Khởi nghiệp từ sâu thẳm đam mê

06:05, 27/05/2021

Dù chúng ta có đang đi trên con đường nào, đang tìm kiếm hoặc đang hài lòng với hiện tại, thì mọi con đường lập nghiệp đều không bao giờ bằng phẳng một cách ngẫu nhiên. Những trả giá cho thất bại để nắm bắt cơ hội thành công, là một sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự tìm kiếm cơ hội trong xã hội và ngay trong sự phát hiện nội tại chính mình.

(VLO) Dù chúng ta có đang đi trên con đường nào, đang tìm kiếm hoặc đang hài lòng với hiện tại, thì mọi con đường lập nghiệp đều không bao giờ bằng phẳng một cách ngẫu nhiên. Những trả giá cho thất bại để nắm bắt cơ hội thành công, là một sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự tìm kiếm cơ hội trong xã hội và ngay trong sự phát hiện nội tại chính mình.

Nguyễn Duy đang cân chỉnh lại cây guitar.
Nguyễn Duy đang cân chỉnh lại cây guitar.

Câu chuyện lập nghiệp của “ông chủ trẻ” cửa hàng nhạc cụ Duy Sơn Ca Acoustis (đường Phạm Thái Bường, Phường 4- TP Vĩnh Long) có gì đó lan man dàn trải qua nhiều cung bậc cuộc đời; nhưng bước đầu thành công là “sự trở về cho một cuộc ra đi mới”.

Không chỉ đơn thuần là người “bán đàn”, mà anh trao những giấc mơ, nối dài tình yêu âm nhạc đến với mọi người.

Ngỡ như cuộc chơi tình cờ

Nguyễn Duy (Duy Sơn Ca) sinh năm 1987, theo học kiến trúc 1 năm, nhận ra không phù hợp nên bỏ ngang, đi học ở Trường CĐ Nghề Du lịch Vũng Tàu. “2 năm học du lịch và khoảng thời gian đi làm trong ngành du lịch đã giúp tôi rất nhiều để trở thành con người hôm nay.

Tôi được rèn kỹ năng sống: bán hàng, giao tiếp, nắm bắt tâm lý và nhất là rèn luyện ngoại ngữ”- Duy chia sẻ.

Cảm thấy thích thú với nghề du lịch và đó cũng chính là nghề mà ba mẹ của Duy đã gắn bó từ thời du lịch Vĩnh Long thuở “sơ khai”.

Vậy mà nghề vẫn không giữ chân anh được, hình như vẫn còn cái gì đó ở phía trước, cái gì đó lẩn khuất bên trong mà chưa nắm bắt được, nó như cuộc truy vấn, tìm kiếm trong chính bản thân mình hơn là cuộc truy tìm, mưu sinh từ cơ hội ngoài xã hội.

Do đó, mà những câu chuyện “cóc nhảy” đủ nghề, cho đến làm tiếp thị… nó như những cuộc rong chơi chưa nghiêm túc.

Để rồi có một sự đẩy đưa Duy đến khoảng thời gian ngắn ngủi lang thang giữa đô thị Sài Gòn, có một thứ âm thanh mộc mạc, dịu dàng, có vẻ bình dân nhưng vô cùng cá tính và mở ra không gian cho sự sáng tạo thăng hoa, đó chính là dòng nhạc Acoustis đang nở rộ khắp các quán nhỏ, vệ đường, góc phố bình yên nào đó.

Đó là khoảnh khắc “đứng lại” tạo nên cái mốc cuộc đời của Nguyễn Duy, khơi nguồn của một nguồn năng lượng, niềm đam mê bản ngã còn lẩn khuất đâu đó trong sâu thẳm cuộc đời mình.

Hơn 7 năm trước, nhạc Acoustis xuất hiện ở TP Vĩnh Long, chính là từ chàng trai trẻ lang thang chán chường như thể “tôi đi tìm tôi”, rồi tạo nên một phong trào âm nhạc lạ, một sân chơi mới mẻ, tinh khôi, sang trọng trong vẻ ngoài thô mộc bình dân.

Đương nhiên, nó cuốn hút nhiều tầng lớp yêu thích âm nhạc, nhất là trong giới trẻ học sinh, sinh viên. Ngỡ như cuộc chơi tình cờ, nhưng mọi thứ đều có nguyên do của nó.

Có những con đường lập nghiệp thành công nhưng chưa hẳn là hạnh phúc; có những con người hạnh phúc với niềm đam mê nhưng chưa chắc đã hài lòng trong cuộc sống.

Sự cân bằng giữa mưu sinh cơm áo gạo tiền vừa thỏa khát khao đam mê bản thân, có thể tạm gọi là phước duyên, may mắn của một đời người. Nguyễn Duy có lẽ là một trường hợp như thế.

Một ông chủ bán đàn… không giống bất kỳ ai, không xem cây đàn là một cuộc trao đổi mua bán đơn thuần.

Mà mỗi cuộc giao dịch có trách nhiệm của người bán, có sự tận tụy chân thành của người thợ chỉnh sửa hoàn chỉnh, có sự thẩm âm tinh tế của đôi tai nghệ sĩ, tất cả gửi gắm trong một cây đàn bán đi như trao gửi một “đứa con tinh thần” thực sự.

Cho nên có thể bạn đi tìm khắp xứ này, chỉ có ở Duy Sơn Ca Acoustis là bán đàn với lời cam kết bảo hành 1 năm và bảo trì trọn đời.

Người dẫn dắt cuộc chơi

Nhóm nhạc G-band của Nguyễn Duy ra đời, từ cái quán cà phê Sơn Ca anh mở tại nhà, tất cả bàn ghế đều tự tay làm từ gỗ thông mua trên Sài Gòn; đã tạo nên mô hình “chơi và nghe” dòng nhạc Acoustis đầu tiên ở Vĩnh Long.

Duy nhớ lại những ngày đầu tiên ấy: “Những bạn trẻ lúc bấy giờ rất thích thú, bắc ghế ngồi đầy trước quán say sưa theo những bài nhạc. Từ đây, mở rộng ra nhóm nhạc ban đầu đến xin diễn ở những quán cà phê khác không tính phí, sau đó có những buổi diễn đầu tiên chỉ có 200.000đ với 6-7 anh em…”.

Nhóm G-band ra đời một cách ngẫu nhiên khi Duy lên Facebook tìm những người cùng yêu thích nhạc Acoustic, nhiều bạn chủ động liên hệ và gắn bó với mình.

Việc bán đàn cũng ngẫu nhiên khi có người bạn thấy mình biết chơi đàn nên nhờ mua giúp một cây guitar.

Sau đó nhiều người từ Trà Ôn, Vũng Liêm, Cái Bè, Bến Tre… cũng tìm đến mình mua đàn. Những phản hồi tích cực, những lời giới thiệu của bạn bè yêu đàn là động lực để anh theo đuổi nghề này.

Khi đặt hàng đàn ở TP Hồ Chí Minh về, Duy lên dây đánh thử, cân chỉnh, có khi phải tháo tung ra chỉnh sửa lại rồi mới mang ra bán.

Nói nghe đơn giản, nhưng nó đòi hỏi cái tâm, tình yêu với cây đàn và đặc biệt có năng lực thẩm âm đặc biệt để lắng nghe và phát hiện ra những khuyết tật để biến một sản phẩm là cây đàn trở thành một tác phẩm nhạc cụ hoàn thiện nhất có thể.

“Nhớ lại từ năm học lớp 8, mẹ đã cho tôi theo học đàn ở thầy cô Trung tâm Văn hóa tỉnh những bước căn bản đầu tiên. Mãi đến sau này khi yêu thích đàn, tôi mới tự học từ mạng xã hội.

Có bữa tôi ngồi suốt đêm lên Youtube mày mò học đàn, sửa đàn. Công việc này cũng giống như một “bác sĩ”, tìm được những căn bệnh, chữa nó và dần dần có tay nghề”- Duy chân tình chia sẻ.

Chỉ những trang mạng xã hội từ nước ngoài họ mới có sự công tâm khi phân tích, so sánh những ưu khuyết điểm giữa các hiệu đàn, giữa các dòng đàn với nhau, điều này đòi hỏi vốn ngoại ngữ nhất định.

Đó là lý do nhiều kiến thức tích lũy được của “nghệ sĩ- bác sĩ” đàn Nguyễn Duy, giúp anh tự tin và tận tâm với mỗi nhạc cụ trao cho khách hàng.

Nhóm nhạc G-band của Nguyễn Duy với dòng nhạc Acoustis.
Nhóm nhạc G-band của Nguyễn Duy với dòng nhạc Acoustis.

Bước vào bên trong cửa hàng là một thế giới nhạc cụ, treo đầy các loại guitar từ vài trăm ngàn đến vài triệu bạc, cũng có những cây có giá trên dưới hàng trăm triệu bạc, đầy đủ các phụ kiện, máy móc để sửa chữa đàn, gắn bộ khuếch âm…

Theo anh Duy, bán đàn cũng có thời vụ, thường đắt hàng vào sau tết, hoặc các tháng hè. Đối tượng mua đàn cũng đa dạng từ các bác trung niên, người về hưu có thời gian rảnh rỗi giờ quay lại với giấc mơ dang dở của thời tuổi trẻ, các em học sinh, phụ huynh, thầy cô dạy đàn… Đàn trở thành quà tặng, công cụ mưu sinh của những người bán dạo…

Ở tiệm đàn, Duy còn tạo việc làm cho Hưng- sinh viên năm 2 Khoa Cơ khí Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, bạn Đạt- dân quân ở Phường 2.

Các bạn cũng là thành viên ban nhạc và được tạo thêm nguồn thu nhập riêng từ khoản bán đàn online… Duy cũng là người soạn giáo trình, dạy các bạn học sinh đủ các cấp học đàn mỗi buổi tối.

Trải qua nhiều va vấp cuộc đời, Duy nhận thấy cần phải cân bằng giữa một tâm hồn nghệ sĩ và công việc kinh doanh. Kinh doanh giúp mình kiên nhẫn, chịu khó hơn, học cách công nhận người khác, giảm cái tôi lại…

Trong “ông chủ trẻ” Duy Sơn Ca, có phẩm chất của người thợ chỉnh đàn, có trình độ của người thầy dạy đàn, năng lực thẩm âm của người hòa âm phối khí và tâm hồn nghệ sĩ có bản lĩnh dẫn dắt nhóm G-band nuôi dưỡng tình yêu với dòng nhạc Acoustis.

Tất cả mang lại cho anh sự cân bằng giữa công việc kinh doanh, vừa thỏa niềm đam mê; đồng thời tạo nên dòng chảy âm thầm, nuôi dưỡng và ươm mầm những giấc mơ âm nhạc tương lai.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh