Khơi nguồn ý tưởng khởi nghiệp

05:04, 15/04/2021

Vòng bán kết Cuộc thi khởi nghiệp lần 2, năm 2021 đi qua đã có nhiều điểm sáng và ý tưởng hay có thể phát triển sản phẩm sau khi cuộc thi kết thúc.

Vòng bán kết Cuộc thi khởi nghiệp lần 2, năm 2021 đi qua đã có nhiều điểm sáng và ý tưởng hay có thể phát triển sản phẩm sau khi cuộc thi kết thúc.

Nhiều dự án, ý tưởng hay khả năng phát triển thành sản phẩm tại cuộc thị khởi nghiệp.
Nhiều dự án, ý tưởng hay khả năng phát triển thành sản phẩm tại cuộc thị khởi nghiệp.

Sân chơi bổ ích

Cuộc thi khởi nghiệp lần 2, năm 2021 đã tiếp nối thành công của cuộc thi lần thứ nhất, là sân chơi bổ ích đã mang đến cho ý tưởng khởi nghiệp có cơ hội được nâng cao năng lực, biến các ý tưởng kinh doanh thành hiện thực cũng như mở rộng các mối quan hệ trong lĩnh vực kinh doanh. Bà Đặng Thị Ngọc Đào, ở ấp 2B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, cho biết: “Đến với cuộc thi khởi nghiệp lần này, gia đình tôi dự thi ý tưởng chăn nuôi dê và chế biến sữa chua dê sấy khô. Tôi thấy cuộc thi khởi nghiệp rất bổ ích, thí sinh được Ban tổ chức tập huấn, thông qua các buổi học tập, mỗi ý tưởng dự thi đã tích lũy thêm kiến thức thiết thực để áp dụng trong quá trình sản xuất, kinh doanh của mình, đồng thời học hỏi được cách làm hay của những ý tưởng các thí sinh khác” 

Rất tâm huyết với ý tưởng tham gia dự thi lần này, bà Nguyễn Thị Thúy Kiều, công tác tại Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp - Sở NN&PTNT tỉnh, cho rằng cuộc thi khởi nghiệp là nơi giúp cho thí sinh được một sân chơi không chỉ có ích cho cả người đam mê khởi nghiệp và người dân. Giúp cho các thí sinh trao đổi, học hỏi lẫn nhau những vấn đề hay. Đặc biệt, mỗi nội dung ý tưởng đều được các giảng viên chỉ ra đâu là lợi thế, tiềm năng và hạn chế giúp cho thí sinh có những phân tích, hoạch định trong tương lai.

Qua vòng thi bán kết Cuộc thi khởi nghiệp lần thứ 2 năm 2021, Ban tổ chức và giám khảo đã thấy có những ý tưởng sáng. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhận xét: Qua vòng sơ khảo 152 ý tưởng, dự án cuộc thi khởi nghiệp lần 2, nhìn chung các ý tưởng, dự án có chất lượng và sát với thực tế của tỉnh. Đặc biệt, qua vòng sơ khảo, Ban giám khảo (BGK) đã lựa chọn ra được 52 ý tưởng, dự án để vào vòng bán kết. Sau sơ khảo xong có tổ chức tập huấn và họp sơ kết đánh giá lại các ý tưởng này, cho thấy các ý tưởng, dự án có chất lượng, chiều sâu hơn so với lần thứ nhất năm 2019.

Nhận định về các ý tưởng, dự án của thí sinh vào vòng bán kết cuộc thi khởi nghiệp lần này, ông Hoàng Minh Ngọc Hải, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo VN - ICM, thành viên BGK đánh giá: “Tôi nhận ra điều rất đặc biệt ở cuộc thi khởi nghiệp tại Hậu Giang là các nhóm dường như không đến đây để thi, họ đến để trình diễn và thu hoạch, việc thi là thứ yếu đối với các đội. Theo tôi, đây là điểm cộng dành cho cộng đồng khởi nghiệp còn khá mới của Hậu Giang. Việc tập trung vào dự án, ý tưởng của mình và nêu cao tinh thần học hỏi từ các đội khác hay từ Ban giám khảo, chuyên gia từ các sở, ngành chính là chìa khóa cho sự phát triển đường dài của ý tưởng. Đây là một tư duy rất cần được duy trì và phát triển”.

