Anh Nguyễn Thành Thượng- Phó Trưởng Khoa Y Dược, Bí thư Chi bộ 6- Đảng bộ Trường CĐ Vĩnh Long gọi hơn 60 thư mục trong máy tính lưu lại kỷ niệm về những chuyến đi dọc dài khám phá đất nước là một "gia tài", mà đặc biệt nhất, trong đó có một nửa "gia tài" là những điểm đến "theo chân Bác".
Thượng thường mang theo áo Đoàn, áo hình quốc kỳ và khăn rằn để lưu lại khoảnh khắc ở những góc trời tổ quốc. |
Sinh thời, Bác Hồ có nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người luôn luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi việc. Không có lĩnh vực nào mà tác dụng nêu gương lại quan trọng bằng lĩnh vực đạo đức.
Anh Nguyễn Thành Thượng- Phó Trưởng Khoa Y Dược, Bí thư Chi bộ 6- Đảng bộ Trường CĐ Vĩnh Long gọi hơn 60 thư mục trong máy tính lưu lại kỷ niệm về những chuyến đi dọc dài khám phá đất nước là một “gia tài”, mà đặc biệt nhất, trong đó có một nửa “gia tài” là những điểm đến “theo chân Bác”.
Mỗi hành trình khám phá, chiêm nghiệm là một lần anh được truyền cảm hứng về lãnh tụ, về một tình yêu lớn với tổ quốc. Và khi trở về, anh từng ngày, từng ngày chia sẻ “gia tài”- truyền cảm hứng và những bài học ấy cho người thân, bạn bè, cho học trò.
Nhiệt huyết cán bộ đoàn- dẫn lối theo chân Bác
Tuổi trẻ nhiệt huyết, gần như anh Nguyễn Thành Thượng đã đặt chân lên khắp các tỉnh- thành cả nước. Là cán bộ Đoàn, thấm nhuần lý tưởng, đạo đức của Bác nên anh Thượng tìm đọc nhiều sách viết về Bác và có dịp đến một vài địa chỉ đỏ. “Mỗi điểm đến đều cho mình một cảm nhận đặc biệt, thôi thúc mình “đến địa điểm này, lại muốn đến thêm điểm khác, nhất là các nơi lưu dấu Bác”- Thượng bộc bạch.
Đến năm 2015, khi đọc bộ sách của tác giả Đỗ Hoàng Linh viết về các giai đoạn cuộc đời Bác, Thượng càng “khao khát mãnh liệt” được đến tận những nơi lưu dấu Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dừng chân, sống và làm việc. Quyển sách “Thời niên thiếu khép lại”, Thượng háo hức “xách ba lô” đi Nghệ An.
Từ làng Hoàng Trù quê ngoại, làng Kim Liên quê nội của Bác, anh xúc động với những bài học giản dị được viết nên từ sự hy sinh thầm lặng và tình cảm sâu nặng của Bác và các thành viên trong gia đình với quê hương. “Tôi cứ nhớ mãi lời của chị thuyết minh viên trong ngôi nhà ba gian lưu dấu tuổi thơ của Bác, kể về lá thư Bác gửi cho dòng tộc, vì việc nước, không thể về chịu tang cha”.
Việc hiểu thêm về Bác qua những câu chuyện kể trong sách báo, kết hợp đi thực tế càng khiến anh Thượng thêm cảm phục và yêu kính Bác. Hành trình “theo chân Bác” với Thượng vì thế trở thành niềm đam mê bất tận- cứ thôi thúc nối đuôi nhau nối dài, tiếp diễn.
Theo đó, khi đọc xong quyển “Người đi tìm hình của nước- giai đoạn 1911- 1930”, Thượng tìm đến làng Dương Nỗ (Huế), đến Trường Dục Thanh (Phan Thiết), ngược ra chiến khu Việt Bắc: ATK Định Hóa (Thái Nguyên), đình Tân Trào (Tuyên Quang)…
Chuyến hành trình đã kết thúc mấy năm nhưng khi nhắc lại, Thượng vẫn còn rưng rưng: “Vượt đường xa, chạm tay vào Cột mốc 108 ở Cao Bằng, chúng tôi không ngăn được dòng xúc cảm dâng trào bởi đây là cột mốc chủ quyền đầu tiên sau mấy mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước ở nước ngoài trở về, Bác đã ôm hôn cột mốc”. Ngay ở khoảnh khắc chạm tay vào cột mốc này “tôi cảm thấy tình yêu đất nước trong lòng mình càng lớn thêm hơn”- Thượng giãi bày.
Rồi vào hang Pác Pó, thấy hang rất tối với tấm ván gỗ thô sơ làm giường. Bên bờ suối, bàn đá chông chênh là nơi làm việc… Anh Thượng thấm thía và trăn trở: “Trong điều kiện gian khó, thế hệ ông cha đi trước vẫn hi sinh tất cả để đóng góp, cống hiến cho đất nước. Vậy tại sao thế hệ trẻ sống trong hòa bình lại chưa cống hiến hết tâm sức cho quê hương, đất nước?”
Thượng lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ của hành trình “theo chân Bác”. |
Càng đi- càng thấy như được truyền cảm hứng, Thượng tiếp tục về di tích K9 Đá Chông và cũng không bỏ qua hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh trên khắp cả nước: Bảo tàng ở Bình Thuận, Pleiku, TP Hồ Chí Minh… Bên cạnh, anh còn tìm hiểu thêm quyển “Những đền thờ của Bác ở Nam Bộ”.
Từ Trà Vinh, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau, anh Thượng cảm nhận rằng, dù Bác chưa một lần đặt chân đến những mảnh đất này nhưng tình cảm, sự tin yêu và tấm lòng của người dân luôn hướng về Bác. Anh kể: “Khi được trò chuyện với một cô bán quán nước trước đền thờ Bác ở Bạc Liêu, cô nói người dân đến đây viếng Bác đông lắm. Dù ở đâu, bà con vẫn hướng về cội nguồn, ghi nhớ công ơn của Bác suốt đời vì nước, vì dân”.
Lan tỏa tinh thần học tập và làm theo Bác
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giữ vai trò Bí thư Chi đoàn Khoa Y học cổ truyền- ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, anh Thượng 3 năm liền được tuyên dương “Blouse trắng làm theo lời Bác”. Khi về giảng dạy ở Trường Trung cấp Y tế, 5 năm liền anh cũng được vinh danh là thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.
“Những bài học kết nối từ các chuyến đi thực tế, tìm hiểu và cảm nhận giúp bản thân nhận thức sâu sắc nhiều điều cần học Bác” và Thượng đã đúc rút: “về phong cách làm việc, dù trong điều kiện gian khổ, khắc nghiệt nhưng Người vẫn có nghị lực phi thường. Học ở Bác nhiều đức tính, ở đời sống giản dị, gần dân, vì lợi ích nhân dân, yêu thương mọi người và luôn đặt lợi ích tập thể lên trên”. Từ đó, phấn đấu nhiều hơn. Rồi khi gặp gỡ người thân, bạn bè hay đi dạy cho học trò, mình cũng truyền cảm hứng đó”.
Theo đó, bên cạnh việc làm tốt công tác chuyên môn, anh còn là người truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh về việc học tập và làm theo Bác: “Sau mỗi chuyến đi theo chân Bác, nếu về mà mình chỉ im lặng, giữ riêng cho mình thì ý nghĩa chuyến đi vơi đi một nửa. Tôi chọn thời điểm thích hợp từ lúc họp chi bộ, hay giờ giảng dạy trên lớp, hay trò chuyện với bạn bè… Mỗi lúc có cơ hội sẽ kể những chuyến đi một chút. Chuyển tải đúng nơi, đúng lúc, đúng thời điểm và đúng đối tượng”.
Em Nguyễn Thị Thùy Dung- Sinh viên Khoa Y Dược (Trường CĐ Vĩnh Long), cho biết: Thỉnh thoảng sau giờ dạy còn ít thời gian, thầy Thượng cho tụi em xem hình những di tích của Bác Hồ. Thầy đố vui tấm hình đó ở tỉnh nào, rồi cho tụi em thời gian tìm hiểu và cuối cùng rút ra một bài học ở Bác. Nếu nói suông thì rất khó để hiểu, những hình ảnh trực quan của thầy rất gần gũi, và có lần thầy cùng tụi em đi đền thờ của Bác ở Trà Vinh. Những bài học tích góp từng ngày giúp em thêm biết ơn thế hệ đi trước và sống có trách nhiệm hơn”.
Thượng góp nhặt hình ảnh các hiện vật trong hành trình theo chân Bác. |
Anh Kim Ngọc Thân- nguyên Bí thư Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh cho biết, Nguyễn Thành Thượng có nhiều thâm niên trong công tác Đoàn. Mặc dù công việc chuyên môn nhiều nhưng việc triển khai công tác Đoàn ở đơn vị rất hiệu quả, có nhiều mô hình hay; đặc biệt đối với phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh tham gia các hành trình về nguồn của Đoàn, Thượng còn có những chuyến đi tự thân theo chân Bác, đến những địa chỉ đỏ. Những chuyến đi không chỉ giúp ích cho bản thân, mà còn truyền cảm hứng, là một tấm gương sáng cho các bạn trẻ.
Sẽ còn đi nữa! Thượng cho biết thế. Bởi, với anh, đi để tiếp tục làm giàu “tài sản vô giá” và chia sẻ tài sản đó cho người thân, bạn bè và cho học trò. Thật hay khi đó là tài sản càng chia sẻ nhiều thì càng đầy thêm và nhân lên!
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin