Thất bại, thua lỗ hàng chục triệu đồng với mô hình nuôi dúi, chàng nông dân 9X Nguyễn Văn Thức, (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã mày mò nuôi chim trĩ. Từ 25 con chim trĩ, chỉ sau một năm đàn chim của anh đã tăng lên 500 con. Hiện mỗi tháng, anh Thức thu về 10 triệu đồng từ việc bán thịt, trứng và giống chim trĩ.
Từ 25 con chim khởi nghiệp, chỉ sau một năm đàn chim trĩ của anh Thức đã tăng lên 500 con. Trong đó, có 200 con sinh sản, 300 con bán thịt thương phẩm. |
Thất bại, thua lỗ hàng chục triệu đồng với mô hình nuôi dúi, chàng nông dân 9X Nguyễn Văn Thức, (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã mày mò nuôi chim trĩ. Từ 25 con chim trĩ, chỉ sau một năm đàn chim của anh đã tăng lên 500 con. Hiện mỗi tháng, anh Thức thu về 10 triệu đồng từ việc bán thịt, trứng và giống chim trĩ.
Chàng nông dân Nguyễn Duy Thức (SN 1993, trú tại thôn Tiên Sơn, xã Tân Sơn, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) là một trong số ít thanh niên trẻ dám nuôi những vật nuôi mới, lạ.
Tám năm trước, anh đã mạnh dạn bắt tay làm giàu từ mô hình nuôi dúi, nhưng ngay mô hình đầu tiên anh đã "mất trắng" hàng chục triệu đồng.
Thất bại từ việc nuôi dúi, số vốn khởi nghiệp cũng đã cạn, anh đành bươn chải khắp các tỉnh, thành phố phía Nam tìm việc làm.
Trong một lần tình cờ vào Vũng Tàu, những con chim trĩ đa sắc màu đã lọt vào tầm ngắm của anh. Nhìn giống chim khá sặc sỡ và được giới thiệu dễ nuôi nên Thức bắt đầu tìm hiểu.
Khi thấy nhiều người thành công với mô hình nuôi chim trĩ, anh càng quyết tâm tìm hiểu sâu hơn về loài chim vốn có nguồn gốc hoang dã này.
Đến đầu 2019, chàng trai trẻ vào tận Vũng Tàu để mua 5 con chim trĩ làm giống (3 con chim mái, 2 con chim trống).
Mấy tháng sau, chim trĩ đến thời kỳ sinh sản nhưng ngặt nỗi tỉ lệ trứng ấp nở được rất thấp, nên anh tiếp tục mua thêm 20 con, trong đó 14 con mái và 6 con trống.
Nhớ lại những ngày gian nan, anh Thức kể: "Những ngày đầu khi mới bắt chim trĩ về, việc chăm sóc rất vất vả vì thời tiết thì lạnh mà chim lại đúng dịp thay lông. Chật vật làm đủ cách nhưng vẫn không hiệu quả, nhưng may chim không chết...".
Và rồi sau khi tham khảo kinh nghiệm của các hộ nuôi trước, anh Thức đã chặt lá dừa ủ và dùng lá chuối khô lót nền làm ổ giúp đàn chim trĩ vượt qua đợt gió lạnh...
Ngày đó, để nhân giống đàn chim trĩ của mình anh Thức đã dày công tìm hiểu đầu tư mua máy ấp trứng công nghiệp với giá hơn 7 triệu đồng.
Dù đã có máy ấp trứng nhưng tỉ lệ trứng nở vẫn rất thấp, nhiều lúc còn bị hỏng toàn bộ.
Bỏ máy ấp ở nhà, anh Thức đã đưa trứng đến những xưởng ấp trứng chất lượng cao. Sau khi trứng nở, anh đưa những đàn chim con về nhà, thả vào chuồng kín, có nhiệt độ khoảng 40 độ C.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi chim trĩ, anh Thức hướng dẫn: "Trước khi bắt chim giống về, đầu tiên chuồng trại phải thoáng mát, bao bọc kỹ lưới bảo vệ và đảm bảo không gian đủ rộng để chim bay nhảy. Thứ hai, cần chăm sóc kỹ chim non dưới một tháng tuổi, đây là khâu rất quan trọng. Đặc biệt, thời kỳ chim sinh sản phải bổ sung đủ chất, đúng thời gian, tỉ lệ trứng nở mới đạt...".
Theo anh Thức, nếu chăm sóc tốt, chim mẹ có thể đẻ vài chục trứng trong một chu kỳ. Chim trĩ cũng khá dễ nuôi, chỉ cần chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ vì loài chim này có một số bệnh như: bệnh tụ huyết trùng, phân trắng, đau mắt…Vì vậy, người nuôi phải thường xuyên dọn vệ sinh chuồng trại là được...
Được biết, hiện nay chim trĩ bán thịt có giá từ 240.000 - 250.000 đồng/kg. Chim trĩ đạt khoảng 4 tháng tuổi có thể xuất chuồng.
Con trống nặng khoảng 1,6kg, con mái nặng 1,2 - 1,4kg. Bên cạnh việc nuôi chim trĩ để bán thịt thương phẩm, anh Thức còn bán trứng chim trĩ và chim trĩ giống.
Một con chim trống đạt trọng lượng trên 1,6kg |
Một cặp chim trĩ sinh sản sẽ có giá từ 700.000 - 800.000 đồng, còn trứng chim trĩ để ăn có giá 60.000 đồng/chục trứng.
Chim trĩ giống một ngày tuổi có giá 12.000 - 20.000 đồng/con. Phần lớn, thị trường tiêu thụ chi trĩ nhiều nhất tại các nhà hàng, quán ăn ở trong tỉnh Gia Lai và cả ngoài tỉnh như Kon Tum, Đắk Lắk…
Với 25 con chim trĩ ngày đầu khởi nghiệp, chỉ sau 1 năm đàn chim trĩ của anh đã tăng lên 500 con. Hiện hàng tháng anh Thức thu về khoảng 10 triệu đồng từ việc bán chim trĩ thịt,chim trĩ giống và trứng chim trĩ, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
"Thời gian tới, mình sẽ mở rộng mô hình chim trĩ, chăn nuôi với số lượng lớn chim trĩ bảy màu để bán làm cảnh cho những người yêu thích nuôi và sưu tầm những loài chim cảnh. Đồng thời để đảm bảo nguồn đầu ra, mình sẽ liên kết những hộ dân trong vùng kết hợp nuôi chim trĩ nhằm xây dựng vùng nguyên liệu rộng lớn", anh Thức dự định.
Theo Trần Hiền (Báo Dân Việt)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin