Hơn 40 lần hiến máu, có đến trên 30 lần hiến máu trong tình trạng khẩn cấp để cứu người bệnh thiếu máu, tiểu cầu rơi vào tình trạng nguy kịch.
Hơn 40 lần hiến máu, có đến trên 30 lần hiến máu trong tình trạng khẩn cấp để cứu người bệnh thiếu máu, tiểu cầu rơi vào tình trạng nguy kịch.
Anh Mỹ, con người nhẹ nhàng, đôn hậu - Ảnh: TRẦN MAI |
Có sức khỏe thì mình nên cho đi để giúp bệnh nhân trong lúc khó khăn nhất và bản thân cũng nhận lại niềm vui. Tôi mong có sức khỏe để được hiến máu, tiểu cầu, góp một phần bé nhỏ trong việc cứu chữa bệnh trong nhiều năm nữa- Anh PHẠM PHÚ MỸ
Anh Phạm Phú Mỹ (42 tuổi, phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi), người mang trong mình nhóm máu hiếm AB, cả chục năm qua ngoài hiến máu, anh lặng lẽ đến các vùng đất khó, nơi những đứa trẻ của buôn làng người Cor, H’rê, Cadong cần sự sẻ chia và yêu thương...
Hơn 40 lần hiến máu, có đến trên 30 lần hiến máu trong tình trạng khẩn cấp để cứu người bệnh thiếu máu, tiểu cầu rơi vào tình trạng nguy kịch.
Anh Mỹ máu hiếm
"Anh ơi, giúp em với", cuộc điện thoại với lời cầu cứu khẩn thiết cách đây 3 tuần của người chồng, người cha vẫn còn nằm nguyên trong trí nhớ của anh Mỹ. "Lúc đó khoảng 10h trưa, tôi đang ở yên trong nhà để phòng dịch. Nghe thiếu máu toàn phần mà trong lúc sinh nở nên lo lắm. Tôi chạy thẳng đến bệnh viện làm thủ tục hiến máu", anh Mỹ kể.
Anh Mỹ bảo rằng anh tâm niệm "hiến máu như cứu hỏa" nên nhanh chóng cho đi 4 đơn vị máu (tương đương 1,2 lít máu).
Ca mổ lúc này đã sẵn sàng, anh Mỹ hỏi y bác sĩ 4 đơn vị máu này đã đủ chưa. Các bác sĩ cho biết vẫn chưa đủ đối với tình trạng của sản phụ.
Anh Mỹ trầm tư, khi nghĩ đến hơn 200 thành viên trong ngân hàng máu sống chỉ 6 người có nhóm máu AB. Sáu người ấy cũng vừa hiến máu cách đây chưa lâu. Trong nỗi lo, anh bỗng nhớ đến vợ mình cũng có nhóm máu AB.
"Tôi gọi điện cho vợ, bảo cô ấy đến cho máu. Nói thật là cũng lo bởi sức khỏe vợ không được tốt như tôi, nhiều lần đi hiến nhưng không đáp ứng. Nhưng hôm ấy, trời thương thế nào sức khỏe vợ tôi đạt yêu cầu và cô ấy cho thêm 1 đơn vị máu nữa", anh Mỹ kể.
Niềm vui lớn nhất giữa mùa dịch của anh Mỹ khi bác sĩ thông báo mẹ tròn con vuông, nhờ lượng máu vợ chồng anh cho mà ca mổ thành công tốt đẹp. Anh cũng thở phào, bởi giữa mùa dịch việc chuyển viện khó khăn, nguy hiểm sẽ tăng thêm với người nhận máu.
Điều anh lo lắng nhất lúc này là hiến đến 4 đơn vị máu 1 lần, anh phải nghỉ 3 tháng. Trong thời gian này, chẳng may có ca cấp cứu nào cần máu hay tiểu cầu AB thì anh chẳng giúp được.
"Cho máu AB thì anh em cùng nhóm hỗ trợ được. Chứ cho tiểu cầu mới cực, không phải ai cũng đủ sức khỏe để cho, mà tiểu cầu cũng không bảo quản trong thời gian lâu được", anh Mỹ trải lòng.
Trong hiến máu, anh Mỹ trở thành một hình ảnh đẹp và cảm hứng cho nhiều người. Chính anh đã góp phần thay đổi nỗi lo rằng hiến máu sẽ khiến cơ thể yếu đi trong suy nghĩ của nhiều người.
Các y bác sĩ cũng quen hình ảnh 1, 2 giờ sáng, anh Mỹ lọ mọ lên viện khi có ca cấp cứu cần máu, tiểu cầu AB. Thậm chí mùng 5 Tết Nguyên đán 2021, khi đang sum vầy bên gia đình, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ngãi liên hệ nhờ anh hiến tiểu cầu cấp cứu cho bệnh nhi.