Bà Lê Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Trưởng BGK đánh giá, Cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Hậu Giang năm 2021 được tổ chức tiếp nối thành công của cuộc thi lần thứ nhất, với mục tiêu khơi gợi tinh thần khởi nghiệp, khuyến khích các cá nhân, tổ chức, các đối tượng là học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, những người có ý tưởng mạnh dạn khởi nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ thực tế và hiệu quả những ý tưởng kinh doanh, những dự án khởi nghiệp có tính khả thi, phát triển bền vững. Các dự án, ý tưởng tham gia lần này đều đáp ứng yêu cầu của thể lệ cuộc thi, các thí sinh nhiều tâm huyết và khát khao khởi nghiệp. Một số ý tưởng mang tính sáng tạo rất cao, các giải pháp, ý tưởng được lựa chọn vào vòng bán kết và chung kết đều có thể phát triển sản phẩm sau khi cuộc thi kết thúc.

Mặc dù có những điểm sáng nhưng các ý tưởng, dự án vẫn có những hạn chế. Bà Lê Mỹ Hạnh cho rằng, cùng với cả nước đang có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách để phát triển các nội dung này, đồng thời có sự vào cuộc hiệu quả của các sở, ngành, đoàn thể, địa phương, Liên minh hợp tác xã, Hiệp hội doanh nghiệp đã hỗ trợ rất nhiều cho các thí sinh của cuộc thi này nói riêng và của các đối tượng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung. Trong khuôn khổ cuộc thi, mặc dù các thí sinh đều rất nhiệt tình và cố gắng nhưng do nhiều điều kiện khách quan khác nhau nên đa số các bạn còn nhiều rào cản về kiến thức kinh doanh, kỹ thuật và công nghệ, các thủ tục để đưa sản phẩm đến với thị trường. 

Tạo động lực cho ý tưởng phát triển

Theo ông Hoàng Minh Ngọc Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo VN - ICM, thành viên BGK thì các nhóm giải pháp tập trung bám theo các thế mạnh hoặc vấn đề phổ biến tại địa phương. Tuy nhiên, mặt trái của việc quá tập trung vào những vấn đề tại địa phương chính là khả năng mở rộng để có thể trở thành giải pháp dành cho thị trường lớn hơn như quy mô vùng, quy mô cả nước, quy mô quốc tế. Để liên kết nhau thành một bức tranh lớn thì hệ sinh thái khởi nghiệp Hậu Giang cần 3 điều dám: Dám nghĩ lớn, dám tin rằng mình có thể làm lớn và dám hành động. Trong một hệ sinh thái mà nhiều người dám “lớn” gặp nhau, họ sẽ tự nhiên phải liên kết cùng nhau. Vì liên kết chính là chìa khóa duy nhất để thành công.

Ngoài ra, để các ý tưởng trở thành những dự án phát triển kinh doanh tốt và bền vững thì các chủ nhóm ý tưởng, dự án cần có một thời gian ưu tiên cho 2 việc là phát triển năng lực cốt lõi của những nhà sáng lập và test (kiểm thử) các mô hình giải pháp, rồi tiếp theo mới là thương mại hóa. Bên cạnh đó, để giúp các dự án cuộc thi khởi nghiệp phát huy hiệu quả thì tỉnh cần thực hiện một số hành động như xây dựng chiến lược phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong định hướng phát triển địa phương tầm nhìn 5-10 năm. Lựa chọn và đồng hành cùng với các đơn vị phát triển hệ sinh thái chuyên nghiệp. Chọn những nhân tố cốt lõi vào vai trò điều phối, giữ nhịp cho hoạt động hệ sinh thái. Đầu tư nguồn lực, thời gian để chăm lo phát triển hệ sinh thái như tinh thần của những người làm vườn. Dùng kết nối địa phương để lôi kéo nhiều chuyên gia, tổ chức, doanh nhân, doanh nghiệp, nhà khoa học cùng trên hành trình khởi nghiệp. Thúc đẩy các nhóm dự án, ý tưởng khởi nghiệp phá bỏ các giới hạn, tham gia sòng phẳng vào các xu hướng thời đại như chuyển đổi số, công nghệ, năng lượng nhằm gia tăng hàm lượng công nghệ trong giải pháp. Không ngừng sáng tạo để liên tục hành động và kiến tạo những cách phát triển phù hợp cho đặc trưng của kinh tế, xã hội, con người Hậu Giang.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: Những ý tưởng mang tính khả thi, tỉnh sẽ tạo điều kiện những ý tưởng này phát triển trên cơ sở cơ chế chính sách đã ban hành như chính sách đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể. Với những chính sách này, chắc chắn rằng khi các ý tưởng đoạt giải cuộc thi khởi nghiệp lần thứ 2 thì tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ bằng cách là xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, đầu tư một phần trang thiết bị để giúp các ý tưởng đi vào sản xuất với quy mô lớn hơn và xây dựng trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh trong thời gian tới.

Theo Báo Hậu Giang

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh