"Mở đường" cho sinh viên khởi nghiệp

08:05, 13/05/2021

Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp trong sinh viên (SV) ngày càng lan tỏa và tạo nên sinh khí mới, sân chơi mới cho SV rèn luyện. Tuy nhiên, SV cần "con đường rộng hơn" để khởi nghiệp và đây không chỉ là phong trào, ý tưởng mà trở thành hiện thực.

Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp trong sinh viên (SV) ngày càng lan tỏa và tạo nên sinh khí mới, sân chơi mới cho SV rèn luyện. Tuy nhiên, SV cần “con đường rộng hơn” để khởi nghiệp và đây không chỉ là phong trào, ý tưởng mà trở thành hiện thực.

Nhiều sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đạt giải thưởng tại các cuộc thi khởi nghiệp.
Nhiều sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đạt giải thưởng tại các cuộc thi khởi nghiệp.

Phong trào cho sinh viên sáng tạo

Đoàn thanh niên, Hội SV các trường ĐH đã tham mưu, đề xuất thành lập CLB khởi nghiệp, mô hình sáng tạo trong đoàn viên SV. Đây là nơi để các bạn cùng nhau chia sẻ, nghiên cứu thực hiện các ý tưởng, dự án trong lĩnh vực khởi nghiệp.

Tại Trường ĐH Cửu Long, 31 SV đang được hưởng lợi từ dự án khởi nghiệp của Đoàn thanh niên và Hội SV trường- căng tin khởi nghiệp và nhà xe khởi nghiệp. Anh Phan Ngọc Diễn- phụ trách quản lý 2 mô hình trên- cho biết: “Các em SV khó khăn ở các tỉnh được chúng tôi chọn tham gia và hỗ trợ”.

Nhóm căng tin gồm 15 người, nhóm nhà xe SV khởi nghiệp 16 người. Trong nhóm sẽ phân công thành các mảng công việc: quản lý chung, kế toán, xếp lịch trực, quản lý phiếu, quản lý cơ sở vật chất- vệ sinh, mua sắm,… Các nhóm tự lập kế hoạch làm việc, tự lên menu món ăn hàng ngày, tự đi chợ, tự chế biến, tự chi trả lương và tự phân công lịch trực...

Các nhóm tự chịu trách nhiệm với ban quản lý về công việc được giao. Ban quản lý chịu trách nhiệm trước Ban Giám hiệu. Lợi nhuận được chi trả lương cho nhân viên và nộp một phần phí cho trường để duy trì cơ sở vật chất. “Thu nhập từ 3,5- 4 triệu đồng/tháng/ SV. Ngoài ra, Căng tin Khởi nghiệp còn là nơi các nhóm SV sinh hoạt, trao đổi, chia sẻ về nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp,....”- anh Diễn cho biết.

Đặc biệt, SV Lào được tham gia để va chạm thực tế và tăng cường khả năng giao tiếp, luyện thêm kỹ năng nói tiếng Việt Nam. Anh Diễn cho xem thực đơn dự kiến ngày mai của căng tin do bạn NiSa viết. Anh nói: “Nhờ vậy mà các em SV Lào nói và viết tốt hơn”. Đối với những SV khác cũng được tham gia đúng chuyên ngành, sở trường. Nhờ đó mô hình không chỉ cho các em thu nhập để hỗ trợ việc học mà còn tăng vốn sống và kiến thức liên quan.

Anh Đặng Hải Đăng- Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- cho biết, “vườn ươm khởi nghiệp” của trường được thành lập từ năm 2018 từ đó khuyến khích, hỗ trợ những ý tưởng, dự án khởi nghiệp của SV nhà trường ngày một nhiều hơn. Nhiều sản phẩm mới lạ, ý tưởng hay thân thiện môi trường ra đời.

Chỉ tính riêng năm 2020, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long có 1 dự án và 6 ý tưởng tham gia cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long năm 2020 và được vào vòng chung kết. Đáng chú ý, ý tưởng “sản phẩm nước rau diếp cá bổ sung húng quê đóng chai” của SV Phạm Thị Kim Quyên đạt giải nhất ý tưởng và ý tưởng “chiết xuất tinh dầu thiên nhiên từ vỏ bưởi làm dưỡng chất kích thích mọc tóc” là ý tưởng được chọn để đầu tư.

Anh Lê Trần Khánh Phương- Chủ nhiệm CLB SV nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp, Trường ĐH Xây dựng Miền Tây- cho rằng: “Phong trào khởi nghiệp trong những năm qua tại Trường ĐH Xây dựng Miền Tây đã có nhiều chuyển biến mới mẻ cả về chất lượng lẫn số lượng”.

Đáp lại sự kỳ vọng của Trường ĐH Xây dựng Miền Tây, những dự án: “Nhà lưỡng cư thích ứng biến đổi khí hậu khu vực ĐBSCL” đạt giải nhì cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp”- CiC 2018; SV Nguyễn Thị Hồng Cúc và SV Lê Minh Hải với dự án “Kinh doanh dịch vụ tổng hợp về cây cảnh mini”; dự án “Sản xuất sản phẩm từ dược liệu đinh lăng” của SV Nguyễn Thị Hồng Cúc; dự án “Kinh doanh cây không khí” và “Phát triển dịch vụ tổng hợp cây cảnh mini” của SV Lê Phương Thảo và SV Lê Minh Hải;…

Cần nhiều phía “mở đường”

Ở góc độ ban giám hiệu, PGS.TS. Lê Hồng Kỳ- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- cho biết: “Chúng tôi hỗ trợ SV kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc, tạo sân chơi và cơ hội cho các em hoạt động. SV của trường thường khởi nghiệp thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường của riêng bản thân các em hoặc tham gia nhóm nghiên cứu với giảng viên.

Tuy nhiên, PGS.TS. Lê Hồng Kỳ cũng băn khoăn vì khởi nghiệp hiện nay còn dừng lại ở mức độ hưởng ứng phong trào và chưa nhận được sự đầu tư thích hợp để phát triển. SV cũng như nhiều người khởi nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức liên quan. “Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đang xúc tiến thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp để biến những ý tưởng của SV thành sản phẩm tiếp cận thị trường”- ông cho biết.

Tạm hài lòng với những thành quả hiện tại tuy nhiên, anh Lê Trần Khánh Phương cho rằng “khởi nghiệp trong SV vẫn còn non yếu”. Khó khăn lớn nhất của các bạn khi khởi nghiệp “đầu tiên là tiền đâu” vì chưa có sự hỗ trợ cho dự án phát triển.

Cười thật tươi bên cạnh những hình ảnh giới thiệu về dự án mới của mình, Lê Minh Hải- SV năm 4 ngành Kỹ thuật xây dựng- đang chuẩn bị “triển” ý tưởng mới về “The MTU Coffee và chuỗi giá trị”. Hải được biết đến là “anh chàng bán bún” với quán bún đậu mắm tôm SV và hiện nay em đang ấp ủ những ý tưởng mới.

Quán bún đậu của sinh viên Lê Minh Hải.
Quán bún đậu của sinh viên Lê Minh Hải.

Vậy là từ những ý tưởng, dự án nho nhỏ đến nay Hải đã là chủ của những quán bún đậu và sắp tới là xe cà phê thân thiện môi trường với ly giấy, ống hút giấy và quai xách lục bình. Hải cũng đã sẵn sàng các ý tưởng cho bức tranh tường để khách mua có thể “check in” trong lúc chờ lấy cà phê. Hải cho rằng: “Ngoài nước uống ngon, rõ nguồn gốc, tốt cho sức khỏe, em còn mong muốn mọi người hiểu được chuỗi giá trị sau đó là bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa”.

Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệm của bản thân, Hải cho rằng lẽ đương nhiên, người khởi nghiệp cần sự hỗ trợ của ban ngành về cơ chế, chính sách thông thoáng hơn, ưu tiên hơn cho khởi nghiệp và tiếp cận đầu tư dễ hơn. Tuy nhiên “các bạn cũng cần tự thân vận động, tự mở rộng đường cho mình bằng cách tự học hỏi”.

PGS.TS. Lê Hồng Kỳ nhấn mạnh: “Dù tham gia hình thức nào thì các em cũng được sự ủng hộ, hỗ trợ từ giảng viên. Mục tiêu của chúng tôi là cho ra những SV mới, những người có thể tự tạo việc làm cho mình và cho mọi người”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh