Chuyện khởi nghiệp của cô chủ 9x

Cập nhật, 14:16, Thứ Năm, 09/09/2021 (GMT+7)

 

Dù nhiều gian nan vất vả nhưng với quyết tâm khởi nghiệp mà cô chủ trẻ nay đã gặt hái thành công.
Dù nhiều gian nan vất vả nhưng với quyết tâm khởi nghiệp mà cô chủ trẻ nay đã gặt hái thành công.

Hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học giữa chừng để làm thuê nhưng nhờ nhạy bén, khởi nghiệp đúng hướng mà chị Chung Thị Mỹ Phương (xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn) đã trở thành chủ trang trại lươn với lợi nhuận hơn nửa tỷ đồng/năm.

Quyết tâm vượt khó

Hoàn cảnh khó khăn nên mới học năm thứ nhất Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ, chị Chung Thị Mỹ Phương phải nghỉ học đi làm phụ giúp gia đình. Ban đầu chị làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh nhưng được hơn năm thì về Cần Thơ xin làm phục vụ quán vì “nghe nhỏ bạn học nông nghiệp ĐH Cần Thơ kể chuyện nuôi lươn nên về gần bạn để tiện học nghề”. Theo bạn riết rồi chị mê lươn luôn lúc nào cũng không hay. Rồi chị bắt đầu tìm đến các trang trại ở Bến Tre, Hậu Giang để học cách làm ao nuôi, phòng bệnh và chăm sóc lươn thương phẩm, lươn giống...

Đến năm 2018, chị quyết định về quê khởi nghiệp từ nuôi lươn không bùn bằng số vốn 30 triệu đồng tích lũy sau hơn 2 năm làm công của mình. Chị cho biết, do chưa có kinh nghiệm thực tế lại thêm cha mẹ không mấy ủng hộ vì sợ con gái không quen làm nông nên lúc đầu bản thân cũng hơi lo lo. Nhưng với ý chí tự lập cùng quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, chị mạnh dạn xin 12m2 đất nhà làm bể và bắt đầu nuôi 4.000 con lươn thương phẩm.

Chị tâm sự, hành trình từ giai đoạn nuôi thử nghiệm cho đến lúc thành công đã trải qua nhiều gian nan, vất vả nhưng chị không hề nản chí. Đó là lúc chị nuôi đợt đầu tiên không đạt hiệu quả. Đến đợt thứ hai, tiền bán lươn chỉ được nửa số vốn ban đầu. Cho đến đợt thứ ba mới mang lại năng suất, chất lượng hơn…

Rồi trong quá trình sản xuất, nhận thấy nguồn giống bên ngoài chưa đảm bảo chất lượng, chị đã mạnh dạn lấn sân qua ương con giống để chủ động tự cung cho mô hình vừa cung cấp lươn giống nhân tạo cho người dân có nhu cầu. Thế nhưng nói thì dễ nhưng khi bắt tay trực tiếp vào làm mới thấy được những khó khăn, thử thách. Vì từ lúc chọn nuôi lươn bố mẹ đến khâu canh đẻ trứng, ấp trứng… phải chịu khó nghiên cứu, hiểu rõ đặc tính từng giai đoạn sinh trưởng để có cách chăm sóc thích hợp thì mới mong hiệu quả được.

Theo chị, nuôi lươn đòi hỏi phải tỉ mỉ, kiên trì, nhẫn nại và hơn hết là biết áp dụng khoa học kỹ thuật mới thành công. Đặc tính của lươn là thích sạch sẽ nên mỗi ngày phải thay nước sáng, chiều để đảm bảo vệ sinh. Đối với lươn bố mẹ phải chọn con khỏe mạnh, không bị xây xát và nuôi trong môi trường gần như tự nhiên để lươn sinh sản. Còn lươn con sau khi nở cho vào bể ương chăm sóc. Muốn con giống mau lớn, đạt chất lượng, giai đoạn đầu nên cho ăn trùn quế, sau đó là thức ăn công nghiệp phù hợp… Và “qua thời gian ăn, ngủ cùng với lươn tôi đã có không ít bí quyết để phát triển mô hình”- chị cười tươi cho biết.

Liên kết cùng phát triển

Từ kinh nghiệm mà mình có được, chị Phương mở rộng diện tích nuôi lươn thương phẩm và lươn giống lên 500m2 rồi đến 2.000m2. Không ngại nắng mưa, bùn đất, hàng ngày, chị lặn lội kiểm tra mực nước, thức ăn, canh lươn đẻ trứng, chăm sóc lươn con thật kỹ lưỡng. Đi cùng với đó là tìm tòi cách làm mới để nâng cao giá trị kinh tế mô hình.

Tận dụng diện tích còn lại của gia đình, chị nuôi thêm trùn quế và trùn chỉ để vừa tạo nguồn thức ăn sạch, dinh dưỡng cho lươn ăn vừa tiết kiệm chi phí lại tăng thêm nguồn thu nhập. Mặt khác, chị còn liên kết tìm nguồn thức ăn cung ứng cho người dân có nhu cầu…

Nhờ “mát tay” mà con giống của trang trại luôn đạt chất lượng, tỷ lệ hao hụt thấp. Cộng với cô chủ trẻ nhiệt tình, có tâm, làm ăn uy tín mà hiện tại các đơn đặt lươn giống của khách đã kín lịch đến cuối năm. Khách hàng không chỉ ở địa phương mà còn có cả các tỉnh miền Trung và miền Bắc hay các bạn đoàn viên, thanh niên, hễ có nhu cầu tư vấn về kỹ thuật làm ao, cách nuôi lươn chị đều không ngần ngại chia sẻ “sạch ruột” kinh nghiệm của mình. Nào là khi nuôi lươn không bùn, việc đầu tiên là chọn con giống tốt, khỏe.

Chị Mỹ Phương không ngại vất vả, tay lắm chân bùn để canh trứng, thu trứng lươn.
Chị Mỹ Phương không ngại vất vả, tay lắm chân bùn để canh trứng, thu trứng lươn.

Khi đem giống về nuôi phải tập cho lươn quen dần với môi trường nhân tạo bằng cách bơm nước vừa phải và thay nước thường xuyên, pha thuốc chống sốc, trị bệnh đường ruột vào thức ăn cho lươn có sức đề kháng tốt. Nào là phải giữ vệ sinh nguồn nước, làm thêm chùm dây ny lông để lươn có chỗ trú ẩn. Rồi lươn nuôi phải được chăm sóc, theo dõi hàng ngày. Sau 9 tháng, lươn thương phẩm cỡ 3 con/kg là đạt, còn lươn giống thì 1- 2 tháng là có thể xuất bán...

Đến nay, sau gần 4 năm khởi nghiệp, chị đã trở thành cô chủ của Trại Lươn giống 97 với lợi nhuận từ 500- 600 triệu đồng/năm. Khi nghe hỏi về thành quả hiện tại của mình, chị tự tin nói: “Lúc đầu không nghĩ rằng mình sẽ trở thành nông dân thực thụ như thế này và cũng không nghĩ chặng đường mình đi cuối cùng cũng có điểm đến. Không cần đi đâu xa, chỉ cần mình nhạy bén và có đủ quyết tâm thì ngay tại đất quê nhà cũng có thể khởi nghiệp thành công rồi”.

Mô hình nuôi lươn thương phẩm, lươn giống của cô chủ trẻ 9X không những tạo nguồn thu nhập hiệu quả cho gia đình mà còn khích lệ tinh thần ham học hỏi, đam mê khởi nghiệp cho các bạn trẻ và mở ra hướng đi mới góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Anh Cao Nguyễn Nguyên Khanh- Bí thư Xã Đoàn Vĩnh Xuân- cho biết: “Thực hiện phong trào thanh niên khởi nghiệp thời gian qua trên địa bàn xã đã có nhiều thanh niên dám nghĩ, dám làm, luôn bền chí vượt khó để đi đến thành công. Và Mỹ Phương là điển hình như thế. Từ mô hình hiệu quả này, chúng tôi sẽ giới thiệu cho đoàn viên, thanh niên và nông dân địa phương để cùng nhau vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