Thế là anh Mỹ trở thành người "khai máu và khai máy" ở bệnh viện khi là người đầu tiên trong năm mới hiến tiểu cầu trên chiếc máy bệnh viện vừa nhập về.
"Điện thoại tôi lúc nào cũng để chuông lớn, để khuya tối gì ai gọi lại nghe. Mình không kịp nghe, đôi khi lại ảnh hưởng đến tính mạng người khác", anh cười hiền lành.
Một con người đôn hậu
Trong ký ức của chúng tôi, hình ảnh của anh Mỹ không chỉ ở nhiều lần hiến máu. Anh còn là một người đôn hậu giấu phía sau khuôn mặt khá bặm trợn.
Chẳng thể nhớ hết bao nhiêu lần vào dịp cuối năm, trung thu, khai giảng... bắt gặp anh cùng bạn bè đi tiền tạm ở những bản làng xa xôi tại Quảng Ngãi. Những chuyến đi thực tế ấy mang về hình ảnh, clip quý báu để nhóm thiện nguyện "Facebook Quảng Ngãi" bỏ tiền và quyên góp từ các nhà hảo tâm thực hiện các chuyến đi sau đó.
Hình ảnh anh Mỹ vác gạo, bê thùng sách vở lội rừng đến các bản làng, hay tỉ mỉ làm khối đồ chơi, lồng đèn... cho trẻ con miền núi luôn hiện diện trong tâm trí chúng tôi. Anh bảo rằng sau khi làm những việc ấy, thấy lòng mình vui hơn.
Mỗi lần lướt điện thoại xem ảnh ký ức đẹp lại hiện về. Điều ấy nuôi dưỡng tâm hồn anh và ảnh hưởng luôn đến việc dạy con và nề nếp của gia đình.
Anh Mỹ nói: "Điều tôi hạnh phúc nhất là vợ và các con tôi đều sống sẻ chia và yêu thương. Năm sau con trai tôi đủ 18 tuổi, cháu cũng sẽ đi hiến máu như ba mẹ. Tôi vẫn tin những điều tốt đẹp hiện diện quanh mình".
Trong đợt dịch bùng phát mạnh ở phía Nam, anh Mỹ đã tham gia góp tiền, công sức cùng những tấm lòng trong nhóm làm từng hũ thịt, chở từng trái bí, bó rau vào tiếp tế cho miền Nam ruột thịt.
Anh Mỹ bảo rằng ở miền Nam anh có rất nhiều bạn bè, và anh cũng không quên những nhà hảo tâm anh chưa biết mặt đã tin tưởng góp tiền, quà cho nhóm thực hiện những việc làm nghĩa tình cho đồng bào thiểu số ở vùng cao Quảng Ngãi.
Những tấm lòng của miền Nam dành cho Quảng Ngãi từ bão lũ đến "Tiếp sức đến trường" chưa bao giờ nhận lời cảm ơn từ nhóm. Với anh Mỹ, những lòng tốt ấy có lẽ cũng chẳng cần lời cảm ơn nào. Cách cảm ơn tốt nhất là lúc này, các anh có những phần quà tiếp tế cho người khó khăn đang vật lộn với dịch bệnh ở miền Nam.
Trở lại cuộc sống thường nhật, anh Mỹ vẫn vui vẻ với vườn bonsai, lan của mình. Anh cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng trôi đi. Thỉnh thoảng, anh lại cùng bạn bè ghé đến cô nhi viện Phú Hòa thăm bọn trẻ, tặng chúng sữa, bánh.
Hỏi thăm các sơ (nữ tu) về tình hình của cô nhi viện, cần gì anh lại giúp để các cháu có cuộc sống tốt hơn. Một con người đôn hậu, nhẹ nhàng, anh Mỹ hài lòng với cuộc sống mình đang chọn...
Nguồn máu, tiểu cầu quý giá
Bác sĩ Huỳnh Thị Thuận, trưởng khoa huyết học truyền máu Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, cho biết: "Hiến tiểu cầu đối với nhóm máu hiếm AB rất khó. Đôi khi chọn vài trăm người mới được vài người đủ tiêu chuẩn về cân nặng và các chỉ số y khoa khác để cấp cứu cho bệnh nhân.
Anh Mỹ nói riêng và những người có nhóm máu hiếm AB sẵn sàng cho đi thật sự rất đáng trân quý. Cảm ơn anh đã luôn sẻ chia sự sống cho những bệnh nhân nguy kịch. Điều đó cũng tiếp thêm niềm tin và hy vọng cho y bác sĩ trong công việc".
Năm 2019 anh Mỹ được chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng bằng khen vì nghĩa cử hiến máu, tiểu cầu cứu người ròng rã nhiều năm qua.
Theo Trần Mai (Báo Tuổi Trẻ)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin