị nhận làm túi thủ công tại nhà.
"Lúc đầu mình chỉ tính làm cho vui và tặng người thân, không ngờ sản phẩm tạo được hiệu ứng tốt, ai cũng khen. Mình liền nảy ra ý tưởng thu gom quần áo cũ đổi lấy túi tái chế, trước mắt kiếm nguồn vật liệu ổn định để sáng tạo nhiều sản phẩm hơn", chị Ngân cho hay.
Sau đó, chị Ngân quyết định nghỉ công việc hiện tại bước rẽ sang công việc chẳng hề liên quan tới ngành học, nhưng công việc này đem lại cho chị cảm giác vui vẻ mỗi ngày. Chị nói, ai cũng quan niệm làm văn phòng sẽ nhàn hạ, nhưng với chị thì quả thật rất nhàm chán và lãng phí thời gian.
Thay vào đó, chị tìm cho mình một công việc tại nhà để làm chủ công việc và làm những gì bản thân thích.
"Chúng ta chỉ sống một lần thôi, tại sao mình không sống ý nghĩa hơn. Ít ra mình cũng biết bản thân đang sống vì điều gì, làm được chút gì đó cho cuộc đời này, để khi mình chết đi thì những sản phẩm mình đã làm, thương hiệu mình xây dựng bao năm qua vẫn ở lại với mọi người", chị Ngân bày tỏ.
Những ngày đầu, chị nhận thiết kế túi móc từ sợi, sản xuất túi vải lụa đặt theo yêu cầu, kết hợp làm thêm quần jeans cũ với mong muốn tận dụng triệt để các vật liệu thừa. Sau đó, chị đưa ra chương trình đổi 6 chiếc quần cũ lấy một chiếc túi nhỏ. Đồ nào còn dùng được chị mang cho hoặc đi làm từ thiện. Những chiếc còn lại, chị Ngân tỉ mẩn ngồi may thành món đồ handmade trao đổi hoặc tặng cho mọi người.
Thời gian đầu những sản phẩm tái chế chưa mang lại thu nhập ổn định cho chị, thậm chí khi chị chia sẻ rộng rãi tới cộng đồng, bằng cách đổi đồ cũ lấy sản phẩm tái chế, còn bị mỉa mai là "tào lao". Nhưng vượt qua những lời dị nghị, chị Ngân khiến nhiều người ngỡ ngàng khi sản phẩm handmade của chị "ra đời".
Đến năm 2019, khi thành phẩm tái chế từ jeans cũ được mọi người đón nhận, chị Ngân bắt đầu sản xuất thương mại. Tuy nhiên, khác với những sản phẩm được cắt may từ vải, da mới, làm túi tái chế thủ công tốn rất nhiều thời gian.
"Vải jeans là chất liệu chính mình dùng để tái chế. Bởi, đây là loại vải bền, chống chịu tốt, có họa tiết ấn tượng. Mỗi khi nhận quần cũ, mình sẽ phân loại, ngồi lên ý tưởng, sau đó tạo from phù hợp với từng chiếc quần. Những chi tiết đặc trưng như túi quần, đai quần, cạp quần... sẽ được biến hóa thành điểm nhấn cho túi xách" chị Ngân cho biết.
Dù, không qua trường lớp thiết kế, hay đào tạo bài bản, công việc làm đồ handmade đến với chị Ngân đều là bản năng. Từ chiếc máy may mini đến nay căn xưởng nhỏ của chị đã có nhiều máy móc và thợ thủ công để cùng chị kéo dài vòng đời cho đồ jeans cũ.
"Chưa bao giờ mình nghĩ bản thân sẽ gắn bó với công việc này, lại có một ngã rẽ kỳ lạ như vậy trong cuộc đời. Có những người đi đường thẳng đến ước mơ nhưng cũng có những người như mình phải đi đường vòng rồi mới chạm tới được", chị Ngân nói.
Đồ jeans cũ được chị Ngân giặt ủi sạch sẽ, mỗi chiếc quần jeans sẽ được chị tận dụng các điểm nhấn để tạo khuôn mẫu. Thông thường, chị sử dụng luôn khuy, nút trên quần làm phụ kiện, tiết kiệm nguyên liệu.
Để sản phẩm thêm phần độc đáo, chị thêu thêm hoa, chữ, hay bất kỳ hình ảnh nào khách hàng yêu cầu. Sản phẩm được làm thủ công, vì vậy chị Ngân luôn dành trọn tâm huyết để "thổi hồn" và khiến chúng trở nên "độc bản" mang đậm dấu ấn cá nhân.
"Mình hạnh phúc khi những chiếc quần cũ tưởng chừng như hết công năng lại có thể trở thành một sản phẩm handmade được nhiều người nâng niu, yêu thích. Thế nên, mình không làm sản phẩm với số lượng nhiều, chủ yếu làm theo hàng đặt. Nếu sản xuất số lượng lớn, công việc tái chế sẽ không còn ý nghĩa", chị tâm sự.
Cứ vài tháng, chị Ngân lại "hô biến" ra một bộ sưu tập mới từ đồ thêu, đồ đính cúc, họa tiết vintage hay thêu tên những cuốn sách trên túi… Chính niềm say mê sáng tạo đã giúp chị tạo ra những chiếc túi có một không hai trên thị trường.
Trung bình mỗi ngày, chị Ngân có thể sản xuất một chiếc túi từ quần jeans cũ. Có những chiếc túi phải ghép nhiều mảnh từ những chiếc quần khác nhau. Với những mẫu khó, đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo có thể mất 2 đến 3 ngày tùy vào yêu cầu của từng khách hàng. Mỗi tháng, xưởng của chị Ngân bán được 20 - 25 sản phẩm, với giá dao động từ 100.000 - 650.000 đồng.
Bên cạnh đó, chị Ngân còn mở các buổi workshop chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ có cùng sở thích. Thời gian tới, chị mong muốn tổ chức thêm nhiều buổi chia sẻ kỹ năng, để mô hình sản xuất túi tái chế ngày càng được nhân rộng, góp phần lan tỏa hành động bảo vệ môi trường.
Mọi người đều không ngờ chiếc quần bò cũ nát, nhàu nhĩ lại biến thành những chiếc túi thời thượng, sang chảnh. Ở trong nước, chị Ngân mở hai điểm bán cho khách hàng đến xem và mua trực tiếp tại Hà Nội và TP.HCM. Thời gian dịch bệnh, các gian hàng buộc phải đóng cửa phòng dịch, chị thương mại bằng cách lập page "Tái chế quần jeans" trên mạng xã hội để phục vụ thị hiếu của khách hàng.
Chị Ngân tận dụng những chi tiết đẹp của đồ cũ làm điểm nhấn cho đồ mới (Ảnh: Hoài Trang). |
"Qua từng sản phẩm tái chế, dù là thứ bỏ đi nhưng khi biết tận dụng lợi thế, thay đổi diện mạo thì chúng sẽ trở nên đặc biệt. Con người hay đồ vật cũng vậy chỉ cần được đặt đúng vị trí sẽ tỏa sáng đúng thời điểm.
Hiện tại, mình vẫn đang tiếp tục phát triển sản phẩm túi jeans tái chế ra nước ngoài cũng như bán cho các kênh hàng thủ công. Thời gian tới, mình hy vọng sẽ có nhiều điểm bán hàng thủ công hơn nữa, đặc biệt là các khu du lịch trên toàn quốc", chị Kim Ngân tâm tình.
Theo Hoài Trang (Báo Dân Trí)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin